Hội nghị toàn quốc về phát triển ngành công nghiệp văn hóa

22/12/2023, 14:48

BTO-Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam lần đầu được tổ chức với quy mô toàn quốc diễn ra vào sáng nay 22/12. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chủ trì hội nghị.

img_7592.11.jpg
Điểm cầu Bình Thuận tham dự hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan; lãnh đạo các hội, hiệp hội, tổ chức; đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp văn hóa; cùng các chuyên gia, nghệ sĩ hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành. Tại điểm cầu Bình Thuận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng chủ trì.

Phát huy các giá trị văn hóa

Báo cáo kết quả triển khai “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá: Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là góp phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD). Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế… Sự xuất hiện của các trung tâm công nghiệp văn hóa, các thành phố sáng tạo đã và đang làm thay đổi cơ cấu vùng kinh tế.

Bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa trên các lĩnh vực điện ảnh; du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; kiến trúc; thiết kế; xuất bản; thời trang; truyền hình và phát thanh; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ có khả năng phát triển nhanh, lâu dài và bền vững, có giá trị tôn vinh văn hóa, bản sắc dân tộc, định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Khơi thông phát triển ngành công nghiệp văn hóa

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành đã chia sẻ về kết quả phát triển các ngành công nghiệp văn hóa lĩnh vực được giao. Đồng thời nêu những rào cản, thách thức và thẳng thắn đề xuất phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, một số đại biểu cho rằng, để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đẳng cấp – chất lượng – khác biệt đòi hỏi nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng cao, am hiểu văn hóa dân tộc cũng như cần đáp ứng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Vì thế Bộ VHTT&DL cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và chính quyền địa phương xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Bên cạnh đó, Bộ VHTT&DL cần tiếp tục quan tâm, biểu dương và động viên, nhất là việc phong tặng các danh hiệu nghệ nhân làng nghề.

mua-cham-3.111.jpg
Các lễ hội văn hóa ở Bình Thuận góp phần thúc đẩy ngành du lịch địa phương

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung những chính sách, cơ chế đặc thù; sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo; thành lập tiểu ban hành động công nghiệp văn hóa liên bộ, ngành; có cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo; chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực văn hóa; trong các ngành trọng tâm nên có định hướng cụ thể…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Văn hóa Việt Nam là kết tinh thành quả hàng nghìn năm văn hiến, lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa thế giới để không ngừng hoàn thiện mình và phát triển. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh, con người Việt Nam anh hùng, mến khách, yêu quý bạn bè, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Với sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên, so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Thủ tướng Chính phủ nhận định: Để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh”, trên nền tảng văn hóa “Dân tộc – Khoa học – Đại chúng” của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943…

t-2.jpg
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng giao Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến; sớm hoàn thiện để trình ban hành văn bản phù hợp sau hội nghị.

THÙY LINH

Related articles
Kết nối văn hóa, cảm nhận khác biệt
Lần đầu tiên Lễ hội Nghệ thuật biểu diễn quốc tế lần thứ nhất năm 2023 đã thu hút người dân, du khách tìm đến thưởng thức. Các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, sống động được đầu tư dàn dựng công phu của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước, đã để lại tình cảm trong lòng người Việt Nam…

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nghị toàn quốc về phát triển ngành công nghiệp văn hóa