Chuyển đổi số nhằm cải thiện môi trường kinh doanh
Nhờ chuyển đổi kỹ thuật số, ngành công nghiệp thực phẩm của tỉnh đang chuyển sang tự động hóa nhiều hơn. Ngoài ra, chuyển đổi kỹ thuật số cũng đã thúc đẩy hoạt động bán lẻ tự động và cũng giúp giảm chi phí vận hành. Chuyển đổi số cũng giúp quá trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm được thực hiện, giúp người tiêu dùng biết được chính xác nguồn gốc sản phẩm. Với công nghệ được áp dụng trong việc truy nguyên nguồn gốc còn góp phần minh bạch thông tin về nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi, từ đó gây dựng và tạo niềm tin với người tiêu dùng, nâng cao vai trò quản lý thương hiệu. Thực tế cho thấy chuyển đổi số trong ngành thực phẩm đã đem lại những thành quả bước đầu đáng khích lệ trong phát triển và mang đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Vấn đề này đặc biệt phát huy hiệu quả trong hơn 2 năm chống dịch Covid -19. Hiện nay hạ tầng viễn thông của tỉnh được đầu tư đồng bộ, hiện đại, 100% các thôn, khu phố được cáp quang hóa, mạng 4G được phủ sóng toàn tỉnh. Các doanh nghiệp công nghệ số đang hợp lực cùng nhau, xây dựng hệ sinh thái số giúp chuyển đổi số cho các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp nhanh hơn. Qua đó, góp phần nâng cao công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, hướng đến xây dựng một chính quyền điện tử và đô thị thông minh phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, hiện nay các nguồn lực cho chuyển đổi số không chỉ thiếu, mà còn bị phân mảnh, đòi hỏi sự hợp lực giữa địa phương với địa phương, doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa các thành phần này với nhau mới tạo ra được những chương trình bài bản, có định hướng thông thoáng và những hệ sinh thái số phù hợp, tối ưu cho các cơ quan, tổ chức. Do vậy, với mỗi địa phương cần phải tổ chức tư vấn chuyển đổi số doanh nghiệp và đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng và tham gia các hoạt động chung nhằm duy trì, phát triển mạng lưới. Với các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành hành lang pháp lý cho phép các mô hình kinh doanh đổi mới trong nền kinh tế số, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Các địa phương cần ban hành chính sách kích cầu thông qua việc đặt hàng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, giới thiệu những nền tảng công nghệ số xuất sắc cho các doanh nghiệp, nhằm tăng tốc chuyển đổi số.
Tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số
Với tâm thế sẵn sàng hợp lực chuyển đổi số, mở ra tương lai cho kinh tế số, trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh cho biết sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05 ngày 10/9/2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Thực hiện chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 vào sản xuất. Tập trung tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, ưu tiên các tiến bộ kỹ thuật liên quan đến nâng cao chất lượng giống, sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế từ phụ phẩm, áp dụng các công nghệ sản xuất “xanh, sạch” theo hướng nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản. Đồng thời nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh trong trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả đã được khẳng định. Đẩy mạnh sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn đạt tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Thiết lập, vận hành hệ thống tự kiểm soát chất lượng, ATTP tại cơ sở cùng với sự tham gia giám sát của cộng đồng. Xây dựng vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng, an toàn thực phẩm và hệ thống truy xuất nguồn gốc kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia…