Chiến lược góp đại dương xanh. Bài 3

26/09/2022, 05:52

Bài 3: Chuyện lớn như rác nhựa đại dương

Hiện ở tỉnh đang thực hiện Dự án điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường biển và hải đảo. Nhưng thực tế có thể kiểm soát nguồn thải trên bờ không tuôn ra biển, còn rác thải nhựa đại dương thì ngoài tầm với.

Lo “Lỗ nhỏ, đắm thuyền”

Phức tạp hơn bảo vệ môi trường vùng biên giới biển, bảo vệ môi trường tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau ở trạng thái gần như nâng niu, gìn giữ, nếu không sẽ mang lại tác hại không hề nhỏ.Vì ở dưới vùng biển này là nơi hội tụ nhiều loài hải đặc sản quý hiếm, mang nét đặc trưng bởi tính đa dạng sinh học và các rạn san hô có độ bao phủ cao, trong đó có nhiều loài chỉ có ở vùng biển Hòn Cau. Hơn thế, còn phong phú, đa dạng chủng loài như rạn san hô có 234 loài, thực vật phù du có trên 175 loài, cá rạn san hô có 324 loài thuộc 115 giống và 41 họ. Ngoài ra, nơi đây cũng nổi tiếng là nơi sinh đẻ của rùa biển…Vì vậy, hầu như đều cực kỳ nhạy cảm với môi trường nước bị ô nhiễm.

lan_0824.jpg
Khu bảo tồn biển Hòn Cau (ảnh N.Lân)

Nhờ nằm gần bờ nên Hòn Cau không bị ảnh hưởng nhiều của các dòng hải lưu mà chỉ bị tác động của các dòng nước ven bờ nên rác nhựa đại dương tấp vào bờ không nhiều như ngoài đảo Phú Quý. Tuy nhiên, ngay từ khi thành lập khu bảo tồn, cứ 1 năm 2 lần, ban quản lý ra quân dọn rác nhựa đại dương ở các bãi Tràng Dảo, bãi Tàu và bãi Trước thì thấy rác tấp nhiều theo mùa gió. Tình hình cũng cho thấy có rác “bao vây” cả những rạn san hô nên năm 2020, ban quản lý chuẩn bị dọn rác dưới biển nhưng vì dịch bệnh phải ngưng lại. Đến tháng 6 rồi, đơn vị mới triển khai chương trình “Giám sát rác thải rạn san hô”, sau một thời gian cử người đi học tập từ các nơi khác.

c0279t01.jpg
Rác nhựa đại dương trôi dạt vào bờ (ảnh N.Lân)

Theo Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau, các nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ lặn biển đã xuống giám sát rạn san hô, làm thí điểm lần đầu tại 1 bãi với 2 mặt cắt theo chiều dài 50m thì thấy có nhiều dây thừng, lưới ma, phao nhựa, cao su, 2 lốp ô tô lớn, một số mảnh nhựa và bao ni lon. Cách làm này là tiền đề để đơn vị tiếp tục thực hiện trong các năm tới, từ đó xây dựng hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu quan trọng để các cơ quan chức năng nghiên cứu, xác minh nguồn gốc phát sinh rác thải biển.

100_0020.jpg
Huấn luyện lặn biển (ảnh N.Lân)

Đây cũng là cách tiếp cận cho phát triển bền vững, nhất là Hòn Cau đang là điểm đến hấp dẫn của du khách và câu chuyện rác thải nhựa không dừng ở ngoài đại dương mà còn có khả năng bị xả trên bờ rồi trôi xuống biển. Vì vậy, năm rồi, đơn vị tham gia mô hình Tàu du lịch (từ đất liền bờ biển thị trấn Liên Hương ra đảo Hòn Cau), huyện Tuy Phong trong dự án UNDP tài trợ và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện, với nội dung thu gom, phân loại rác trên tàu du lịch và không xả rác thải nhựa ra biển. Vì theo tính toán, 3 tàu du lịch đang hoạt động với tổng sức chở 90 người, lấy bình quân 45 người xả rác với 0,5 kg rác/người/ngày thì mỗi năm có khoảng 8 tấn rác thải vứt xuống biển, dọc bờ biển, nếu như không có giải pháp thu gom, xử lý. Rác ấy gồm những rau, củ, quả loại bỏ; thức ăn thừa; hộp bánh, vỏ bao thuốc lá, các loại vỏ lon, chai nhựa, túi nilon; vỏ sò, vỏ ốc, đồ thủy tinh… tưởng nhỏ nhưng sức tàn phá không hề nhỏ.

lan_0821.jpg
Hòn Cau có nhiều bãi biển đẹp thu hút du khách. Ảnh: N.Lân

Cuộc chiến với “kẻ giấu mặt”

Khác với Khu bảo tồn biển Hòn Cau, Khu bảo tồn biển đảo Phú Qúy đến thời điểm này vẫn chưa được thành lập, dù cả 2 đều được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nằm trong Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn biển Việt Nam đến 2020 tại Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26 tháng 05 năm 2010. Vì nhiều lý do mà ngay đến hiện tại, khi các thủ tục đang thực hiện để tiến tới thiết lập Khu bảo tồn biển Phú Quý thì cũng đang vướng. Nổi lên là diện tích khu bảo tồn cũng như khu vực bảo vệ nghiêm ngặt theo dự thảo quy hoạch là không phù hợp, có chồng lấn quy hoạch đất quốc phòng (như Hòn Tranh), hoặc chịu sự tác động thường xuyên của hoạt động dân sinh, kinh tế (như phía Đông, phía Tây huyện đảo Phú Quý) nên phải điều chỉnh…Riêng về lấy ý kiến nhân dân trên đảo trong thành lập Khu bảo tồn biển Phú Quý, người dân đều đồng tình với mong muốn khu bảo tồn sớm hình thành để tái tạo nguồn lợi thủy sản và phát triển du lịch trên đảo bền vững. Đó là ước muốn chính đáng của người dân nhưng cũng đồng thời đòi hỏi chính quyền phải giải quyết bài toán rác thải khi lượng khách du lịch đến đảo nhiều hơn sau đợt dịch Covid – 19 và dự báo sẽ còn nhiều hơn nữa trong tương lai, cùng với rác thải nhựa đại dương tràn vào đảo hàng năm. Hơn nữa, phải khắc phục mâu thuẫn hiện tại, khi rác giăng ở Hòn Tranh, nhưng Nhà máy xử lý rác và tái chế Đa Lộc Phú Quý lại bị thiếu nguyên liệu, khi chỉ mới hoạt động đạt khoảng 25-30 tấn rác/ngày so với công suất 70 tấn rác/ngày.

dscn4370.jpg
Một góc đảo Phú  (ảnh N.Lân)

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Môi trường Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại xây dựng Đa Lộc, chủ đầu tư nhà máy trên cho rằng, nếu quyết tâm thực hiện 1 chiến lược chống rác thải nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng thì chỉ 1-2 năm sau, Phú Quý xứng đáng là đảo ngọc. Nhưng trước mắt, ông nhấn mạnh cần nhanh chóng giải quyết bãi rác lộ thiên của đảo dùng để chôn đốt trước đây, bằng cách xác định khối lượng rác bao nhiêu để giao cho nhà máy xử lý, nhằm khắc phục nhiều vấn đề môi trường đang phát sinh. Tiếp đó, chính quyền đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều cách như dán pano, áp phích, bảng hiệu trên tàu, trên cảng…nhằm nhắc nhớ, nâng ý thức người dân và du khách đến đảo trong sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường, cấm xả rác bừa bãi, phân loại rác tại nguồn, tận thu rác thải đại dương. Với rác bên Hòn Tranh thì cần có xà lan chuyên chở rác trên biển khoảng 2 km, tiếp đến rác sẽ chuyển sang xe chuyên dùng chở về nhà máy; dù phải mất 2 chặng nhưng chỉ cách ấy mới có thể thu gom gọn hết rác. Để phát huy hơn, cần xã hội hóa trong thu gom rác thải ở đảo, có thể huy động người dân cùng tham gia thông qua các tổ trong khu dân cư. Theo đó, Ban quản lý công trình công cộng Phú Quý sẽ xác nhận khối lượng từng tổ đã thu gom bao nhiêu rác, trong thời gian nhất định, sau đó nhà máy thanh toán tiền cho người dân.

dscn4405.jpg
Đảo Phú Quý thu hút lượng khách du lịch rất lớn đến tham quan và thưởng thức hải đặc sản biển (ảnh N. Lân)

Trước mắt, đã có hướng giải quyết như thế nhưng với rác thải nhựa đại dương vốn dĩ trôi nổi từ đâu tới không ai biết nên cũng khó có thể dự đoán khối lượng bao nhiêu để ứng phó. Thậm chí có lúc bất ngờ, khi ngoài đảo Phú Quý và cả một số bãi biển trong tỉnh có ngày tràn ngập dầu vón cục, loại rác lạ mà ngay nhà máy xử lý và tái chế rác cũng bỏ qua. Điều đó tương tự như cuộc chiến với kẻ giấu mặt. Có lẽ, đó cũng là lý do mà thời gian qua, Trung ương tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về rác thải nhựa đại dương với sự tham gia phân tích của các chuyên gia quốc tế về môi trường. Qua đó nhận ra biển là không gian liên thông và rác thải nhựa đại dương là chuyện không của riêng ai nên phải cùng chung sức phối hợp theo hướng góp cho đại dương xanh thì mới mong giảm thiểu. Vì chúng có thể trôi nổi từ vùng biển tỉnh này qua vùng biển tỉnh khác, thậm chí từ quốc gia này sang quốc gia khác. Vậy nên như trang https://vietnam.panda.org/...k...ởi xướng: “Hãy tham gia cùng chúng tôi đưa ra kiến nghị và ủng hộ các nguyên thủ quốc gia thiết lập một thỏa thuận toàn cầu và ràng buộc pháp lý cấp Liên Hợp Quốc nhằm ngăn chặn rác thải nhựa thất thoát ra đại dương!”.

Theo phân tích tác hại của rác thải nhựa đại dương từ Chương trình phát triển Liên hiệp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP GEF SGP) cho thấy, chính rác nhựa đại dương với chất thải nhựa và hạt vi nhựa trôi nổi trên biển không chỉ khiến chất lượng nước ô nhiễm mà chúng còn là thức ăn của động vật biển. Khi ăn phải các chất thải nhựa này, động vật biển bị nghẹt thở, tắc nghẽn hoặc tổn thương hệ tiêu hóa. Một số loại chất thải nhựa có thể khiến chúng bị mắc kẹt như lưới, chai nhựa, dây thừng hoặc vỏ lon bia/nước ngọt.

BÍCH NGHỊ

Related articles
Chiến lược góp đại dương xanh. Bài 1
Bài 1: Tính 2 mặt của vùng biển sôi động

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến lược góp đại dương xanh. Bài 3