Giảm nghèo bền vững ở Hàm Thuận Nam: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đảm bảo “3 cứng”

24/11/2023, 07:54

Thời gian qua, các chương trình, chính sách dân tộc đã được huyện Hàm Thuận Nam triển khai hiệu quả, đồng bộ ở nhiều xã, góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó, chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo là một trong những chính sách khá thiết thực, là bệ đỡ để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Những căn nhà mới

Tuy vùng đồng bào DTTS và miền núi của huyện đã có những bước khởi sắc, song vẫn còn nhiều khó khăn. Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, sẽ là cú hích mạnh mẽ thúc đẩy đời sống của bà con vươn lên. Chương trình này nhằm phát huy tối đa nội lực, biến lợi thế, tiềm năng thành nguồn lực quan trọng để địa phương, đồng bào tự lực vươn lên, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Qua đó, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS so với bình quân chung của cả nước.

z4908127901994_bb8244e78f600e86f429c5139e677a57.jpg
Những ngôi nhà xây đã nhiều hơn xưa là tín hiệu vui cho thấy bà con làm ăn khấm khá.

Hàm Cần là xã miền núi của huyện Hàm Thuận Nam, có 1.252 hộ/4.523 khẩu chủ yếu người đồng bào Rai. Có diện tích đất tự nhiên 12.308 ha, trong đó, đất nông nghiệp 9.376 ha. Những năm qua, bộ mặt nông thôn của xã đã đổi thay đáng kể. Cấp ủy, chính quyền và người dân đã nỗ lực chuyển đổi cơ cấu kinh tế để nâng cao thu nhập. Có dịp trở lại Hàm Cần những ngày trung tuần tháng 11, bên cạnh những rẫy bắp lai, lúa nước đã thu hoạch, chúng tôi thấy rõ Hàm Cần hôm nay đã xanh mát hơn với những vườn thanh long bạt ngàn, những vườn cao su thấp thoáng, điều, trôm và cây ăn trái xen lẫn đâu đó. Cho thấy, bà con đã chịu chuyển đổi cây trồng để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chăn nuôi gia súc vẫn là thế mạnh của đồng bào nơi đây với đàn gia cầm lên tới hơn 11.000 con, mang lại thu nhập khá.

z4877442944922_3fea48154b2591a4d86cb2aac48b7971.jpg
Đường sá ở Hàm Cần 

Không chỉ vậy, đường sá ở Hàm Cần đã khang trang hơn, cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm cơ bản đáp ứng nhu cầu của bà con nơi đây. Dọc các con đường liên thôn của xã, chúng tôi thấy vài ngôi nhà được xây mới thấp thoáng, xen lẫn với dãy nhà tranh vách lá của bà con. Tuy nhà mới xây chưa nhiều, nhưng là tín hiệu vui cho thấy bà con đã làm ăn khấm khá, hoặc nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ nhà ở từ chương trình mục tiêu quốc gia.

xay-dung-nha-moi-o-ham-can-ham-thuan-nam-anh-n.-lan-3-.jpg
Anh Mang Lủy bên kiềng nhà vừa hoàn thiện (ảnh: N. Lân)

Chúng tôi ghé nhà anh Mang Lủy (thôn 1 – xã Hàm Cần) khi nắng đã quá đỉnh đầu, nhìn anh mướt mồ hôi, lụi cụi dọn dẹp lại nguyên vật liệu chuẩn bị cho căn nhà mơ ước mà thấy thương. Dù chỉ mới xây xong phần kiềng nhà, nhưng ai hỏi tới vợ chồng anh mừng, khoe miết “được Nhà nước hỗ trợ, vợ chồng tôi mới có được căn nhà này. Dù chưa xong nhưng chúng tôi mừng lắm, tết này không phải lo lạnh, lo gió lùa nữa. Chứ gia đình xưa giờ ở trong cái chòi phía sau kìa, nắng mưa gì dột ghê lắm”. Vừa nói, anh Lủy chỉ chúng tôi xem “cái chòi” của gia đình anh sống hơn chục năm nay. Bên cạnh được hỗ trợ xây nhà, vợ chồng anh trước đó còn được vay vốn nuôi bò, trồng thanh long, nên cuộc sống phần nào đỡ vất vả.

xay-dung-nha-moi-o-ham-can-ham-thuan-nam-anh-n.-lan-2-.jpg
“Cái chòi” của gia đình anh sống hơn chục năm nay (ảnh: N. Lân)

Tiêu chí “3 cứng”

Ông Lê Ngọc Phương – Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Cần cho biết: “Tính đến nay, tổng hộ nghèo trên địa bàn xã là 231/762 khẩu, hộ cận nghèo 480 hộ/1.890 khẩu, hộ có mức sống trung bình 134 hộ/511 khẩu. Những năm gần đây, công tác giảm nghèo được lãnh đạo địa phương rất quan tâm, triển khai thực hiện tích cực như: hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ vốn, đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, dạy nghề… Trong năm 2023, UBND xã đã phối hợp các phòng, ban của huyện mở các lớp tập huấn về chuyển giao công nghệ, hỗ trợ giống… Qua đó, giúp bà con nắm bắt các kỹ thuật cơ bản trong trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó sản xuất đạt hiệu quả, đời sống của bà con được cải thiện, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, trong năm nay, trên địa bàn xã xây dựng mới 5 căn nhà cho hộ nghèo, đối tượng chính sách và sửa chữa 2 căn nhà cho hộ nghèo với tổng kinh phí trên 450 triệu đồng”.

Nhằm góp phần giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, UBND huyện đề ra mục tiêu, phấn đấu mỗi năm giảm 10 hộ nghèo DTTS (xã Hàm Cần 5 hộ, xã Mỹ Thạnh 3 hộ, xã Tân Thuận và Hàm Minh 1 hộ). Đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn dưới 5%. Đảm bảo 100% hộ nghèo (thuộc diện đối tượng đã có đất để làm nhà ở) có nhà ở và không còn ở nhà tạm, nhà dột nát… Năm 2022, theo kết quả rà soát nhà ở hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn huyện có 403 hộ có nhà ở chưa đảm bảo chất lượng “ba cứng” và diện tích bình quân trên đầu người (trong đó về chất lượng là 291 hộ và diện tích bình quân là 112 hộ). Trong năm 2022, huyện đã phối hợp vận động hỗ trợ được 16 căn với kinh phí 860 triệu đồng, trong đó xã Mỹ Thạnh 3 căn, xã Mương Mán 1 căn, xã Hàm Minh 2 căn, xã Tân Lập 5 căn, Tân Thuận 3 căn và thị trấn Thuận Nam 2 căn.

z4877442830821_93ce611c70c8a0483b08fc10c86ac5ba.jpg
Thu hoạch bắp lai ở Mỹ Thạnh.

Riêng từ đầu năm đến nay, huyện đã đề nghị Công ty TNHH Xổ số Kiến thiết tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ địa phương xây mới 5 căn nhà hộ nghèo đang gặp khó khăn về nhà với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/căn. Ngoài ra, đã phối hợp với UBMTTQ Việt Nam huyện vận động các nguồn tài trợ hỗ trợ xây mới 21 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí hơn 1 tỷ đồng (gồm Mỹ Thạnh 1 căn, Hàm Cần 2 căn; Hàm Thạnh 2 căn; Mương Mán 2 căn; Hàm Mỹ 1 căn; Hàm Kiệm 1 căn; Hàm Minh 4 căn; Thuận Nam 5 căn; Tân Lập 6 căn và Tân Thuận 2 căn).

Nhà ở là 1 trong 3 nhu cầu cơ bản, thiết yếu và cốt lõi nhất của mỗi người, đặc biệt là các hộ nghèo vùng DTTS và miền núi. Do vậy, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 đã thiết kế Dự án 1 là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, và phải đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Tiêu chí “3 cứng” ở đây nhằm đảm bảo cho các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

chan-nuoi-bo-o-my-thanh-ham-thuan-nam-anhr-n.-lan-1-.jpg
Mong rằng bà con nơi đây thay đổi về nhận thức , không trông chờ, ỷ lại Nhà nước.

Theo bà Mai Thị Ngọc Ảnh – Phó Chủ tịch UBND huyện, kế hoạch giảm nghèo của huyện cũng xác định làm tốt công tác vận động, tuyên truyền trong đồng bào DTTS. Khi đã xây được “tổ ấm”, mong rằng bà con nơi đây thay đổi về nhận thức trong công tác giảm nghèo, không trông chờ, ỷ lại nhà nước, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo. Phát huy mạnh mẽ tính dân chủ trong các hoạt động giảm nghèo, lấy ý kiến của người dân để thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo trong những năm tiếp theo.

MINH VÂN

Related articles
Giảm nghèo bền vững ở Hàm Thuận Nam:
Thấy ấm no từ lễ khánh thành Đình Cậu
BTO-Cộng đồng người Chăm ở gần xa trong tỉnh về chung vui với làng Chăm Mư Ly vượt con số dự tính ban đầu đến 175 khách, tức tổng 675 khách. Mọi người góp tiền thuê xe ô tô để về dự lễ khánh thành Đình Cậu, đồng thời cũng là đi du lịch luôn. Nghe các đoàn bảo năm nay, thu nhập có khá hơn năm ngoái nên có điều kiện đi đứng vui chơi

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm nghèo bền vững ở Hàm Thuận Nam: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đảm bảo “3 cứng”