Từ cuộc sống đến nghị trường: Khi “học phí” lên bàn nghị sự của Quốc hội

25/10/2022, 15:20

BTO-Tại phiên thảo luận ở Kỳ họp thứ 4 Quốc hội đang diễn ra, khi đề cập đến các khó khăn của người dân sau đại dịch Covid-19, ông Đặng Hồng Sỹ - ĐBQH tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Chính phủ giữ nguyên mức học phí của năm học 2021-2022, và triển khai sớm để người dân yên tâm.

Còn nhớ tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội (tháng 6/2022), cử tri và ĐBQH cũng đã kiến nghị tạm hoãn tăng học phí vào năm học tới. Lý do: theo Nghị định 81 có hiệu lực từ tháng 10/2021, thì từ năm học 2022-2023 trở đi, học phí sẽ tăng lên rất nhiều. Trong khi điều kiện đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn sau 3 năm ảnh hưởng dịch Covid-19. Nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ cân nhắc thận trọng thời điểm tăng học phí và sớm có sự chỉ đạo thống nhất trên cả nước để tạm hoãn tăng học phí, giảm bớt khó khăn cho người dân, tạo điều kiện cho học sinh đến trường.

2.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Đặng Hồng Sỹ.

Được biết, nhằm chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh học sinh, từ tháng 4/2022 Bộ GD-ĐT cũng đã đề nghị Chính phủ giữ nguyên mức học phí của năm học 2021-2022 ổn định như năm học 2020-2021.

Còn trong đợt tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận trước kỳ họp thứ 4, đã ghi nhận được rất nhiều kiến nghị của cử tri, bày tỏ tâm tư lo lắng khi học phí tăng cao: 3 năm qua dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, thu nhập của người dân. Do đó việc tăng học phí vào thời điểm này cần phải nghiên cứu phù hợp, để giảm bớt khó khăn cho người dân, nhất là các gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn, có đông con đang độ tuổi đi học, ở miền núi,vùng sâu, vùng xa…Cử tri Bình Thuận đề nghị ĐBQH chuyển tải kịp thời kiến nghị này đến Quốc hội, Chính phủ xem xét.

hinh-txct-5-1-.jpg
Ông Võ Tấn Lao, cử tri phường Mũi Né (TP .Phan Thiết) kiến nghị xem xét lại việc tăng học phí.

Trả lời cử tri, ĐBQH tỉnh đã cho biết: căn cứ theo NĐ 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Tỉnh Bình Thuận đã lấy mức thấp nhất để áp dụng thu học phí. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết: hết sức chia sẻ với gánh nặng học phí của nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Do đó đề nghị các cấp, ngành của địa phương rà soát lại chế độ chính sách, miễn giảm cho hộ nghèo, hộ khó khăn, để các hộ dân có điều kiện cho con em tiếp tục việc theo học… Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận kiến nghị của cử tri Bình Thuận, để chuyển tải kịp thời đến Quốc hội, Chính phủ tại kỳ họp thứ 4 này.

Từ cuộc sống đến nghị trường. Tâm tư lo lắng về gánh nặng học phí của cha mẹ học sinh là vấn đề rất “nóng” mà ĐBQH đã tiếp thu, chia sẻ và chuyển đến Quốc hội, Chính phủ xem xét. Dư luận hy vọng kiến nghị tạm hoãn tăng học phí của cử tri cả nước sẽ được Quốc hội, Chính phủ giải quyết.

ĐẶNG DŨNG

Related articles
Tan trường là… kẹt xe
Đường T.V.T (Phan Thiết) vốn nhỏ hẹp, từ ngày mọc thêm một trường học bán trú thì cảnh ùn tắc, kẹt xe lúc tan trường xảy ra như cơm bữa, nhất là vào những chiều mưa gió, nhiều phụ huynh dừng, đỗ xe ô tô, xe máy dưới lòng đường, ngay trước cổng trường chờ đón con.

(0) Comments
Focus
Hoàn thành giải quyết hơn 8.800 hồ sơ tồn đọng nghĩa vụ tài chính về đất
BTO-Theo Cục Thuế tỉnh, tính đến chiều 14/11, ngành thuế tỉnh đã giải quyết 100% hồ sơ tồn đọng nghĩa vụ từ đất trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/8/2024, tương đương 8.811 hồ sơ, số thuế thu nộp vào ngân sách hơn 88,4 tỷ đồng.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ cuộc sống đến nghị trường: Khi “học phí” lên bàn nghị sự của Quốc hội