Sự kiện được dự báo sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Triều Tiên, đe dọa làm bùng phát căng thẳng khu vực trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường sự hiện diện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Kéo dài trong 2 tuần bắt đầu từ hôm nay 22/8, cuộc tập trân mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi” dự kiến có sự tham gia của hàng nghìn quân nhân, cùng nhiều tàu chiến, máy bay và xe bọc thép. Mỹ và Hàn Quốc đều khẳng định, các cuộc tập trận là nhằm nâng cao khả năng tác chiến và phòng thủ của quân đội, trong đó có đối phó với nguy cơ một cuộc tấn công từ Triều Tiên.
Quy mô các cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc đã thu hẹp đáng kể sau Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử năm 2018 giữa cựu Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau 3 lần mà không đạt kết quả cụ thể nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc thời gian qua đã gia tăng cảnh báo về khả năng Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 2017.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhấn mạnh: "Bất kỳ cuộc đối thoại nào giữa Hàn Quốc và Triều Tiên cũng không nên là một màn trình diễn chính trị, mà phải góp phần thiết lập hòa bình thực chất trên Bán đảo Triều Tiên và ở Đông Bắc Á. Nếu mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên gia tăng đến mức độ những biện pháp răn đe hiện có là không đủ, thì việc mở rộng hình thức răn đe là có thể, Tuy nhiên, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vẫn cần được tuân thủ và Hàn Quốc sẽ tuân thủ điều đó đến cùng".
Nhậm chức hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Yoon Suk Yeol theo đường lối bảo thủ đã cam kết nối lại các cuộc tập trận chung quy mô lớn với Mỹ. Văn phòng của ông hồi tháng trước cho biết, hai đồng minh sẽ khôi phục các cuộc diễn tập kịch bản chiến tranh trực tiếp trên bộ, trên biển và trên không, thay vì chỉ tập trung vào huấn luyện, mô phỏng trên máy tính như nhiều năm qua.
Dư luận lo ngại cuộc tập trận “Người bảo vệ tự do Ulchi” có thể vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Triều Tiên, trong bối cảnh nước này luôn coi những cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn là một cuộc diễn tập chiến tranh. Bình Nhưỡng trước đó đã đưa ra phản hồi “khá gay gắt” đối với đề xuất của Hàn Quốc về việc đổi viện trợ kinh tế lấy giải trừ hạt nhân. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhiều lần cảnh báo sẽ tăng cường sức mạnh răn đe hạt nhân khi đối mặt với sức ép của Mỹ và các đồng minh.
Cuộc tập trận đặc biệt thu hút sự chú ý sau chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) mới đây của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia nhận định, sự kiện không chỉ nhằm vào Triều Tiên, mà còn là sự khẳng định đối với chiến lược của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, cũng như sự hiện diện tăng cường của nước này tại khu vực.
Chính vì thế, trong cuộc tập trận, Mỹ có thể sẽ triển khai nhiều vũ khí chiến lược hơn, chẳng hạn như tàu sân bay và máy bay ném bom chiến lược. Giới chức tại Trung Quốc cũng nhiều lần cảnh báo, các cuộc tập trận có thể làm leo thang hơn nữa căng thẳng ở Bán đảo Triều Tiên, với những ảnh hưởng không chỉ đối với hòa bình và ổn định của Đông Bắc Á, mà là toàn châu Á.
Ngoài ra, các cuộc tập trận chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của Nhật Bản và khả năng nước này tham gia vào các cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc trong tương lai dường như là không thể loại trừ, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường sức mạnh của các liên minh./.