Số ca nhập viện tăng cao
Ghi nhận Khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận đang tiếp nhận điều trị hơn 60 ca SXH. Chị Nguyễn Thị P. (Mũi Né) đang nuôi cháu 12 tuổi mắc bệnh SXH. Chị P. chia sẻ: Cháu sốt liên tục 2 ngày kèm theo đau đầu, đau bụng. Gia đình đưa cháu vào Bệnh viện đa khoa tỉnh để điều trị. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị mắc SXH. Trước khi mắc bệnh, cháu không ngủ mùng và gần nơi cháu ở có bạn đồng tuổi cũng mắc bệnh SXH.
Nếu tháng 6/2022, Khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận tiếp nhận 130 ca SXH, thì tháng 7 có 351 ca SXH, tăng 221 ca so với tháng 6. Từ đầu năm đến nay, có 3 ca trở nặng chuyển viện vào Bệnh viện Nhi đồng 1 do rối loạn đông máu, sốc kéo dài. Tương tự, Bệnh viện An Phước, từ 1/6 - 14/8, tiếp nhận 974 ca SXH; trong đó có 402 ca nhập viện, 9 ca được chuyển viện. Điều đó cho thấy từ tháng 6 đến nay, số ca SXH liên tục tăng.
Bác sĩ Phan Thùy Dung - Phó Khoa nhi của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận cho biết: Từ tháng 7 đến nay, số ca SXH tăng, theo dõi 40 - 60 ca mỗi ngày. Vào thời điểm tháng 6, khoa theo dõi khoảng 30 ca trở lại. Ca bệnh nặng thường từ Bắc Bình chuyển vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận. Bệnh SXH không chỉ ở trẻ em, mà có cả người lớn cũng mắc. Khoa nhiễm theo dõi khoảng 10 ca SXH người lớn/ngày.
Tăng gần 200% so cùng kỳ
Tính đến nay, Bình Thuận ghi nhận 3.650 ca mắc SXH, trong đó 107 trường hợp nặng, 4 ca tử vong (Hàm Tân và Đức Linh). Số mắc này tăng 196,5% so với cùng kỳ năm 2021 là 1.231 ca. Các huyện có số ca mắc cao, chiếm 62,7% ca mắc ở trong tỉnh, gồm Tánh Linh 1.129 ca, Đức Linh 597 ca, Bắc Bình 532 ca. Các huyện còn lại có số mắc rải rác. Riêng Tánh Linh là nơi có số ca mắc cao nhất tỉnh 1.129 ca, chiếm tỷ lệ 30,9% ca mắc của cả tỉnh. Mặc dù Tánh Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc chưa ghi nhận trường hợp tử vong, nhưng các địa phương này có số ca mắc cao trong tỉnh.
Theo Sở Y tế, số ca mắc SXH được ghi nhận tăng theo tuần và đã có các trường hợp tử vong. Trước tình hình gia tăng số ca mắc, Sở Y tế tổ chức đoàn kiểm tra giám sát công tác phòng, chống dịch nhiều địa phương như Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc. Đơn cử, tại thôn Bình Liêm, xã Phan Rí Thành (Bắc Bình), đoàn công tác cho biết chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng cao vượt mức, là tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh SXH tăng cao. Tại xã Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc), chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng tại các gia đình thấp với BI = 20, chỉ số mật độ muỗi thấp. Đoàn công tác cho biết: Mặc dù các tháng trước đó, xã Thuận Hòa là “điểm nóng” về bệnh SXH của huyện, nhưng số ca mắc hiện nay “hạ nhiệt” rất nhiều. Đồng thời, cảnh báo nếu người dân không làm tốt việc đậy kín các dụng cụ chứa nước, lăng quăng và muỗi phát triển, bệnh SXH sẽ tăng thêm.
Sở Y tế khuyến cáo mỗi gia đình ngăn ngừa muỗi đốt bằng cách ngủ mùng, bôi kem xoa muỗi. Theo dõi bé, người thân khi sốt cao, nên đưa bé, người thân đến khám ở cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời. Thời gian qua, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh SXH. Tuy nhiên, ý thức phòng bệnh của người dân là yếu tố quan trọng, then chốt bằng hành động nhỏ - diệt lăng quăng, muỗi, dọn dẹp môi trường mỗi tuần.