Theo đó, các sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thủy sản đặc biệt là hậu quả của việc thực hiện hành vi sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản đến ngư dân biết và thực hiện. Huy động và khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chỉ đạo các lượng chức năng phối hợp chặt chẽ trong việc nắm bắt thông tin về các đối tượng đã thực hiện, có nguy cơ thực hiện các hành vi trên nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện hành vi vi phạm, thực hiện xử lý nghiêm theo Nghị định số 42/2019/NĐ–CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Bên cạnh đó, bố trí nguồn lực để các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ; chỉ đạo các lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại bến và trên biển, phối hợp tổ chức các đợt cao điểm để phát hiện và xử lý các hành vi liên quan. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển trái phép, sử dụng hóa chất cấm, chất nổ, xung điện, dòng điện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản…