Chiến lược góp đại dương xanh. Bài 1

22/09/2022, 05:51

Bài 1: Tính 2 mặt của vùng biển sôi động

Là nơi gặp nhau của 2 dòng hải lưu, có “đặc sản” hiện tượng nước trồi, vùng biển Bình Thuận được xác định là ngư trường đánh bắt trọng điểm của cả nước. Nhưng đồng thời đó cũng đối diện với vấn nạn rác thải nhựa đại dương…

Nỗi khổ của Phú Quý

Những ngày này, gió bấc bắt đầu thổi nhưng gió nam vẫn chưa lui nên nơi Hòn Tranh, cách đảo chính Phú Quý 1 km về phía đông nam, rác nhựa đại dương tấp vào cả 2 mặt của hòn rất nhiều. Người lái ca nô chuyên chở khách qua Hòn Tranh cho biết thời điểm này đang giao thoa 2 mùa gió nên rác tập trung nhiều quanh hòn. Còn thường trong năm, cứ mùa gió nam thì phía tây hòn ngập rác, tương tự mùa gió bấc, rác tấp vào phía đông. Chị Nguyễn Thị Thơm, Bí thư Huyện đoàn Phú Quý cho biết nhiều năm nay, năm nào cơ quan cũng tổ chức ra Hòn Tranh dọn rác 1 - 2 chuyến. Như tháng 7 rồi, cơ quan Thơm đã tổ chức 1 chuyến với hơn 100 người ra Hòn Tranh dọn dẹp vệ sinh với khối lượng rác khiến cả đoàn lúng túng không biết xử lý sao. Mang về đảo chính để chuyển tới nhà máy xử lý rác thì không thể, vì quá nhiều; vả lại ca nô chỉ chở người với số lượng, độ nặng theo đăng kiểm. Mà đốt tại chỗ thì không biết bao giờ mới xong. Đoàn đành gửi… rác lại nhờ các anh bộ đội trên đảo đốt giùm. Hòn Tranh ở vị trí cách trở nên dù sức trẻ nhiệt tình vẫn không thể dọn sạch rác đại dương tấp vào bờ như ở 3 xã trên đảo chính.

l1020977(1).jpg
Hòn Tranh Phú Quý (ảnh N.Lân)

Phú Quý nằm giữa biển khơi lại ở đúng vị trí trung tâm nơi gặp nhau của 2 dòng hải lưu nên rác đại dương tấp vào theo mùa gió là đương nhiên. Cứ vào mùa gió nam thì rác đại dương dồn đến khu vực cảng Phú Quý và ven bờ 2 xã Ngũ Phụng, Tam Thanh. Sang mùa bấc thì tấp vào khu vực xã Long Hải. Còn như thời điểm đang giao thoa 2 mùa gió hiện giờ thì rác đại dương xuất hiện đều trên đảo. Những hôm biển động, sóng lớn, đảo nhận rác từ đại dương nhiều bất ngờ. Ngược lại, biển êm thì ít rác. Vì rác cứ thường trực, cứ là nỗi lo hàng ngày ảnh hưởng đến môi trường sống như thế nên khi UBND tỉnh triển khai thực hiện các nghị quyết, kế hoạch của Trung ương về quản lý rác thải nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng thì Phú Quý triển khai thực hiện với kết quả rất nổi bật. Huyện đảo đã giao rõ vị trí, địa điểm cho các cơ quan ban ngành, đoàn thể, địa phương, từng đơn vị, tổ chức… để tự có kế hoạch tổ chức ra quân làm sạch bờ biển, bãi biển, khu vui chơi giải trí, các điểm du lịch, chợ và các tuyến đường trong thôn, xóm xuyên suốt trong năm. Song song đó, kêu gọi cộng đồng không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần; tại tất cả các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện của cơ quan, đơn vị trên đảo đều sử dụng ly sứ, thủy tinh, bình đựng sử dụng nhiều lần hoặc các vật liệu dễ phân hủy, thân thiện với môi trường. Bên cạnh tích cực thu gom rác thải, bố trí các thùng rác công cộng, huyện đảo cũng khuyến khích người dân phân loại rác thải tại nguồn, xử lý tốt nguồn rác thải nhựa khó phân hủy...

20180927_135837(1).jpg
Rác thải đại dương trôi dạt vào bờ (ảnh N.Lân)
20190829_151836.jpg
Đoàn viên thanh niên và các lực lượng dọn rác bờ biển. Ảnh: Ngọc Lân

Và hành trình này của đảo được tiếp nối qua dự án “Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương trên địa bàn huyện Phú Quý, huyện Tuy Phong và TP. Phan Thiết”, do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tài trợ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Thuận bắt đầu thực hiện từ tháng 10/2020. Từ dự án sẽ kết thúc vào cuối tháng 9/2022 này, tại Phú Quý ngoài những hiệu quả từ thay đổi nhận thức rõ hơn, hành vi chuẩn hơn của dân qua quản lý và ứng xử với rác thải nhựa đại dương, đã hình thành nhiều mô hình có sự lan tỏa ra vùng ngoài dự án. Nổi bật là “Tổ phụ nữ thu mua nhựa tái chế” hoạt động nề nếp, có mở sổ theo dõi, quản lý rác thải nhựa; mô hình khu dân cư thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh thu gom phân loại rác thải tại nguồn, làm phân compost (rác dễ phân hủy); mô hình kinh tế tuần hoàn và phân loại rác thải tại Trường THPT Ngô Quyền. Điều đáng nói, các mô hình trên còn bội thêm ý nghĩa khi kinh phí bán ve chai để hỗ trợ cho trẻ em và phụ nữ nghèo tại địa phương, hay đổi chai nhựa lấy cây xanh…

dscn4481.jpg
Nhiều tàu thuyền công xuất lớn đánh bắt ở ngư trường Phú Quí (ảnh N.Lân)
dscn4470.jpg
Phú Quí ngày nay thu hút nhiều khách du lịch (ảnh N.Lân)

Nỗ lực là thế, tuy nhiên như lãnh đạo huyện Phú Quý cho biết, điểm khó nhất trong thu dọn rác ở Phú Quý là Hòn Tranh, nơi đang thu hút khách du lịch đến tham quan, cũng là nơi có bờ cát nên rác đại dương tấp vào thì ở lại luôn và dọn không xuể. Bên cạnh, lại chưa có phương tiện thu dọn, chuyên chở về đảo chính. Trong khi đó, Nhà máy xử lý và tái chế rác Đa Lộc Phú Quý có công suất 70 tấn/ngày đi vào hoạt động từ tháng 4/2021 thì hiện hoạt động không hết công suất, do thiếu rác.

Rác từ chính ngư dân

Ở Phú Quý, ngoài Hòn Tranh còn có 8 hòn khác quần tụ ở 2 khu vực cách nhau 27 – 35 hải lý như Hòn Đen, Hòn Đỏ, Hòn Giữa, Hòn Hải, Hòn Đồ… nhưng không phức tạp về môi trường như Hòn Tranh. Vì hầu hết không có bờ cát rộng nên khi rác đại dương tấp vào chỉ “tá túc” tạm thời rồi sau đó lại theo con nước trôi đi. Có thể rác ấy đẩy vào bờ biển Phan Thiết, La Gi hoặc Tuy Phong, 3 huyện, thị, thành phố phát triển kinh tế biển trọng điểm. Hoặc cũng có thể trôi dạt vào các vùng biển khác thuộc Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Hàm Tân. Vì vốn dĩ ngoài khơi vùng biển của tỉnh là nơi gặp nhau của 2 dòng hải lưu nên theo đó, rác đại dương từ vùng biển tỉnh khác hoặc quốc gia khác dồn về và tỏa đi. Thêm nữa, vào mùa gió tây nam, sự hội tụ đầy đủ các yếu tố mà vùng biển khác không thể có được như chế độ dòng chảy, địa hình bờ và đáy biển, sự phân tầng nước biển… đã khiến vùng biển Bình Thuận có “đặc sản” là hiện tượng nước trồi. Trong hành trình nguồn nước mặt bị đẩy ra xa và vùng nước sâu trồi lên thay thế đã tạo ra chuỗi thức ăn cho phù du phong phú, hình thành vụ cá nam với đa dạng chủng loại, quyết định ngư trường Bình Thuận trở thành 1 trong 3 ngư trường lớn của cả nước. Vì vậy, đã thu hút nhiều tàu thuyền ở các tỉnh khác đến vùng biển Bình Thuận đánh bắt hàng năm với số lượng từ 2.000 – 3.000 chiếc, cùng khoảng 7.500 chiếc tại tỉnh khiến ngư trường của tỉnh cực kỳ sôi động, đúng nghĩa là ngư trường khai thác thủy sản trọng điểm của cả nước. Nhưng đồng thời đó, rác thải trên biển cũng nhiều hơn, do chính ngư dân vứt xuống biển trong hành trình đánh bắt.

Vì vậy, trong dự án do UNDP tài trợ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư có xây dựng mô hình ngư dân không xả rác xuống biển triển khai tại TP. Phan Thiết và huyện Tuy Phong. Đó là phát cho 104 tàu cá thí điểm tại 2 địa phương các túi thân thiện môi trường để đựng rác trong hành trình đánh bắt trên biển. Còn tại các cảng có trang bị cố định các thùng chứa rác lớn loại 660 lít, để đựng rác gom từ cảng và từ các tàu về bến, sau khi tổ ve chai mua lại những loại rác có giá trị. Đó là hướng xây dựng của các mô hình, còn thực hiện thì mới bắt đầu.

Ngư dân Nguyễn Hữu Thanh, Tổ trưởng Tổ đoàn kết khai thác trên biển với 60 tàu ở phường Đức Thắng – TP. Phan Thiết cho biết, năm ngoái dù dịch bệnh nhưng ông cũng đã tham gia 3 ngày tập huấn về không xả rác để bảo vệ môi trường biển. Một số chủ tàu bạn khác không tham gia, vì bận chuyến biển nhưng ông tin các bạn thuyền trong tổ sẽ dần từ bỏ thói quen vứt rác xuống biển, tự thu gom, phân loại rác sinh hoạt vào bịch để đem về cảng. Vì ai cũng mong môi trường biển tốt, hải sản nhiều lên, đánh bắt thuận lợi.

Bài 2: Những miền tự tạo “thiên đường

BÍCH NGHỊ

Related articles
Nỗ lực khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, bên cạnh các loại vũ khí gây thương vong, đế quốc Mỹ còn sử dụng chất độc da cam/dioxin gây hậu quả nặng nề đối với con người và môi trường. Nay chiến tranh đã lùi xa, song hàng triệu người dân Việt Nam và những thế hệ thứ ba, thứ tư sinh ra trong hòa bình vẫn phải mang trong mình di chứng bởi phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến lược góp đại dương xanh. Bài 1