Đồng thời khuyến khích người dân quay lại với các mặt hàng bánh trung thu truyền thống, với nhân đậu, trứng, hoa quả… giá cả phải chăng trong các siêu thị.
Mùa trung thu năm nay, Trung Quốc lại siết chặt kiểm soát bánh trung thu xa xỉ như: cấm làm nhân bánh trung thu bằng vi cá mập, yến sào, hay hộp bánh bằng gỗ quý, kim loại quý, để hạn chế sự xa hoa, lãng phí. Cục Quản lý thị trường Trung Quốc sẽ thanh tra, xử phạt các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn và các nền tảng thương mại điện tử có sản xuất, hoặc bán bánh trung thu xa xỉ.
Trong văn hóa Trung Quốc, trung thu không chỉ là tết của thiếu nhi, mà còn là dịp để tặng quà cho bạn bè, người thân, để thể hiện tình cảm. Nhưng phong tục đẹp ấy đã bị biến tướng, bánh trung thu giờ không chỉ để ăn, mà thậm chí đã trở thành một hình thức đưa hối lộ. Có cầu ắt có cung, các nhà sản xuất đã làm ra những chiếc bánh xa xỉ, dát vàng dát bạc, có giá trị nhiều nghìn USD. Tệ xa hoa, lãng phí luôn đi kèm với tiêu cực, tham nhũng như hình với bóng. Đó là lý do Trung Quốc phải kiên quyết chặn đứng sự biến tướng của bánh trung thu.
Ở Việt Nam ta chưa chính thức cấm bánh trung thu xa xỉ, nhưng dư luận đã không ít lần phê phán hiện tượng biến tướng này. Những năm gần đây, bên cạnh các loại bánh trung thu truyền thống, trên thị trường xuất hiện những chiếc bánh trung thu ngày càng đắt đỏ hơn, không chỉ có nhân vi cá, bào ngư, yến sào, đông trùng hạ thảo… mà còn có cả “nhân vàng, nhân bạc, nhân USD” đúng nghĩa. Những chiếc bánh trung thu xa xỉ ấy chắc không dành cho con trẻ, mà hầu hết để phục vụ toan tính quà cáp biếu xén của người lớn.
Dư luận lo ngại hiện tượng bánh trung thu biến tướng này sẽ góp phần làm trầm trọng thêm nạn tiêu cực, hối lộ, thoái hóa mà xã hội ta đang phải quyết liệt ngăn chặn. Trên báo chí và MXH có những lời kêu gọi hãy trả trung thu về cho trẻ em - một trung thu vô tư, trong trẻo như ánh trăng rằm trong ký ức tuổi thơ của mỗi chúng ta.