Phát huy vai trò phòng tư vấn học đường

13/10/2022, 21:48

Bạo lực học đường, tự ti, mặc cảm về giới tính, hoàn cảnh gia đình dẫn đến bỏ học, hoang mang trong định hướng nghề nghiệp hay rối loạn tâm lý, trầm cảm... đây là thực trạng báo động trong học sinh hiện nay. Điều đó cho thấy, vai trò của giáo dục, tư vấn tâm lý học đường (TVTLHĐ) ngày càng quan trọng đối với các cơ sở giáo dục.

Học sinh cần được chia sẻ

Mới bước vào năm học được hơn 1 tháng, nhưng tình trạng bạo lực học đường, vấn đề về văn hóa ứng xử của học sinh đã “nóng” lên cả trong và ngoài tỉnh. Sự việc khiến nhiều người bàng hoàng là ngay ở Lương Sơn (Bắc Bình), những học sinh mới 12, 13 tuổi, còn khoác áo nguyên bộ đồng phục, vừa mới bước ra khỏi cổng trường đã có hành vi kéo bè, kết nhóm, đánh hội đồng một học sinh rồi quay clip, mặc cho em này van xin. Mâu thuẫn dẫn đến xô xát chắc hẳn không phải ngày một, ngày hai, vì thế nhiều phụ huynh tỏ ra nghi ngại về nhân cách sống của học sinh hiện nay.

phong-tvhd.jpg
Giáo viên tư vấn học đường tư vấn tâm lý cho học sinh.

Đó là chưa kể, liên tiếp vào cuối năm học 2021 – 2022, ở nhiều tỉnh xảy ra các trường hợp học sinh tự tử vì áp lực học tập, khiến nhiều người không khỏi xót xa. Những phản ứng bốc đồng, thiếu cân nhắc, tự gây hại hoặc tự tử, cho thấy các rối loạn về tâm lý, nhận thức của học sinh.

Cô Trương Thị Ngọc Hiếu –người có gần 10 năm phụ trách Tổ TVTLHĐ Trường THPT Phan Thiết chia sẻ: “Học sinh phổ thông là lứa tuổi với đặc điểm tâm sinh lý đang phát triển, nhận thức các vấn đề trong cuộc sống chưa đầy đủ. Vì vậy, khi đối mặt với các sang chấn tâm lý, căng thẳng trong học tập, quan hệ gia đình và xã hội, các em dễ có hành vi tiêu cực. Bên cạnh đó, các em sử dụng mạng xã hội quá nhiều nên thường xảy ra mâu thuẫn chỉ vì những lời bình luận, xích mích trong chuyện tình cảm, ngoại hình, giới tính. Nhiều em rất muốn sự hỗ trợ từ người lớn, thầy cô, nhưng tâm lý lo sợ bị đánh giá là thiếu chín chắn, la mắng, thậm chí không giữ được bí mật, nên tự thu mình lại.

Theo quy định tại Thông tư 31 (năm 2017) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hầu hết các trường học trong tỉnh đều triển khai thành lập tổ tư vấn tâm lý hỗ trợ học sinh. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai công tác tư vấn tâm lý tại các trường phổ thông, còn có những hạn chế nhất định. Đội ngũ làm công tác tư vấn tâm lý kiêm nhiệm, không có chuyên môn sâu, thực tế phải giải quyết các tình huống tư vấn phức tạp mang tính đặc thù theo từng lứa tuổi. Đồng thời thiếu kỹ năng làm chủ cảm xúc để phát hiện được đúng vấn đề của học sinh… Vì vậy, không phải trường học nào, tổ TVTLHĐ cũng phát huy hiệu quả.

hoc-sinh-muon-sach.jpg
Học sinh Trường THPT Phan Thiết đến phòng tư vấn tâm lý học đường mượn sách về kỹ năng sống

Những cách làm thiết thực, hiệu quả

Sau mỗi giờ nghỉ giữa tiết, phòng TVTLHĐ Trường THPT Phan Thiết lại đón khá nhiều học sinh. Bởi nơi đây trở thành địa chỉ yêu thích của các em khi cần đến những cuốn sách về kỹ năng sống, giáo dục trong gia đình, định hướng nghề nghiệp, việc làm.

Cô Trương Thị Ngọc Hiếu cho biết: “Việc kết hợp giữa phòng sách và nơi tư vấn giúp các em tự tin khi bước vào, không mặc cảm, e ngại bởi ánh mắt dò xét của mọi người. Quan điểm của Ban giám hiệu nhà trường là không chờ đến khi thật sự có vấn đề mới tìm cách giải quyết, mà phải phát hiện được vấn đề khi còn tiềm ẩn, ngăn chặn tình huống xấu phát sinh. Đứng ở góc độ người tư vấn, tôi luôn xem học sinh như người bạn thì các em mới thoải mái, tin tưởng để tâm sự, tìm đến khi gặp vấn đề rối nhiễu tâm lý. Cũng nhờ áp dụng cách này mà rất nhiều học sinh chưa ngoan ở Trường THPT Phan Thiết đã thay đổi nhận thức. Riêng năm học 2022 – 2023, tôi đã gỡ rối giúp một học sinh hoàn cảnh khó khăn có ý định bỏ học tiếp tục đến trường, 6 trường hợp về phương pháp học tập, rèn luyện, định hướng nghề nghiệp”.

Còn tại Trường THCS Nguyễn Thông (TP. Phan Thiết), đều đặn hàng tháng, hàng quý, dựa trên tình hình thực tế của học sinh, cô Đặng Thị Thanh Vân – giáo viên phụ trách TVTLHĐ lại chọn cách xây dựng kế hoạch tư vấn bằng cả trực tiếp qua các sân chơi ngoại khóa, giờ sinh hoạt và gián tiếp qua kênh mạng xã hội, điện thoại, với phương châm “lắng nghe và chia sẻ”. Phòng tư vấn được cô trang trí cây xanh, các câu thư pháp, kệ sách tạo sự thoải mái.

“Học sinh THCS đang ở ngưỡng tâm sinh lý phát triển, nhận thức các vấn đề trong cuộc sống chưa đầy đủ. Vì thế khi đối mặt với các sang chấn tâm lý, căng thẳng trong học tập, quan hệ gia đình và xã hội, các em dễ có hành vi tiêu cực. Cá biệt có em rơi vào trầm cảm, ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập, rèn luyện và hòa nhập cuộc sống. Nên khi tiếp cận, gần gũi với các em, tôi không phán xét những hành vi, suy nghĩ, thái độ mà luôn tôn trọng quyền tự chủ, sự khác biệt và tin tưởng học sinh, sau đó mới đưa ra những định hướng cho các em lối sống tích cực. Đồng thời tuyệt đối đảm bảo nguyên tắc bảo mật hồ sơ, tạo niềm tin cho học sinh”, cô Vân nói.

Chính sự lắng nghe, cảm thông và thấu hiểu của người thầy là điểm tựa tâm lý, ngăn chặn những tình huống nảy sinh trong cuộc sống, nhất là ở lứa tuổi mới lớn.

THÙY LINH

Related articles
Nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa - thể thao và khoa học - công nghệ: Phải nhìn từ hạn chế, khuyết điểm
Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa - thể thao và khoa học - công nghệ… là một trong những nội dung quan trọng mà cấp ủy, chính quyền các cấp của Bình Thuận luôn chú trọng, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát huy vai trò phòng tư vấn học đường