Liên kết sản xuất, cái bắt tay đôi bên cùng có lợi

06/11/2024, 09:13

BTO-Công tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đang được nhiều hợp tác xã trên địa bàn huyện Tánh Linh hướng đến. Việc này vừa giúp người dân được hỗ trợ trong sản xuất vừa được bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Liên kết sản xuất đã tạo điều kiện thuận lợi phát huy vai trò của hợp tác xã, doanh nghiệp trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Song song đó là hỗ trợ đầu vào cho thành viên, nông dân để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân… Nhờ đó, cơ cấu cây trồng chuyển đổi đúng hướng, đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

a32ded4a86da3e8467cb.jpg
Diện tích lúa hữu cơ ven sông La Ngà

Nhờ sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương cấp xã trong việc quán triệt đến các thành viên, hộ nông dân tham gia liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân, trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Đáng chú ý chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn nhất là đường giao thông, thủy lợi thuận lợi để bà con nông dân áp dụng các phương tiện cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Theo kế hoạch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, huyện Tánh Linh tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cũng như phát huy các nguồn lực đầu tư phát triển. Huyện Tánh Linh đã xác định và tập trung vào 3 sản phẩm chủ lực là lúa gạo, cao su, cây điều. Ba sản phẩm này sẽ nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của huyện Tánh Linh.

Ngành nông nghiệp huyện Tánh Linh đang thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với mô hình cánh đồng lớn. Song song đó là áp dụng công nghệ cao và chuyển đổi số, cơ giới hóa trong nông nghiệp nhằm phát triển triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, bảo quản, chế biến nông sản để tạo điều kiện đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đến người tiêu dùng ở các thị trường lớn. Hiện nay, Tánh Linh đang duy trì ổn định diện tích đất trồng lúa trên địa bàn toàn huyện khoảng hơn 11.000 ha, ngoài ra còn thực hiện lộ trình xây dựng cánh đồng lớn đến năm 2030 là 7.000 ha trên vùng lúa chất lượng cao. Từ đó hướng đến sản xuất theo hữu cơ vi sinh, phương pháp SRI và chứng nhận VietGAP, GlobalGAP… Riêng cây điều hiện có trên 5.700 ha, cây cao su diện tích ổn định khoảng 21.800 ha.

011faa695154e90ab045.jpg
Liên kết sản xuất đang mang lại những hiệu quả khả quan

Một trong những hợp tác xã đi đầu, trong việc trồng lúa hữu cơ, góp phần tạo nên thương hiệu "Gạo Tánh Linh" là HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình ở xã Đức Bình, huyện Tánh Linh. Gần chục năm qua, nhờ nguồn nước thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, đập dâng Tà Pao, sông La Ngà nên ngành nông nghiệp hữu cơ phát triển rất tốt. Nhiều cánh đồng lúa chất lượng cao, cung cấp cho thị trường một nguồn lương thực lớn. Nhiều thương hiệu gạo sạch, ngon, hữu cơ cũng xuất phát từ những cánh đồng ven sông La Ngà. Hiện HTX quản lý 22 thành viên, canh tác 60 ha lúa hữu cơ. Toàn bộ diện tích này chỉ sử dụng phân hữu cơ, khoáng thiên nhiên, phân heo, phân trâu, phân bò, cùng một số biện pháp tự nhiên sinh học để duy trì, nâng cao độ phì của đất. Những hoạt chất này đã được các cơ quan chức năng, ngành nông nghiệp của huyện Tánh Linh tư vấn và chấp thuận. Và sau khi thu hoạch lúa, đã cho ra thương hiệu gạo Đức Lan thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng trong mấy năm qua. Sản phẩm gạo sạch do HTX Đức Bình sản xuất ra không đủ cung cấp cho khách hàng Phan Thiết, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Trong vụ Đông Xuân 2023-2024, trên địa bàn huyện Tánh Linh có 2 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cụ thể: Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo của Công ty TNHH SX và TM Đại Nhật Phát liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp Gia An sản xuất với diện tích 50 ha và HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Phú với diện tích 50 ha, sản lượng đạt khoảng 700 tấn. Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gạo nếp của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình với diện tích 60 ha, sản lượng ước tính đạt 450 tấn.

Ngoài ra, các địa phương còn thực hiện liên kết với các công ty, doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất 5.000 ha lúa chất lượng cao, diện tích lúa quy hoạch cánh đồng lớn giai đoạn 2021-2025. Huyện Tánh Linh đã xây dựng các mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP có gắn nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” diện tích 79 ha tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bắc Ruộng.

Hầu hết diện tích cánh đồng lớn đều có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra, đặc biệt là những cánh đồng lúa ở xã Đức Bình, Măng Tố, Đức Phú và Đồng Kho… sản xuất theo hướng hữu cơ đã tạo nên thương hiệu "Gạo Tánh Linh".

NGUYỄN LUÂN

Related articles
Phát triển kinh tế tập thể: Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, ngoài việc thường xuyên củng cố tổ chức Liên minh Hợp tác xã (HTX) qua đó nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; tăng cường trách nhiệm của Liên minh HTX tỉnh với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, đòi hỏi các cấp các ngành cần tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liên kết sản xuất, cái bắt tay đôi bên cùng có lợi