Nan giải xử lý rác thải nông nghiệp nguy hại. Bài 1

04/03/2024, 05:33

Bao, bị, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, bóng đèn chong cho cây thanh long… là rác thải nông nghiệp nguy hại. Loại rác này đang xả thải ra môi trường, đòi hỏi cần có giải pháp xử lý bài bản mới không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tạo môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp và phát triển sản xuất bền vững.

20240111_075805.jpg
Bóng đèn chong cho cây thanh long - một trong những rác thải nguy hại, gây sát thương, ảnh hưởng sức khỏe con người.

Bài 1: Nguy hại sức khỏe con người

Rác thải nông nghiệp nguy hại vẫn nhan nhản ở vùng nông thôn, gây nguy cơ sát thương, ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Vương vãi khắp nơi

Là tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ, Bình Thuận có tổng diện tích đất nông nghiệp 71.000 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 357.000 ha, trong đó thanh long - cây trồng chủ lực của tỉnh 26.000 ha. Cũng như người làm nông ở tỉnh, thành khác, người làm nông Bình Thuận sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cây trồng, can thiệp kỹ thuật làm tăng năng suất, như chong đèn cho cây thanh long đơm hoa kết quả trái vụ. Việc sử dụng và can thiệp này mang lại lợi ích cho nông dân, nhưng mặt trái của nó gây ô nhiễm môi trường khi các bao, bị, vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), bóng đèn compact hư hỏng sau khi chong cho cây thanh long, (gọi chung là rác thải nông nghiệp nguy hại) bỏ đầy ở các sông, suối, kênh mương nội đồng, ven đường liên thôn, liên xã…

20240221_172055.jpg
Sau khi sử dụng, bóng đèn hư hỏng nông dân đổ ra nơi công cộng. 

Tuyến đường xã Hàm Mỹ đi xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam; Quốc lộ 28 và tuyến đường liên thôn dọc hồ Cà Giang, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc là điển hình. Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Hiệp cho biết: Tình trạng này diễn ra nhiều năm qua, địa phương cũng rất quan tâm đến vấn đề môi trường, thời gian qua đã xây dựng nhiều mô hình bảo vệ môi trường ở thôn, xóm, thường xuyên tuyên truyền nhân dân thu gom rác bỏ đúng nơi quy định. Với loại rác nguy hại chúng tôi hướng dẫn người dân đào lỗ chôn vì không còn cách nào khác. Tuy vậy một bộ phận người dân vẫn còn thiếu ý thức đem bỏ ra nơi công cộng.

Thực trạng trên, đe dọa đến ô nhiễm môi trường, bởi thuốc BVTV không được xử lý đúng cách còn sót lại trong các chai, lọ, bao bì sẽ bốc lên mùi hôi nồng nặc, phát tán vào không khí và ngấm sâu vào lòng đất... gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, không khí, thức ăn, là nguyên nhân gây bệnh nguy hiểm cho con người. Đối với bóng đèn thủy tinh, không được xử lý đúng nơi quy định dễ gây ra sát thương khi bị giẫm đạp dẫn đến nhiễm trùng rất cao. Trong bóng đèn compact tiết kiệm điện chứa một lượng nhỏ thủy ngân, được gắn kín bên trong bóng đèn, nếu bị vỡ sẽ phát tán ra môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của những người không may tiếp xúc với nó.

20240111_105319.jpg

Quan tâm chỉ đạo

Trước tình trạng trên, thực hiện Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bình Thuận đã cụ thể hóa bằng văn bản triển khai cho các cấp, ngành, địa phương.

img_8560.jpg
Bể thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, thời gian qua các ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện giữa bối cảnh cả tỉnh hưởng ứng Tiêu chí 17 về bảo vệ môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có giải pháp xây dựng mô hình thu gom, phân loại rác thải tại gia đình và đổ rác đúng nơi quy định; thu gom vỏ chai, vỏ bao bì thuốc BVTV đúng nơi quy định. Điển hình mô hình “Bể thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp” của Hội Nông dân tỉnh. Cuối năm 2023, Hội Nông dân đã phối hợp với 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh lắp đặt 40 bể thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp cho xã Bắc Ruộng (20 bể) và xã Mê Pu, xã Đa Kai (20 bể). Ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, đây là các mô hình mẫu để Hội Nông dân các xã, các chi Hội có điều kiện học tập, từng bước nhân rộng ra trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung, để môi trường xanh, sạch, đẹp và phát triển sản xuất bền vững.

Những bể thu gom ấy đã và đang được nông dân hưởng ứng tích cực vì không còn phải lo không có chỗ bỏ rác ấy. Song, đây chỉ là biện pháp thu gom cho sạch đẹp, còn việc tổ chức nào đứng ra xử lý loại rác này đảm bảo không gây sát thương, ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người vẫn còn là một dấu chấm hỏi. Bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định rõ: bao, gói thuốc BVTV không được chôn lấp, đốt thủ công ngoài môi trường tự nhiên, bởi nếu đốt không đúng quy cách sẽ sinh ra chất dioxin ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, hệ miễn dịch của con người.

Bài 2: Loay hoay tìm hướng xử lý

NINH CHINH

Related articles
Tái diễn rác thải bóng đèn chong thanh long
Nhiều loại bóng điện được nhà vườn thanh long đổ đống ven đường dân sinh, nếu không xử lý đúng nơi quy định sẽ nguy hại đến sức khỏe.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nan giải xử lý rác thải nông nghiệp nguy hại. Bài 1