“Hạ cánh cũng không an toàn”

02/11/2022, 16:07

BTO- Hiện tượng quan chức nhà nước tăng cường tham nhũng vào lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ” còn gọi là “hội chứng 59”. Dư luận chắc còn nhớ “kỷ lục” nước rút của một vị lãnh đạo ký 60 quyết định bổ nhiệm cán bộ trong 6 tháng trước khi nghỉ hưu (riêng ngày cuối cùng tại vị ký bổ nhiệm 22 cán bộ), trong đó nhiều người chưa đủ tiêu chuẩn, non kém năng lực, phẩm chất, chưa có trong quy hoạch.

Trên diễn đàn Quốc hội đã từng có các tiếng nói mạnh mẽ yêu cầu có giải pháp để chặn đứng việc quan chức nhà nước chạy đua nước rút để thực hiện “chuyến tàu vét” cuối cùng trước khi “hạ cánh an toàn” như: gia tăng các hành vi vi phạm, hợp thức hóa tài sản công, đất công, nhà công thành của riêng; đề bạt, bổ nhiệm không bình thường vào lúc “xế chiều”, đưa hàng loạt đệ tử thân hữu vào bộ máy công quyền vì mục đích vụ lợi; hay ký kết các hợp đồng lớn để được“lại quả”… Dư luận cũng chưa quên “chuyến tàu vét” của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng là vụ Sabeco, của Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son là vụ Mobifone mua AVG…

Cuộc chiến chống tham nhũng ngày càng “nóng” lên, không còn khái niệm “hạ cánh an toàn” dù bất kỳ người đó là ai. Rất nhiều cán bộ kể cả cấp cao bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự sau khi đã nghỉ hưu, vì những sai phạm khi còn đương chức. Trong đó có những người từng là Ủy viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng, bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, tướng lĩnh quân đội, công an, cảnh sát biển… Hàng loạt cựu lãnh đạo các tỉnh - thành như Khánh Hòa, Phú Yên, Đà Nẵng, Bình Dương, TP HCM… đã “hạ cánh không an toàn”, bị khởi tố, bắt giam vì những sai phạm trong quản lý đất đai khi còn đương chức, trong đó phổ biến là góp phần biến đất công thành đất tư với giá rẻ mạt.

Mới đây nhất, Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam 2 cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai là cựu Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành (67 tuổi) và cựu chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái (63 tuổi) để điều tra tội nhận hối lộ. Điều đó thể hiện sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật, không chỉ củng cố niềm tin của nhân dân, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh những cán bộ đang có ý định “nhúng chàm”.

Khi quan chức sai phạm không còn cơ hội “hạ cánh an toàn” để “vui thú điền viên” nữa, thì “hội chứng 59” hay “hoàng hôn nhiệm kỳ” cũng sẽ không còn. Đó là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng ta. Bởi một thời gian dài trước đây, các cán bộ sai phạm đã không bị xử lý sau khi nghỉ hưu, hoặc có xử lý cũng chưa nghiêm khắc, từ đó tạo ra tâm lý tranh thủ thu vén cá nhân, coi thường pháp luật, đạo lý.

Hàng loạt đại án tham nhũng, tiêu cực lần lượt bị đưa ra xét xử, quan chức sai phạm, dù đương chức hay đã nghỉ hưu, đều bị xử lý nghiêm minh. Chưa bao giờ cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu lại có khí thế mạnh mẽ, quyết liệt như bây giờ và đang khơi dậy niềm tin và hy vọng của toàn xã hội.

KHÔI NGUYÊN

Related articles
Từ cuộc sống đến nghị trường: Khi “học phí” lên bàn nghị
sự của Quốc hội
BTO-Tại phiên thảo luận ở Kỳ họp thứ 4 Quốc hội đang diễn ra, khi đề cập đến các khó khăn của người dân sau đại dịch Covid-19, ông Đặng Hồng Sỹ - ĐBQH tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Chính phủ giữ nguyên mức học phí của năm học 2021-2022, và triển khai sớm để người dân yên tâm.

(0) Comments
Focus
Thông báo tìm bị hại
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Thuận đang thụ lý, xác minh đơn tố giác của công dân về vụ việc có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức tổ chức các dây hụi trên nhóm chát Zalo có tên "Hui Huyền Trâm xoay vốn" do đương sự Trần Ngọc Huyền Trâm, sinh ngày 9/8/2001, cư trú: phường Phú Tài, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tổ chức, điều hành xảy ra vào tháng 9/2024 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Hạ cánh cũng không an toàn”