Xây dựng văn hóa học đường an toàn, lành mạnh

20/12/2023, 05:25

Công tác xây dựng văn hóa học đường được ngành giáo dục tỉnh chú trọng thực hiện đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Hội thi tiểu phẩm “Trường học an toàn” do Liên đội Trường THCS Bình An (Bắc Bình) tổ chức mới đây đã thu hút toàn thể học sinh trong trường tham gia với nhiều nội dung mang tính tuyên truyền về phòng chống ma túy, bạo lực học đường, đuối nước và tai nạn giao thông. Nhiều tình huống hay đã được các em khắc họa rõ nét, sinh động, phản ánh tình hình thực tế hiện nay như người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, sử dụng điện thoại và các chất kích thích khi tham gia giao thông, vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng… Qua hoạt động, liên đội cũng lấy phiếu khảo sát và ý kiến của các em về tình trạng bạo lực học đường, các vấn đề tệ nạn xã hội hiện nay đang xâm nhập vào học đường. Từ đó, giúp các em hiểu thêm về hậu quả và cách phòng tránh để tự bảo vệ cho bản thân và bạn bè, người thân của mình.

f5eb35ff-7eb2-408a-80ae-f7cbc938a3e9.jpeg
Hội thi tiểu phẩm “Trường học an toàn” tại Trường THCS Bình An.

Ngoài ra, trong tiết chào cờ, hoạt động ngoại khóa, nhiều cơ sở giáo dục trong tỉnh đã tổ chức diễn đàn chia sẻ những câu chuyện đẹp về tình bạn trong môi trường học đường, trong cuộc sống, định hướng việc xây dựng tình bạn đẹp trong học sinh, góp phần xây dựng văn hóa học đường lành mạnh trong nhà trường. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục quan tâm đẩy mạnh lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong các hoạt động chuyên môn của từng đơn vị, phù hợp với từng đối tượng. Thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như xây dựng các chương trình, tiểu phẩm tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các trang mạng xã hội như Facebook, zalo, website của trường; xây dựng các panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu… Đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội để tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học; ngăn chặn, phòng ngừa và khắc phục các yếu tố có nguy cơ mất an toàn và an ninh trường học. Tập huấn các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống bạo hành, xâm hại trẻ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ kỹ năng nhận biết và phòng, chống những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ… góp phần xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn.

9cfaf36f-50bb-4e39-a065-6024e0e462b0.jpeg
Mô hình văn hóa đọc tại Trường TH Xuân An (TP. Phan Thiết).

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn

Thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh đã tập trung triển khai và thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về xây dựng văn hóa trong trường học, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho học sinh, sinh viên và xây dựng xã hội học tập. Cùng với đó, tích cực bảo đảm an ninh trật tự an toàn trường học; phòng chống tệ nạn, phòng chống bạo lực học đường. Điều đáng mừng, trong năm học 2022-2023, không có vụ việc bạo lực học đường xảy ra ở phạm vi trong và ngoài nhà trường. Cùng với đó, ngành giáo dục chú trọng giáo dục, bồi dưỡng cho học sinh về tình cảm, tình yêu quê hương đất nước; bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử của cộng đồng các dân tộc. Đổi mới tổ chức, hoạt động của thư viện gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh văn hóa đọc trong các nhà trường. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục trong tỉnh triển khai hiệu quả các mô hình về văn hóa học đường và xây dựng tiêu chí ứng xử văn hóa học đường.

Trong năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường, trong đó, chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết. Thực hiện nghiêm các quy định về môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; chú trọng công tác tự kiểm tra, đánh giá các tiêu chuẩn về an toàn, nhằm phát hiện sớm và có biện pháp khắc phục kịp thời các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong giáo dục kỹ năng ứng xử. Tiếp tục đổi mới quản trị nhà trường, xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt văn hóa, dân chủ, khơi dậy sáng tạo, bảo đảm mỗi ngày tới trường là một ngày vui.

THANH THUỶ

Related articles

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
BTO-Sáng nay (14/12), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (gọi tắt Nghị quyết 29).

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng văn hóa học đường an toàn, lành mạnh