Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Trần Văn Út – Chủ tịch Hội Lâm nghiệp tỉnh đã gửi lời chúc mừng đến các đại biểu tham dự. Đồng thời ôn lại truyền thống, chia sẻ về các giai đoạn phát triển của ngành lâm nghiệp. Mỗi giai đoạn có những đặc thù khó khăn riêng nhưng hơn hết là tinh thần trách nhiệm, tình yêu rừng, yêu nghề của các thế hệ cán bộ công nhân viên lao động trong ngành. Họ đã cùng nhau đã vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ phát triển rừng...
Đánh giá về hoạt động bảo vệ, phát triển rừng thời gian qua, ông Lê Thanh Sơn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, Bình Thuận là một trong những tỉnh còn khá nhiều rừng trong cả nước với hơn 43% diện tích tự nhiên là rừng. Với điều kiện tự nhiên này, ngành lâm nghiệp tỉnh có vai trò quan trọng trên các mặt quốc phòng - an ninh - kinh tế - xã hội và môi trường.
Đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; ngành Lâm nghiệp của tỉnh đã có sự đổi mới về cơ cấu tổ chức và đạt được nhiều kết quả nối bật. Trong đó từ năm 2017, sau khi Chi cục Lâm nghiệp được hợp nhất với Chi cục Kiểm lâm, đến nay toàn tỉnh có khoảng 600 cán bộ công chức, viên chức, người lao động làm việc trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Thời gian qua, bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Đồng thời với quyết tâm và nỗ lực cao của toàn ngành lâm nghiệp, toàn bộ diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh đều được các chủ rừng triển khai có hiệu quả các biện pháp quản lý bảo vệ. Nhờ đó, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp trong tỉnh đã giảm đáng kể, số vụ vi phạm tiếp tục giảm từ 10 -15% mỗi năm. Bên cạnh đó, thông qua việc giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên hàng năm cho hơn 3.000 hộ dân (chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng) với tổng diện tích khoảng 140.000 ha đã góp phần bảo vệ tài nguyên rừng ngày càng hiệu quả, phát triển ổn định… Theo dự kiến, tổng diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp đến năm 2030 là 335.444 ha, gồm diện tích đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ và diện tích đất rừng sản xuất.
Tại buổi kỷ niệm, các đại biểu cũng trao đổi về những khó khăn và định hướng phát triển ngành lâm nghiệp tỉnh trong thời gian tới. Trong đó, vẫn còn tình trạng lén lút lấn chiếm đất lâm nghiệp để lấy đất sản xuất nông nghiệp tại một số nơi. Hơn hết là đời sống, mức thu nhập của lực lượng bảo vệ rừng còn quá thấp, chưa tương xứng với giá trị đóng góp của ngành lâm nghiệp cho việc giữ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, điều hòa khí hậu, bảo vệ nguồn nước, chống lũ lụt, bảo vệ nhân dân…
Trên cơ sở dự báo, phân tích những thuận lợi, khó khăn và thách thức trong thời gian đến, ngành lâm nghiệp Bình Thuận định hướng phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Song song, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh…