Nhớ mùa đậu phộng

16/09/2022, 05:56

Đêm khuya muộn, đồng hồ đã điểm gần qua ngày mới; nhưng tôi cố nán lại để đọc cho hết các chuyên trang trên báo Bình Thuận cuối tuần, vì qua các bài viết tôi tìm thấy cuộc sống của mình gần gũi với những câu chuyện mà báo đăng.

Thành phố tôi đang sống, ban đêm nhiệt độ thường xuống thấp hơn ban ngày và sương mù giăng kín lối. Những bóng đèn đường mờ mờ, ảo ảo trong đêm khuya làm lay động lòng người xa xứ thổn thức nhớ quê hương; nhớ về một thời nghèo khó. Tuổi thơ tôi gắn với một vùng quê thuần nông, mùa nào vụ ấy; hết trồng lúa rồi trồng màu xen canh, một phần trừ sâu bệnh, một phần thay đổi cây trồng cho đất thêm phần tơi xốp. Đậu phộng cũng là một trong những cây trồng giúp cho đất thêm màu mỡ và cũng là cây trồng chiến lượt một thời ở xã Hàm Mỹ nói riêng và toàn huyện Hàm Thuận Nam quê hương tôi nói chung. Tôi vẫn nhớ như in những buổi trưa mùa thu khi đi học về trời nắng chang chang, bọn trẻ chúng tôi vội vàng cất sách vở, thay quần áo rồi ăn nhanh cơm nguội hoặc củ khoai lang, khoai mì nhà có sẵn rồi một tay thúng lớn, một tay thúng nhỏ đi lặt đậu phộng. Thúng lớn đựng đậu phộng già, thúng nhỏ đựng đậu non, hạt lép.

thu-hoach.jpg
Nông dân đang thu hoạch đậu phộng.

Bình Thuận, với đặc điểm khí hậu của vùng Đông Nam bộ; nhiệt độ trung bình hàng tháng 27,2 - 27,70C. Lượng mưa hàng năm biến động từ 966 -1325 mm, trong đó, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 chiếm trên 70 - 82% tổng lượng mưa; có gió tây nam với tần xuất 70%, nằm trong vùng đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo có nền nhiệt ẩm phong phú, ánh nắng dồi dào, thời gian bức xạ dài, nhiệt độ và tổng tích ôn cao, biên độ nhiệt ngày đêm giữa các tháng trong năm thấp. Độ ẩm trung bình hàng năm từ 80 – 82% thích hợp với các họ cây trồng, trong đó có cây đậu phộng. Đậu phộng được người dân trồng trong mùa mưa từ khoảng nửa đầu tháng tám và thu hoạch cuối tháng mười đầu tháng mười một, ở thời điểm này trùng với thời tiết khô hanh nên rất thuận lợi cho việc thu hoạch và phơi đậu. Đất trồng đậu phộng thích hợp là có pH từ 5,5-6,5 sẽ tạo điều kiện tốt cho vi khuẩn nốt sần phát triển. Đất càng tơi xốp, cao ráo, thoát nước nhanh thì đậu phộng càng dễ đâm tia vào đất và phát triển tốt, cho năng suất cao. Đến mùa thu hoạch, đậu phộng được người dân nhổ đem về lặt lấy củ, có nhà bán đậu tươi cho thương lái cung cấp đậu phộng luộc cho các nhà hàng, quán nhậu. Phần nhiều đậu phộng được phơi khô, rồi cất dành khi cần thiết sẽ bán, một phần để ăn quanh năm. Mùa đậu phộng, chúng tôi được ăn thường xuyên là đậu phộng luộc. Đậu tươi luộc vừa ngọt, vừa béo, bùi. Ngày nào cũng được ăn đậu phộng luộc; lúc thì nhà mình, lúc thì ăn ké nhà hàng xóm nhưng chúng tôi chưa bao giờ ngán.

Theo các chuyên gia y tế, đậu phộng ổn định được đường huyết, bảo vệ tim mạch; thường xuyên sử dụng đậu phộng có thể ngăn ngừa sỏi mật; phòng chống trầm cảm; tăng cường trí nhớ và giảm nguy cơ tăng cân… Đậu phộng ngoài việc luộc ăn tươi, người dân còn có rất nhiều cách để chế biến đó là: làm dầu đậu phộng, đậu phộng da cá tỏi ớt, đậu phộng rang giòn cũng là món ăn bổ dưỡng, đậu phộng rang muối, đậu phộng tươi nấu xôi cũng rất ngon. Muối đậu phộng ăn với xôi; đậu phộng còn làm nguyên liệu phụ cho các món trộn, gỏi, mì quảng. Đậu phộng được giã sơ rồi nấu với bí đỏ, thêm gia vị, rau ngổ... là xong nồi canh thơm phức. Đặc biệt, kẹo đậu phộng để trên bánh tráng khi ăn uống nước trà thì khó mà quên được… Còn rất nhiều cách và nhiều món chế biến tùy khẩu vị và vùng miền khác nhau. Cây đậu phộng khi thu hoạch về lặt hết củ làm thức ăn cho trâu bò, nhiều nữa thì đem phơi khô để dành vào mùa đông hoặc đem ủ cho hoai mục làm phân xanh rất có lợi cho việc bón lót trên các cánh đồng.

Ngày nay, ruộng đất quê hương tôi đã chuyển đổi cây trồng, nhà nhà trồng thanh long không còn đất cho vụ lúa cũng hết các vụ màu, vì thế đậu phộng cũng không còn. Người dân quê tôi phải dùng đậu phộng cho cuộc sống hàng ngày từ những nơi khác mang đến. Tôi đã được đi khắp nơi, được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản khác nhau của nhiều vùng miền, nhưng tôi thật sự khó quên món đậu phộng luộc tươi ngon của quê mình được nấu từ những mùa nhổ đậu thời thơ ấu mà giờ đây vẫn còn mãi trong ký ức. Qua Tết Trung thu, mùa nhổ đậu phộng lại về, ngồi một mình ở xứ người trong đêm vắng tôi thèm được chạm tay vào những bụi đậu phộng để nhổ lên, rủ sạch đất đem về chất từng đóng nơi góc sân, cùng nhau quây quần lặt đậu và những bếp lửa đỏ đun sôi nồi đậu phộng luộc thơm tỏa hương khắp cả một góc làng. Ngồi bên nồi đậu phộng luộc nghe bà và cha mẹ khuyên bảo các con phải biết vâng lời cha mẹ, thầy cô, cố gắng học hành, rèn luyện tác phong, đạo đức để sau này trở thành người tử tế. Nhớ mùa đậu phộng ngày xưa, tôi nhớ về một khoảng trời mênh mông trong ký ức ở một vùng quê êm đềm thanh vắng.

ĐỖ VĂN CƯỜNG

Related articles
Phát triển bóng chuyền hơi
Thời gian gần đây, bộ môn bóng chuyền hơi được yêu thích và tập luyện, nhất là phái nữ. Bóng chuyền hơi còn được đưa vào là môn thi đấu chính ở nhiều hội thao, khối thi đua, đã tạo nên phong trào tập luyện sôi nổi, gần như ở hầu hết các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ mùa đậu phộng