“Tân trang” cho giày, dép cũ

25/08/2022, 05:38

Dọc tuyến đường Nguyễn Huệ và khu vực ngã 7 (TP. Phan Thiết) có khoảng 4 tiệm sửa giày, dép cũ. Trong đó, người dân quen thuộc nhất với tiệm sửa giày của ông Đoàn Văn Lê (64 tuổi) nằm ở bên trong sân Quản Triệu Huệ Hội Quán.

Gọi là tiệm, nhưng thực chất nơi đây chỉ là một góc nhỏ với vài ba thứ đồ nghề giản đơn như: Một cái bàn gỗ, kim khâu, kìm, đinh, vài cuộn chỉ, dăm ba chai keo dán sắt và máy mài. Xung quanh bố trí vài chiếc ghế nhựa để khách ngồi chờ với vài mảnh vải của giày cũ vương vãi, mấy miếng cao su cắt từ lốp ô tô cũ gập tròn để phục vụ các khâu chế tác.

giay.jpg
Ông Lê và người con rể đang sửa những đôi giày, dép cũ.

Hàng ngày, từ lúc 6 giờ sáng, ông Lê cùng với người con rể gần như không lúc nào được ngơi tay. Khi thì khâu vá, lúc lại dán đế, rồi thì mài, lúc lại quét xi, đánh bóng… đủ mọi công đoạn cứ tiếp nối nhau cho đến khi việc sửa chữa được hoàn chỉnh. Ông Lê cho biết, đây là nghề gia truyền có từ thời của ba mẹ, từ lúc 10 tuổi đã theo học nghề sửa giày dép cũ. Tính thời gian bắt đầu tự tay làm nghề, ông Lê đã có hơn 50 năm sửa giày, dép tại đây. Đây cũng là nghề đã nuôi sống gia đình 5 người, và đến nay ông đã truyền lại cho 2 người con rể và 3 người con ruột tiếp tục. Người đàn ông có hơn 50 năm kinh nghiệm chia sẻ: Nghề sửa giày, dép không quá khó nhưng đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và khéo léo, cộng thêm niềm yêu nghề. Làm nghề này đầu tư không nhiều, ít rủi ro, lại chủ động được thời gian, không bị áp lực về lỗ lãi, nên có thể yên tâm làm nghề quanh năm. Mỗi ngày có thể nhận sửa chữa hơn 50 đôi, lợi nhuận thu được có thể gần 1 triệu đồng một ngày.

Ông Lê cho biết thêm, khu đường Nguyễn Huệ ngày xưa đông người theo nghề sửa giày, dép, nhưng sau này thì ít đi, và thực tế hiện nay chỉ còn vài người. Còn so sánh về lượng khách, thì hiện nay khách đông hơn ngày trước nhờ ông có lợi thế về mặt bằng, máy móc. Ông Lê lý giải, sở dĩ khách đông là do hồi xưa người dân sở hữu giày, dép không nhiều, còn hiện nay chỉ tính riêng phụ nữ họ cũng phải sở hữu đến 5 - 6 đôi giày. Giày, dép nữ thường sửa nhiều hơn giày nam vì giày nữ sau một thời gian sử dụng thường phải dán lại đế, khâu vai, nhất là với những đôi cao gót… Chính vì vậy, tiệm giày của ông Lê ngày càng đông khách, nhiều hôm không làm kịp phải hẹn lại khách ngày hôm sau đến lấy. Hiện nay, ngoài việc hướng dẫn truyền nghề lại cho các con, ông còn tự mua nguyên liệu về để tự mình chế tác thành các kiểu giày, dép để bán thêm.

Nghề nào cũng có cái hay riêng của nó và sự uy tín luôn là tiêu chí đặt lên hàng đầu. Vì vậy, tiệm giày của ông Lê luôn cẩn thận trong việc sửa chữa và trả giày đúng hẹn cho khách. Bao năm qua, tiệm của ông Lê đã “tân trang” cho không biết bao nhiêu loại giày, dép từ bình dân đến cao cấp. Hạnh phúc nhất là những lúc sửa thành công cho khách những đôi giày, dép đã sờn, cũ của những người lao động, người thu nhập thấp.

MINH NGHĨA

Related articles

Hướng dẫn tàu cá, tàu du lịch thu gom các loại rác thải
Ông Lê Văn Hùng, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuy Phong cho biết, hơn 300 chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên tàu cá và tàu du lịch cùng đại diện ban cán sự các thôn, khu phố thuộc 6 xã, thị trấn trên địa bàn Tuy Phong vừa được tập huấn về xử lý rác thải các loại, bảo vệ môi trường sinh thái.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Tân trang” cho giày, dép cũ