Sớm tháo gỡ vướng mắc trong công tác cai nghiện ma túy

27/09/2022, 05:33

Toàn tỉnh hiện có hơn 3.200 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và khoảng 2.800 người nghiện ngoài cộng đồng. Số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh lớn là thế, nhưng công tác cai nghiện còn gặp nhiều khó khăn, bất cập…

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 cơ sở điều trị nghiện ma túy bắt buộc. Trong 6 tháng đầu năm, cơ sở này đã tiếp nhận 127 người cai nghiện; cho phép hòa nhập cộng đồng 104 người. Người nghiện ma túy hiện đang điều trị, cai nghiện tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh là 205 người, số học viên được dạy nghề là 90 người. Cùng với công tác cai nghiện bắt buộc, hiện nay việc quản lý, điều trị nghiện bằng methadone khá phổ biến, góp phần làm giảm tình trạng người nghiện tái nghiện và vi phạm pháp luật. Hình thức điều trị này hoàn toàn miễn phí, sau khi được điều trị, người bệnh sẽ không còn cảm giác thèm nhớ ma túy, sức khỏe phục hồi và hoàn toàn có thể lao động, sinh hoạt bình thường.

day-nghe-dan-lat-cho-hoc-vien-nu-cai-nghien-ma-tuy-anh-n.-lan-3-.jpg
Dạy nghề đan lát cho học viên nữ cai nghiện ma túy (ảnh N. Lân)

Theo thống kê, số người đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone là 1.839 người, nhưng hiện chỉ còn 606 người đang duy trì tham gia điều trị tại các cơ sở y tế. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, người nghiện ma túy sau khi hoàn thành các chương trình cai nghiện bắt buộc về lại nơi cư trú sẽ được thành viên đội công tác tình nguyện tại các xã, phường, thị trấn và các ngành, đoàn thể địa phương quản lý, giúp đỡ tạo điều kiện để tái hòa nhập cộng đồng như: giới thiệu việc làm, hỗ trợ cho vay vốn, học nghề.

Tuy nhiên có một thực tế rằng, số người sau cai nghiện được giới thiệu việc làm, được vay vốn làm ăn hòa nhập cộng đồng rất ít, vì đa số người sau cai nghiện khi về lại nơi cư trú đều tái nghiện. Mặt khác, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng theo Nghị định 116 của Chính phủ tại Bình Thuận chưa thể triển khai được do điều kiện cơ sở vật chất ở các xã, phường, thị trấn chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định. Ngoài ra, đến nay vẫn chưa có quy trình để cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đối với việc lạm dụng thuốc tân dược và sử dụng các loại ma túy tổng hợp.

Có thể thấy, bên cạnh những nỗ lực nhằm làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm, hành động trong mỗi gia đình và toàn xã hội đối với nhiệm vụ phòng chống ma túy, cũng như việc cai nghiện ma túy thì công tác hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy trong tỉnh còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, kết quả đạt được chưa bền vững. Trong khi đó, bản thân người nghiện chưa có quyết tâm cao để bỏ nghiện, tái hòa nhập cộng đồng; hoạt động tư vấn học nghề, dạy nghề, tạo việc làm… cho người sau cai nghiện chưa được quan tâm đúng mức.

Được biết, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện theo quy định mới, tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan có hướng dẫn quản lý người sử dụng ma túy, người nghiện tại địa bàn cơ sở, quản lý sau cai nghiện. Đề nghị Bộ Y tế xây dựng các phác đồ cắt cơn giải độc cho người nghiện ma túy đá và các loại ma túy tổng hợp khác. Đồng thời đề xuất Chính phủ mở rộng thực hiện Quyết định 29 của Thủ tướng về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone, vì chính sách tín dụng này có nhiều ưu việt nhưng mới chỉ triển khai thí điểm 15 tỉnh, trong đó không có Bình Thuận.

HỮU PHÚC

Related articles
Tập huấn xác định tình trạng nghiện ma túy
Trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma túy, vừa qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận đã tổ chức lớp tập huấn chuyên môn công tác xác định tình trạng nghiện ma túy.

(1) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sớm tháo gỡ vướng mắc trong công tác cai nghiện ma túy