Bài 1: Nóng điện thoại vì tín dụng đen
“Cứ thấy cuộc gọi lạ tới là không dám nghe máy. Chỉ khi đầu dây bên kia để lại tin nhắn, lời nhắn thoại thì tôi mới hồi đáp”. Sự mệt mỏi, có chút bất lực hiện rõ trên khuôn mặt chị Nguyễn Thị Ngọc Mai khi không hề vay nợ từ bất cứ ứng dụng nào nhưng hàng ngày vẫn nhận được nhiều cuộc gọi gây áp lực. Tín dụng đen thực sự đang nhiễu loạn và đã vào tận cơ sở sản xuất tại các khu công nghiệp trong tỉnh…
Ám ảnh tiếng chuông điện thoại
Sau nhiều cuộc điện thoại liên lạc nhưng đầu dây bên kia không nghe máy, chúng tôi phải để lại tin nhắn với lời hẹn, thì ít phút sau chị Nguyễn Thị Ngọc Mai – Giám đốc nhân sự Công ty H. (Khu công nghiệp Phan Thiết I) liền gọi lại.
Phụ trách bộ phận tuyển dụng, buộc chị Mai và phòng nhân sự phải để lại số điện thoại trên trang thông tin của công ty. Lợi dụng điều này, nhóm đối tượng cho vay đã gọi điện liên tục cho chị và các nhân viên khác trong phòng hăm dọa đủ kiểu làm xáo trộn mọi công việc. Khi thì ép công ty buộc người lao động trả nợ, khi yêu cầu đuổi việc, thậm chí giả danh bác sĩ và nhờ công ty mời người vay tới Trung tâm Y tế Phan Thiết khám bệnh, trả trước tiền thuốc hay giả danh công an… Để không bị tiếng chuông điện thoại làm phiền, mấy tháng nay buộc phòng kinh doanh và phòng kế toán phải cắt luôn số điện thoại bàn. Còn số zalo mọi người mách nhau để ở trạng thái “không nhận cuộc gọi, nhắn tin từ người lạ”. Tuy nhiên, việc này lại khiến lao động tìm việc không liên lạc được, công tác tuyển dụng càng gặp khó. Chưa dừng lại ở đó, nhóm trên còn truy cập vào trang Fanpage công ty, Facebook cá nhân có lời lẽ xúc phạm, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và hình ảnh công ty.
“Nhiều bạn bè, khách hàng ở nước ngoài tỏ ra nghi ngại, phải gọi điện xác nhận thông tin trước khi ký hợp đồng. Cũng dễ hiểu thôi vì trong kinh doanh rất cần chữ “tín””, chị Mai phân trần.
Cũng theo chị Mai, công đoàn và phòng nhân sự không thể biết được tình trạng công nhân vay nợ qua app, vì thủ tục vay rất dễ dàng và công nhân không kể cho mình biết để tư vấn. Chỉ đến khi việc đòi nợ xảy ra thì doanh nghiệp mới biết chuyện, nhưng khó giúp được gì vì đó là vấn đề cá nhân của người lao động.
Ám ảnh trước tình trạng “khủng bố” của các đối tượng cho vay tín dụng đen, bà Đoàn Thị Mỹ Thạch - Chủ tịch Công đoàn Công ty R. (Khu công nghiệp Hàm Kiệm II) cho biết thêm: Đầu năm 2022, một vài công nhân công ty vướng tín dụng đen khi vay tiền qua app. Đã có những ngày công đoàn nhận được hơn cả chục email lạ gửi tới, nhưng đều có nội dung khá giống nhau là xúc phạm công ty, kêu gọi người lao động không nên tiếp tục làm việc…
Dễ dàng vay nợ
“Cho vay kinh doanh, tiêu dùng lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, giải ngân trong ngày. Ai cần liên hệ…”. “Hỗ trợ vay nhanh, lãi suất thấp, bảo mật 100%, vay rồi có thể vay thêm nữa” kèm bảng thông tin số tiền vay… Những lời mời chào hấp dẫn được dán đầy các cây cột điện, bờ tường trên đường chị P (khi đó làm tại Công ty H.) đi làm, “giăng” cả vào tay lái xe máy mỗi khi chị đi siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Nhưng đâu có ngờ, một ngày chị lại dính vào “bẫy” vay tiền ấy.
Đó là khoảng thời gian cuối năm 2021. Khi số tiền tích lũy ít ỏi đã hết do thu nhập giảm bởi dịch bệnh, lại chưa có lương trong lúc đang cần gấp một khoản tiền mua thuốc men và chi tiêu, nuôi con, chị đã làm theo hướng dẫn vay tiền qua app. Nhưng ngay sau vay, lãi mẹ nhanh chóng đẻ lãi con, số tiền đã lên tới 30 triệu đồng. Chậm trễ trả một vài ngày, phía bên công ty cho vay liên tục gọi điện đe dọa, thậm chí gán ghép hình ảnh của chị với nội dung sai sự thật trên các trang Facebook để bôi nhọ danh dự, như quảng cáo chị đang rao bán các mặt hàng phản cảm để có tiền ăn chơi, là đối tượng nguy hiểm giật nợ, trốn nợ…
Qua tìm hiểu được biết, thực chất ứng dụng vay tiền trực tuyến là một ứng dụng cho vay tín chấp, người vay không cần có tài sản bảo đảm và người cho vay dựa vào uy tín của người vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua các trang web, sàn giao dịch trực tuyến hoặc app được cài đặt trên điện thoại di động thông minh. Do vậy, chỉ cần khách hàng tải các app vay tiền sẽ được các “ngân hàng online” giải ngân theo nhu cầu một các nhanh chóng.
Với phương châm hoạt động “vay dễ dàng, duyệt cấp tốc”, các “ngân hàng online” này sẽ giải ngân chỉ với điều kiện giấy tờ tùy thân hợp lệ (chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số điện thoại). Lãi suất hàng năm là tổng chi phí của khoản vay được thể hiện dưới dạng %. Mức vay có thể từ 2 - 30 triệu đồng mà không cần gặp mặt hay ký giấy tờ. Các đối tượng sẽ thẩm định danh bạ điện thoại của người vay để xác định tính chính xác, làm căn cứ cho việc đòi nợ sau này.
Tình trạng tín dụng đen đã và đang vào tận cơ sở sản xuất tại các khu công nghiệp trong tỉnh, nhìn nhận về tình hình trên, ông Trần Duy Thanh – Phó Chủ tịch phụ trách Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Thời gian qua, công đoàn đã tiếp nhận nhiều phản ánh, báo cáo từ doanh nghiệp, công đoàn cơ sở. Tuy số lượng mỗi đơn vị chỉ 1 – 2 trường hợp, nhưng với cách thức quấy nhiễu, đe dọa và bôi nhọ nhân phẩm người khác, bôi nhọ công ty một cách trắng trợn như vậy không chỉ có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như trật tự an toàn xã hội. Vì thế rất cần sự “hợp lực” từ doanh nghiệp, chính quyền địa phương, ngành chức năng và ngân hàng để đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn vấn nạn này.
Mình không vay nhưng suốt ngày bị làm phiền, bị vu khống giám đốc nhân sự lừa đảo, bao che cho lao động trốn nợ. Mặc dù đã giải thích đây là chuyện cá nhân và công nhân này hiện đã nghỉ việc nhưng đến cả ngày nghỉ cuối tuần cũng không được yên.
Chị Mai kể trong sự tức giận.