Nông dân Lâm Giang liên kết chăn nuôi bò

07/11/2024, 15:41

BTO-Với kinh nghiệm sẵn có của các thành viên, sự hỗ trợ của chính quyền, thuận lợi về đất đai, Tổ hợp tác (THT) kinh tế chăn nuôi bò thịt thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc) hoạt động khá hiệu quả, giúp nhiều thành viên có cuộc sống ổn định.

thanh-vien-to-hop-tac-chan-nuoi-bo-2019.1.jpg
Các thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi bò thịt thôn Lâm Giang tại buổi ra mắt mô hình năm 2019

Tổ hợp tác kinh tế chăn nuôi bò thịt thôn Lâm Giang được thành lập năm 2019, do ông Thông Minh Đồng làm tổ trưởng. Tổ được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, dân chủ, phát huy sức mạnh tập thể cùng nhau thực hiện có hiệu quả trong chăn nuôi.

Ông Thông Minh Đồng cho biết: Chăn nuôi bò là thế mạnh, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân trong thôn. Đa phần các hộ đều có 1 – 2 con bò, riêng các thành viên trong tổ hợp tác người ít nhất có 3 con, nhiều thì 15 con. Ngay khi thành lập tổ, 8 thành viên có nhu cầu đã được hỗ trợ 110 triệu đồng để mua thức ăn, làm chuồng trại. Từ đó tổ viên càng có ý thức hơn trong việc chăn thả, xây dựng chuồng trại ở rẫy, xa khu dân cư nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Với lợi thế đồng cỏ chăn thả và chủ động trồng thêm các loại cỏ bổ sung nguồn thức ăn tươi cho bò đã giúp mô hình phát huy được thế mạnh.

Điểm nổi bật nữa là từ ngày có mô hình tổ hợp tác, nông dân càng gắn bó trong trao đổi kinh nghiệm làm ăn, hướng vào mục đích giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống. Cụ thể như trao đổi kinh nghiệm tiêm phòng và trị bệnh cho đàn vật nuôi, kỹ thuật chăm sóc bò từ bò sinh sản cho đến bò vỗ béo, hỗ trợ con giống, xây dựng chuồng trại, chế độ ăn cho bò, liên kết đầu ra, hướng dẫn chấp hành các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường để có nền sản xuất theo hướng bền vững… Ngoài ra, các thành viên cũng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, duy trì quỹ tổ để sinh hoạt 6 tháng, 1 năm và thăm hỏi động viên kịp thời những lúc gia đình tổ viên gặp rủi ro, hoạn nạn. Vì thế từ 15 thành viên ban đầu, sau gần 5 năm, tổ phát triển lên 22 hội viên.

chan-nuoi-bo-o-lam-giang1.jpg
Đàn bò được nuôi và tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ

Theo các thành viên trong Tổ hợp tác kinh tế chăn nuôi bò thịt Lâm Giang, mỗi con bò thịt sau khi nuôi khoảng 2 năm là có thể xuất chuồng. Theo giá hiện nay khoảng 20 triệu đồng đối với giống bò lai và 12– 15 triệu đồng giống bò cỏ địa phương, chưa kể bán bò con giống và nguồn thu từ phân, nhờ đó người chăn nuôi có cuộc sống được cải thiện đáng kể.

Hiện mô hình tổ hợp tác là tổ chức phù hợp với trình độ phát triển kinh tế vùng nông thôn. Bất kỳ hộ nông dân nào cũng có thể tham gia và mang lại lợi ích trực tiếp cho tổ viên, đặc biệt đối với các thành viên thiếu nguồn lực hoặc thiếu vốn.

THÙY LINH

Related articles
Từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể
Kinh tế tập thể (KTTT) nói chung và hợp tác xã (HTX) nói riêng là xu thế chung của nền sản xuất hàng hóa. Đây là một thành phần kinh tế có vai trò to lớn, ý nghĩa toàn diện về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước nói chung và Bình Thuận nói riêng trong thời gian qua.

(0) Comments
Focus
Kính mời độc giả đón đọc báo in Bình Thuận hôm nay (23/12)
Tinh gọn bộ máy: Khó mấy cũng phải thực hiện cho được; Năm 2025: Phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao; Thị xã La Gi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: Ở đoạn cuối hành trình; IOC La Gi: “Bộ não số” cho đô thị thông minh; Ngành Công Thương: Nỗ lực vượt khó, hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm; Tham quan, trải nghiệm về đêm tháp Pô Sah Inư… là những bài viết đáng chú ý trong số báo in xuất bản ngày 23/12/2024. Mời quý độc giả đón đọc.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông dân Lâm Giang liên kết chăn nuôi bò