Xung quanh câu chuyện về tiền lương

30/10/2022, 04:47

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội.

Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.

Trong 2 ngày 27 - 28/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023. Trong đó, một trong những nội dung được Quốc hội thảo luận và cử tri cả nước quan tâm là việc Chính phủ trình phương án tăng lương cơ sở, thời gian dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2023. Đồng thời, nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp.

Trước đó, ngày 9/10/2022, tại Hội nghị Trung ương VI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh báo cáo về phương án điều chỉnh tiền lương để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định. Như vậy, nếu đề xuất tăng lương cơ sở tại Hội nghị Trung ương VI được thông qua thì từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức khu vực công từ mức 1,49 triệu đồng nâng lên 1,8 triệu đồng/ tháng (tăng khoảng 20,8%), tăng thêm 310.000 đồng/tháng.

Đề xuất tăng lương của Chính phủ nhận được sự đồng tình của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Tuy nhiên về thời điểm, có ý kiến cho rằng cần tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt, có thể thực hiện ngay từ 1/1/2023, lại có ý kiến đề nghị cần tính kỹ thời điểm tăng lương và đánh giá kỹ tác động. Đồng thời, cần tiết kiệm khoản chi dành nguồn cho tăng lương và tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, đóng góp ngân sách nhiều hơn để tạo nguồn cải cách tiền lương theo lộ trình.

Có thể nói rằng, đây là vấn đề đang được cử tri rất quan tâm và nhận được sự đồng tình của các đại biểu Quốc hội. Bởi trong số hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, có thể một bộ phận nhỏ, với họ tiền lương không có ý nghĩa quá lớn, nhưng còn lại đa số vẫn đang sống nhờ vào tiền thu nhập chính thức là từ lương và luôn ao ước “sống được bằng tiền lương”. Cùng với đó, việc làm sao để tăng lương trở thành động lực mới, khuyến khích người lao động, giảm hiện trạng công chức, viên chức xin thôi việc cũng là vấn đề được đặc biệt lưu tâm. Việc tăng lương cơ sở lần này được kỳ vọng là giải pháp để tạo được động lực cho người lao động trong khu vực công, giúp họ nâng cao tinh thần làm việc, đem lại hiệu quả lao động cao hơn và đặc biệt là hạn chế tình trạng “nhảy việc” sang khu vực tư. Đây là một trong những giải pháp có thể làm ngay và rất cần thiết.

Tuy nhiên, chỉ tăng lương cơ sở là chưa đủ để thực sự khuyến khích, thu hút người tài, để cán bộ, công chức, viên chức có thể “sống được” từ thu nhập chính thức của mình và toàn tâm, toàn ý lo cho công việc, lo cho công vụ. Bởi hiện mức sống của xã hội đã tăng lên, tiêu chuẩn sống của xã hội đã cao lên nhưng tiền lương chi trả cho cán bộ, công chức, viên chức “vẫn chưa” theo kịp. Hơn thế nữa, ngạch và bậc lương cơ bản vẫn theo thâm niên, bằng cấp chứ không theo vị trí việc làm và mức độ cống hiến; cũng không bảo đảm được sự công bằng bởi trong thực tế vẫn còn một bộ phận “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” nhưng được hưởng như người có năng lực và làm nhiều việc. Khi thu nhập không dựa trên tiêu chí hiệu quả nên cũng không tạo động lực phấn đấu cho người lao động.

Cùng với đó, để việc tăng lương cơ sở thực sự trở thành niềm vui trọn vẹn, góp phần nâng cao đời sống, khuyến khích người lao động, còn cần giải quyết được vấn đề “lương chưa tăng giá đã tăng”. Bởi mỗi lần tăng lương thì giá cả thị trường lại leo thang, thậm chí lương chưa tăng mà giá đã “đón đầu” và số tiền tăng không đủ bù trượt giá.

Chính vì thế, sau một thời gian người lao động “cảm thông” và “sẻ chia” cùng với những khó khăn do tác động của dịch Covid‐19, khi nền kinh tế nước ta đã bước qua giai đoạn khó khăn và đang trên đà phục hồi, phát triển thì việc tăng lương cơ sở là cần thiết, đáp ứng được mong mỏi, đợi chờ và cả “niềm tin” của cán bộ, công chức, viên chức. Bởi, khi cuộc sống còn quá nhiều lo toan, chưa hết tháng đã hết tiền lương thì khó có cán bô, công chức, viên chức nào cống hiến hết mình được.

Hy vọng rằng, một khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn đồng thời tình hình kinh tế được khôi phục, có nhiều điểm sáng nhằm thực hiện kế hoạch tăng mức lương cơ sở cũng như cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 nhằm ổn định đời sống đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông để cả hệ thống chính trị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhận thức rõ được tính cấp bách của vấn đề cải cách tiền lương và điều hành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn cách mạng mới.

DỤNG VĂN DUY

Related articles
Cân nhắc thời điểm tăng học phí nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân
BTO- Kiến nghị tạm hoãn tăng học phí năm học 2022 – 2023; đề nghị Chính phủ, Quốc họp tại kỳ họp này xem xét có chính sách phù hợp… Đây là một trong những kiến nghị của ĐBQH tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh gửi đến Quốc hội trong buổi thảo luận tại hội trường về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 vào chiều nay 27/10.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xung quanh câu chuyện về tiền lương