Góp tạo “xung lực” mới cho phát triển

27/01/2024, 05:59

Trong năm 2023, đã xuất hiện những dự án lớn. Riêng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có 3 dự án của các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và Đài Loan với tổng số vốn khoảng 4,7 triệu USD và 01 dự án liên doanh với tổng vốn đầu tư 1,34 tỷ USD được chấp thuận đầu tư trên địa bàn tỉnh

Trong trách nhiệm như mở đường

Có thể nói, tháng 12/2023 là tháng đáp ứng nhiều chờ đợi của các ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, khi Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (viết tắt là Quy hoạch tỉnh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 27/12/2023. Theo quy định pháp luật, Quy hoạch tỉnh là cơ sở, căn cứ để các ngành, địa phương trong tỉnh dựa vào đó lập quy hoạch đô thị; quy hoạch nông thôn; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Thế nên, có thể nói Quy hoạch tỉnh mang tính mở đường đốc thúc phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của Bình Thuận lên tầm cao mới.

z5061038391185_0249d6e8f104c773b5cbbeed5d7fc102.jpg

Với tính chất quan trọng, quyết định như thế nên trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã được UBND tỉnh giao chủ trì tham mưu phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng Quy hoạch tỉnh qua đầy đủ trình tự, thủ tục để bảo đảm không thiếu sót, trong áp lực phải hoàn thành theo thời hạn đã định. Và điều quyết định là phải đúng quy định theo Luật quy hoạch, khẳng định vai trò, ý nghĩa giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, thực hiện có hiệu quả khâu đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa các quy hoạch. Sau thời gian nỗ lực lập và nâng cao chất lượng quy hoạch theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch tỉnh đã hoàn thiện. Điều đáng chú ý Quy hoạch tỉnh không chỉ phù hợp với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước giai đoạn 2021 - 2030, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; mà còn phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngoài thực hiện hoàn thành 27/27 nhiệm vụ được UBND tỉnh giao từ đầu năm, trong năm 2023 Sở Kế hoạch và Đầu tư còn được giao thêm 589 nhiệm vụ, trong đó có 127 nhiệm vụ xử lý có thời hạn. Đến nay, sở đã xử lý hoàn thành 583 nhiệm vụ đạt 98,9% và còn 6 nhiệm vụ đang xử lý, chưa hết thời hạn.

Cuối cùng, Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào thời điểm bắt đầu bước vào năm mới với vận hội mới, khí thế mới. Cùng thời gian ấy, UBND tỉnh ban hành Quyết định Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) tại tỉnh Bình Thuận đến năm 2030. Và trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng mang tính mở đường là phối hợp với các sở, ngành, địa phương tích hợp các nội dung phát triển KTBĐ vào Quy hoạch tỉnh; phối hợp thu hút các nhà đầu tư chiến lược; khuyến khích các doanh nghiệp có điều kiện, năng lực đầu tư hình thành các khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt để tạo điểm nhấn tại các khu vực phát triển KTBĐ…

Động lực từ kinh tế tư nhân

Nhìn lại năm 2023, có thể thấy bức tranh kinh tế Bình Thuận có 2 màu sáng tối rõ rệt. Một bên là xuất khẩu bị trở ngại, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng công nghiệp không cao, vì tình hình chung của thế giới liên quan đến xung đột, giá dầu tăng…Điều đó như bồi thêm khó khăn lên các doanh nghiệp trong tỉnh vốn dĩ đã yếu hơn sau 2 năm bị ảnh hưởng dịch Covid -19. Thể hiện rõ qua số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động trong năm tăng lần lượt 22,52% và 31,47% so với cùng kỳ. Bên cạnh, có 798 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký mới đạt 7.816,9 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ và hiện tại, toàn tỉnh có gần 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Sau bao biến cố xảy ra, có thể nói những doanh nghiệp này có sức “đề kháng” tốt. Nhưng để giúp lực lượng mà phần lớn thuộc kinh tế tư nhân ấy tiếp cận vận hội mới sẽ mở ra, trong năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh và triển khai các giải pháp phù hợp để thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Với sự tiếp tục được hỗ trợ nhiều mặt về nâng cao công nghệ, nhân lực chất lượng…, các doanh nghiệp trong tỉnh đang tự mở ra những cơ hội phát triển của riêng mình, khi bên cạnh là mặt tươi sáng của nền kinh tế, nhờ sức hút của 2 tuyến cao tốc hình thành. Rõ nhất là du lịch bứt phá, đưa Bình Thuận vào danh sách 10 tỉnh có doanh thu du lịch cao nhất nước. Không chỉ thế, việc khơi điểm nghẽn giao thông đối ngoại này còn góp phần tạo ra các nổi bật khác.

Thể hiện qua thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, trên địa bàn tỉnh có 35 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký 35.562 tỷ đồng. So cùng kỳ năm 2022, số dự án tăng 17 dự án (35/18 dự án), tổng diện tích tăng 30,3 lần (4.423/146 ha) và tổng vốn đăng ký tăng 49,7 lần (35.562/716 tỷ đồng). Qua đó cho thấy trong năm đã xuất hiện những dự án lớn, trong đó có 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và 01 dự án liên doanh. Đến nay trên toàn tỉnh có 122 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 7.551,321 triệu USD tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực du lịch - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng; trong đó có 02 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư được Bộ Công Thương phê duyệt là Nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ 1 và 2 với tổng vốn đầu tư khoảng 4.137,481 triệu USD.

Điều đáng ghi nhận khác, qua đánh giá đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP tại địa phương năm 2023 thì tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân đạt 70,75%. Đồng thời cũng chiếm tỷ trọng lớn trong vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, với 33.250.435 triệu đồng trong 45.410.120 triệu đồng, tăng 11,2% so với năm trước.

Có thể thấy, những nét tích cực của kinh tế tư nhân trong năm 2023 được “bắt nhịp” khi Quy hoạch chung tỉnh đã phê duyệt, đang kỳ vọng tạo ra xung lực mới để Bình Thuận tăng tốc phát triển.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh tạo điều kiện, hỗ trợ cho kinh tế tư nhân phát triển, đơn vị cũng đã phối hợp với các sở ngành tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh, kiểm tra hoạt động đầu tư của các dự án sau khi được chấp thuận đầu tư; tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hoặc chấm dứt hoạt động đối với các dự án chậm triển khai mà không có lý do chính đáng. Qua đó, tạo điều kiện cho các dự án thật đi vào hoạt động thuận lợi.

TIẾN MINH

Related articles
Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phối hợp với Chi đội Kiểm ngư số 4 thăm, tặng quà con ngư dân được nhận đỡ đầu
Ngày 26/1, tại UBND Phường Phú Hài, TP Phan Thiết, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phối hợp với Chi đội Kiểm ngư số 4 tổ chức Chương trình thăm, tặng quà con ngư dân được nhận đỡ đầu năm 2023 nhân dịp xuân Giáp Thìn . Cùng dự có lãnh đạo chính quyền địa phương và các cháu là con ngư dân được nhận đỡ đầu.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góp tạo “xung lực” mới cho phát triển