Tỉnh Quảng Nam đang tiến hành rà soát tất cả các tuyến giao thông đường thủy trên địa bàn, để tăng cường bảo đảm an toàn cho du khách. Cục CSGT cũng vừa yêu cầu công an các địa phương khẩn trương kiểm tra toàn bộ hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa, kiên quyết đình chỉ hoạt động, không cho xuất bến đối với các phương tiện không bảo đảm các điều kiện an toàn.
Bình Thuận là một điểm du lịch biển nổi tiếng nên đã có nhiều biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương. Tuy nhiên cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc, làm nhiều du khách thiệt mạng. Mới năm ngoái thôi (ngày 15/2/2021), 5 người đã chết và mất tích khi thuê thuyền đi câu cá, không may thuyền bị chìm ngoài khơi. Nhiều du khách đến Bình Thuận vào dịp hè, lễ, tết thích tự thuê thuyền đi câu cá, câu mực giải trí, mà không ngờ rằng hoạt động tự phát này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm.
Đặc biệt thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm, mà nạn nhân phần lớn là du khách ở xa đến. Có thời điểm nhiều vụ đuối nước xảy ra dồn dập (tháng 8/2019) cướp đi sinh mạng hàng chục du khách. Nguyên nhân do tâm lý chủ quan, phớt lờ cảnh báo của người tắm biển, cộng với sự khó lường của dòng chảy ven bờ.
Để bảo đảm an toàn cho du khách khi tắm biển, Bình Thuận đã quy định các BQL khu du lịch, bãi tắm, cơ sở lưu trú buộc phải có lực lượng cứu hộ, được tập huấn nghiệp vụ, được trang bị các phương tiện, dụng cụ cứu hộ cần thiết và phải thường trực trên bãi biển nhất là trong các đợt cao điểm có đông du khách. Bên cạnh đó quy định bắt buộc lắp đặt biển nội quy bãi tắm, cắm cờ hiệu phao tiêu, giới hạn vùng tắm biển và cảnh báo du khách trong trường hợp biển động.
Đặc biệt ở tuyến vận tải thủy Phan Thiết - Phú Quý có 5 tàu, trong đó có 4 tàu cao tốc phục vụ nhu cầu du khách trong và ngoài nước ra tham quan đảo. Hàng ngày các lực lượng có chức năng, nhiệm vụ là cảng vụ hàng hải, bộ đội biên phòng, CSGT vẫn phối hợp quản lý chặt chẽ, để mỗi chuyến tàu phải bảo đảm an toàn mới được xuất bến.
Trở lại vụ chìm cano du lịch trên biển Cửa Đại, dù đây là tai nạn rủi ro, không lường trước được, nhưng là lời cảnh báo cho tất cả các điểm đến du lịch phải tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách. Ở Bình Thuận, ngành chức năng và các địa phương phải quan tâm hơn đến các hoạt động du lịch tự phát, tiềm ẩn rủi ro, nguy hiểm. Như hoạt động thuê tàu thuyền, cano đi câu cá giải trí trên biển, đảo, hồ, hay tham quan các đảo. Đặc biệt gần đây thế mạnh du lịch rừng, núi, hồ, thác ở Sông Quao, Biển Lạc, Hàm Thuận, Đa Mi… đang được khai thác, thu hút đông du khách. Dịp tết vừa qua, chúng tôi đi thực tế ở hồ Hàm Thuận (1.200 ha) và hồ Đa Mi (200 ha), bằng cách thuê thuyền, cano của dân kinh doanh dịch vụ du lịch đưa khách đi tham quan lòng hồ, các đảo nổi, câu cá. Phóng viên ghi nhận có nhiều phương tiện cũ nát vẫn dùng chở khách, người điều khiển không biết có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn gì hay không? Trang thiết bị cứu hộ, áo phao thì rất sơ sài… Đây là các “kẽ hở chết người” cần phải khắc phục kịp thời, để bảo đảm an toàn cho du khách đến Bình Thuận.