Hỗ trợ nông dân sản xuất, chăn nuôi

10/04/2025, 05:16

Trong những năm gần đây, thông qua nguồn kinh phí đơn vị sự nghiệp, nguồn hoạt động khác, Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh (Trung tâm) nghiên cứu thành công các đề tài, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân khu vực nông thôn ứng dụng vào sản xuất nông, lâm nghiệp, góp phần cải thiện kinh tế hộ gia đình, bảo vệ môi trường.

Theo đó, dự án “Xây dựng mô hình nhân giống dê lai và nuôi thương phẩm dê lai phù hợp với điều kiện tỉnh Bình Thuận” đã được Trung tâm đào tạo kỹ thuật viên dự án, tổ chức tập huấn kỹ thuật, hội thảo đầu bờ cho nông dân hai huyện Bắc Bình, Tuy Phong nắm bắt nuôi dê phù hợp vùng khô hạn. Tại huyện Đức Linh, Trung tâm cũng đã chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ thuật viên dự án, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân xây dựng mô hình trồng nấm rơm cho một số hộ dân, thông qua dự án “Xây dựng mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo và mô hình trồng nấm rơm trong nhà cho các hộ dân thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Bình Thuận”.

dsc01139.jpg
Mô hình trồng rau sạch.

Đồng thời, đơn vị này phối hợp với các địa phương triển khai 5 đề tài cơ sở: “Xây dựng mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm trong bể xi măng tại huyện Hàm Thuận Nam”; “Xây dựng mô hình liên kết trồng nấm bào ngư, rau mầm và sản xuất phân hữu cơ từ giá thể trồng nấm tại huyện Đức Linh”; “Xây dựng mô hình trồng tre lấy măng kết hợp tưới tiết kiệm nước tại xã Huy Khiêm, huyện Tánh Linh”; “Xây dựng mô hình kết hợp tưới tiết kiệm nước tại huyện Hàm Tân”; “Xây dựng mô hình trồng rau thủy canh quy mô hộ gia đình tại huyện Tuy Phong”.

Trong đó, mô hình trồng tre tứ quý lấy măng triển khai tại thôn Láng Gòn 1, xã Tân Xuân, Hàm Tân quy mô 2.000 m2, kết hợp sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước giúp giảm thiểu công lao động, tiết kiệm lượng nước tưới, phù hợp vùng đất đai khô hạn, thiếu nước như huyện Hàm Tân. Cây cho thu hoạch măng quanh năm, năng suất, chất lượng măng thơm ngon, sản phẩm qua chế biến có màu vàng bắt mắt được thị trường ưa chuộng. Nhiều người dân địa phương được mời tham quan mô hình để có thể áp dụng phù hợp. Hay như “Mô hình trồng rau thủy canh hộ gia đình ở huyện Hàm Thuận Nam” được triển khai tại hộ ông Nguyễn Văn Kính thôn Minh Thành, xã Hàm Minh quy mô 32m². Rau được trồng trong nhà lưới ngăn côn trùng xâm nhập, với 4 hệ thống thủy canh quy mô nhỏ gọn, dễ vận hành, mỗi vụ trồng thu hoạch được hơn 100 kg rau ăn lá các loại (rau muống, cải ngọt, cải bẹ xanh, cải dún xoăn, cải thìa, cải bina, xà lách…) đáp ứng đủ nguồn cung cấp cho gia đình hằng ngày và tiêu thụ một phần tại địa phương. Mô hình được giới thiệu cho 40 nông dân địa phương nắm bắt kỹ thuật làm nhà lưới, lắp đặt hệ thống thủy canh, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây rau thủy canh. Việc nhân rộng mô hình đang mở ra hướng mới cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp nói chung, chuyển đổi cây trồng theo hướng công nghệ cao nói riêng nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm địa phương.

“Trong các mô hình chuyển giao, Trung tâm phối hợp các địa phương tăng cường tuyên truyền hiệu quả mô hình qua các lớp tập huấn, tham quan để phổ biến người nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Các địa phương cần phối hợp sở ngành khác nhau, hỗ trợ thông tin thị trường tiêu thụ, giá cả sản phẩm, tạo điều kiện đầu ra để bà con nông dân đầu tư sản xuất, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình trong xây dựng nông thôn mới nâng cao”, ông Nguyễn Quang Thịnh, Giám đốc Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ chia sẻ.

T. KHOA

Related articles
Lúa “ôm” vịt
Trong số hàng triệu con vịt được nuôi trong tỉnh để cung cấp ra thị trường thì ở Tánh Linh, Đức Linh có thể nói là “vương quốc” nuôi vịt. Do thuận lợi về thời tiết, có nhiều cánh đồng rộng cả ngàn ha cộng thêm nguồn nước sông La Ngà quanh năm nên nơi đây hình thành vùng nuôi vịt chạy đồng lớn nhất tỉnh. Nuôi vịt thành công, có lãi cao hay không là nhờ một phần vào ruộng lúa nên dân trong vùng hay dùng từ lúa “ôm” vịt...

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hỗ trợ nông dân sản xuất, chăn nuôi