Công nhân rơi vào bẫy nợ tín dụng đen. Bài 2

26/08/2022, 05:41

Bài 2: Bảo vệ công nhân trước bẫy “tín dụng đen”

Trong lúc chờ được vay từ các nguồn ưu đãi, giữa vòng xoáy “bão giá” và gánh nặng gia đình, đồng hành cùng người lao động khó khăn, hiện một số doanh nghiệp đã tìm nhiều cách để hỗ trợ.

dscn9530.jpg.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với công nhân lao động.

Ranh mãnh “tín dụng đen”

Có cầu thì ắt có cung và đó là một phần nguyên nhân “tín dụng đen” len lỏi khắp nơi. Nhất là những lúc người lao động gặp khó khăn về việc làm, thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và giá cả không ngừng leo thang như thời điểm hiện nay. Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng cần vay tiền với thủ tục đơn giản, nhận tiền ngay, thường là các khoản tiền vài triệu đồng để giải quyết việc cá nhân, mà không thể vay từ bạn bè cũng như ngân hàng, các đối tượng cho vay với lãi suất cao đã khai thác triệt để. Vấn nạn này vốn đã âm ỉ trong dân cư, giờ lan vào các khu công nghiệp tại tỉnh.

Trước đó, trong chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động (CNLĐ) diễn ra vào tháng 6/2022 tại Bắc Giang, vấn đề tín dụng đen “bủa vây” khu công nghiệp cũng đã được nhắc đến. Trả lời nội dung này, Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Các đối tượng cho vay không thế chấp, huy động vốn, góp vốn, góp tài sản kinh doanh. Đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường có thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân vay tiền trực tiếp, qua app, qua mạng xã hội hoặc “núp bóng” doanh nghiệp với lãi suất cao bất thường. Qua công tác đấu tranh của Bộ Công an, hình thức cho vay này có lãi suất lên tới 90 - 100% mỗi tháng, thậm chí 700 - 1.000% mỗi tháng. Trong quá trình đó, “tín dụng đen” sử dụng nhiều thủ đoạn như đe dọa, khủng bố tinh thần, chiếm đoạt tài sản tiền lương trả qua ATM… Trong 3 năm qua, Bộ Công an đã đấu tranh phát hiện xử lý 2.740 vụ việc với gần 5.000 đối tượng, khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4.000 bị can, trong đó có hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi với nhiều bị hại là công nhân.

Chờ vốn 20.000 tỷ đồng

Cũng trong thời gian trên, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) từ tỉnh đến huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn nạn “tín dụng đen”, nhất là ở những nơi có đông công nhân lao động (CNLĐ). Trong đó, tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn để CNLĐ biết, cảnh giác và tố giác, không để “tín dụng đen” tiếp cận. Còn Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng đã có văn bản gửi đến các doanh nghiệp cần cảnh giác với các đối tượng cho vay nặng lãi – “tín dụng đen”. Theo đó đề nghị doanh nghiệp chủ động tuyên truyền và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho người lao động theo quy định, thường xuyên quan tâm hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần để họ yên tâm làm việc và sống lành mạnh, không vướng vào “tín dụng đen” hoặc vi phạm pháp luật…

dscn9397.jpg.jpg
Liên đoàn Lao động tỉnh đã tặng quà cho công nhân lao động khó khăn.

Trong khi đó, để giúp công nhân, người lao động ổn định cuộc sống, không vướng vào “tín dụng đen”, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sắp triển khai gói hỗ trợ 20.000 tỷ đồng. Dự kiến, mỗi công nhân được vay nhiều nhất 70 triệu đồng, thời hạn 3 tháng đến dưới 3 năm với lãi suất bằng một nửa lãi suất cho vay hiện tại… Tuy nhiên, để gói hỗ trợ trên mang lại hiệu quả trên thực tế, ông Trần Duy Thanh – Phó Chủ tịch phụ trách Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh cũng như đại diện LĐLĐ nhiều địa phương đều có cùng nhận định. Đó là để gói hỗ trợ này nhanh chóng đến được với công nhân và người lao động thì việc đơn giản hóa thủ tục cho vay là cần thiết. Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ, đứng ra giới thiệu hoặc bảo lãnh cho người lao động có nhu cầu vay đột xuất tại các tổ chức tín dụng hợp pháp.

Giúp công nhân tránh “bẫy”

Trong lúc chờ được vay từ các nguồn ưu đãi, giữa vòng xoáy “bão giá” và gánh nặng gia đình, đồng hành cùng người lao động khó khăn, hiện một số doanh nghiệp đã tìm nhiều cách để hỗ trợ. Tiêu biểu như Công ty TNHH Quốc tế Right Rich có hoạt động tặng quà bằng nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày, mỗi phần trị giá khoảng 200.000 - 300.000 đồng. Còn tại Công ty TNHH May Thuận Tiến nhiều năm nay xây dựng được Quỹ mái ấm công đoàn, với tổng số tiền trên 400 triệu đồng và sử dụng nguồn này để hỗ trợ công nhân vay ở mức 5 triệu đồng/người. Đã có 147 đoàn viên được vay không lãi, mỗi tháng chỉ trả 500.000 đồng. “Tuy không lớn, nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no” và đây cũng là cách doanh nghiệp giữ chân lao động ở lại làm việc dài lâu”, ông Nguyễn Linh Kha - Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty chia sẻ.

Riêng LĐLĐ tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm đến nay chương trình “Vì nữ công nhân, viên chức, lao động nghèo” đã giải ngân 2 đợt với số tiền gần 2 tỷ đồng cho 393 chị vay để chăn nuôi, trồng trọt, mua bán nhỏ, phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn lãi chương trình, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 28 nữ công nhân, viên chức, lao động mắc bệnh hiểm nghèo, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng và 440 cháu là con công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất trị giá 500.000 đồng nhân dịp lễ, tết…

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có nhiều tổ chức tín dụng cũng triển khai cho vay với nhiều gói khác nhau, nhiều đối tượng khác nhau như nông dân, phụ nữ… thông qua các liên kết. Vì vậy, nếu thực sự có nhu cầu về vốn, người lao động nên liên hệ cùng gia đình, người thân để làm thủ tục hồ sơ vay tại các tổ chức tín dụng chính thống. Đó cũng cùng nội dung khuyến cáo của Bộ Công an là người có nhu cầu vay tiền cần thận trọng, cân nhắc kỹ khi giao dịch. Nếu thật sự cần thiết thì phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, thể hiện đầy đủ thông tin như: Tên công ty, có mã số doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại đầy đủ, cụ thể. Ngoài ra, phải xem xét thật kỹ các điều khoản để tránh bị sa bẫy “tín dụng đen”.

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp vay tiền mà các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Nếu lãi suất cho vay vượt quá 20% được coi là cho vay nặng lãi, vi phạm pháp luật. Thực tế, các đối tượng cho vay chẳng dại gì ghi chỉ số lãi suất vào giấy tờ vay nợ mà chỉ thỏa thuận miệng với người vay. Những chủ nợ này cũng thường khấu trừ luôn tiền lãi vào số tiền gốc ngay khi giao tiền, nên người vay không bao giờ cầm đủ số tiền thực vay trong “hợp đồng”. Đó chính là nguyên nhân khiến cho những vụ cho vay với lãi suất “cắt cổ” chỉ bị phát giác khi mà hậu quả đã vi phạm pháp luật.

THỤC ANH

Related articles
Công nhân rơi vào bẫy nợ tín dụng đen. Bài 1
Dịch bệnh và giá cả leo thang càng khiến nhu cầu vay vốn của công nhân tăng cao. Dù đã được tuyên truyền, cảnh báo nhưng “cơn lốc” mang tên tín dụng đen đã len lỏi vào các khu công nghiệp trong tỉnh, chực chờ bẫy những người nhẹ dạ cả tin... Làm thế nào để hạn chế vấn nạn trên đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nhân rơi vào bẫy nợ tín dụng đen. Bài 2