Trong đó có vùng đất ven biển phía nam Bình Thuận từ Phan Thiết đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đây nhìn lại lịch sử những con đường nguyên sơ đến nay còn giữ vị trí quan trọng cho sự phát triển kinh tế - quốc phòng của một vùng đất và đặc biệt nằm trong vùng liên kết tam giác du lịch Bình Thuận - Lâm Đồng - TP. Hồ Chí Minh.
Thiên nhiên và cách trở
Từ thấu cảm có lúc làm cho tâm hồn con người dễ dàng nhận ra những điều lạ lẫm, những xúc động kỳ diệu mà đôi khi gần như bị khuất lấp bởi ồn ào, rộn ràng trong cuộc sống. Có những lần, tôi tần ngần giữa không gian biển trời thênh thang, chầm chậm bước chân trần trên bãi biển đó đây ở Đá Nhảy, Hòn Lan, ngảnh Tam Tân, Đồi Dương, Cam Bình… mới thắm thía những hạt cát mịn màng còn ấm nồng vị mặn. Ở La Gi khó nhận biết hiện tượng khác biệt của mùa màng nhưng với dấu hiệu chuyển động nhất là buổi vào đông thì dễ thấy bàng hoàng bởi chân sóng của con nước lớn nước ròng. Chút khơi xa sóng tung cao như bờm bầy bạch mã đuổi nhau hối hả nép vào bờ.
Nói đến biển quê nhà, phải nói đến Hòn Bà với dáng đứng chơ vơ. Tôi thích gọi địa danh này hơn là gọi đảo Bà Chúa Ngọc hay Thiên Y A Na… bởi nó gắn liền và tiếp biến vào nhịp sống thăng trầm của dân chài vùng biển này hàng trăm năm. Dẫu sự tích ảnh hưởng bởi truyền thuyết vị thần Poh Yang Ina Nagar của người Chăm hóa thân qua hình ảnh khúc trầm hương với sức linh ứng tạo nên vùng đất sản sinh sự sống con người. Nhưng với ngư dân người Việt xưa lại coi đó là hình tượng Bà Mẹ xứ sở với tâm thế hướng vọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt… qua lễ thức, văn khấn, cúng tế.
Tôi lại nhớ lối đi in dấu chân bộ hành từ vùng quê La Gi ra Phan Thiết thị thành, có lẽ con đường cái quan buổi hoang sơ cặp theo bờ biển, qua động, qua truông… còn sót lại dấu tích giữa thế kỷ 19 thời nhà Nguyễn qua các dịch trạm từ Phan Thiết vào là Thuận Lý (Xóm Trạm), Thuận Trình (Tam Tân), Thuận Phước (Phước Lộc), Thuận Phương (Phù Mi) - và trạm Thuận Biên (Mô Xoài - Bà Rịa) đất Biên Hòa là điểm cuối đường quan lộ dọc biển. Các dịch trạm ở Bình Thuận đều lấy chữ Thuận đứng đầu cho tên trạm mang ý nghĩa hanh thông, hòa hợp. Dần dần thay vào đó là những địa danh làng biển, vạn chài Dốc Căn, Quán Thùng, Xóm Trạm, Bưng Cò Ke, Bàu Trâm, Thạnh Mỹ, Cửa Cạn, Động Trắng, ngảnh Tam Tân, đò Tân Long…Có lẽ phương tiện văn minh nhất ngày ấy là từ năm 1888, thời Pháp đã lập đường dây thép (thông tin) nối từ bắc vào nam cặp theo các cung trạm này, nhưng ở Bình Thuận mãi đến năm 1894 mới nối liền đến các trạm. Cũng trên đất cũ làng xưa đã thay đổi bằng những con đường, từ tên gọi và cả con lộ một thời gồng gánh bao thế hệ lầm lũi mà sao lòng vẫn thanh thản hồn nhiên.
Con đường là bước chân về phía trước
Giờ đây những con đường đúng nghĩa, trải nhựa, thênh thang… Ngồi trên ô tô vừa chợp mắt đã nghe ngọn gió từ góc biển mũi Kê Gà mới nhận ra một kỳ quan thiên nhiên kỳ ảo. Ngày nay với phương tiện giao thông không tính cự ly, khoảng cách chặng đường đi, đến bằng cây số mà chỉ căn cứ vào thời gian giờ, phút bao lâu. Những ngôi biệt điện, resort nghỉ dưỡng đậm nét phương Tây mọc lên bên biển bên rừng. Những tảng đá như bị sóng đẩy lô xô nghiêng vào bờ cũng là hình tượng bầy ngựa hoang đang chồm lên triền động cát màu “xích thổ” kỳ bí như huyền tích Cẩm Kê Sơn ở đất Tân Thành… Hàng trăm năm trước, dải đất mũi Kê Gà, Khe Cả với địa hình sát mặt sóng biển, là cánh rừng chồi gai góc, ghềnh đá, nhấp nhô, chỉ có thú dữ beo cọp hoành hành. Mãi đến thập niên cuối thế kỷ 20 mới nối dài bởi đường ĐT.712 từ quốc lộ 1A (ngã ba Tân Thuận), rồi mở tiếp đoạn ĐT.719, ĐT.719B đến Thuận Quý - Tiến Thành hiện nay.
Ở La Gi/Hàm Tân có con đường từ ngã tư Trường Tiền (Tân Nghĩa) của quốc lộ 1A, một nhánh lên ga Sông Phan - Tánh Linh vào năm 1927 và một nhánh xuống hướng biển La Gi dài 20 cây số gọi là đường sứ. Đến khi lập tỉnh Bình Tuy (1956) đổi thành tỉnh lộ 2 và vài năm sau mở tiếp con đường La Gi - Xuyên Mộc dài 30 km tức đường tỉnh lộ 23. Đường này là một phần con đường quốc lộ 55 xuyên qua Hàm Tân, La Gi, Tánh Linh (Bình Thuận), Lâm Đồng, tính từ Bà Rịa đến điểm cuối thành phố Bảo Lộc dài 217 km...
Cửa ngõ phía nam Bình Thuận, là một địa bàn giàu tiềm năng du lịch, đặc trưng bản sắc văn hóa vùng miền. Đó là làng Cù Mi Hạ (Bình Châu) xưa nối dài với Cù Mi Thượng (Phò Trì, Tân Thắng hiện nay) thuộc tổng Phước Thắng, huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Sau năm 1954, thời VNCH làng Cù Mi (Hạ), đổi thành xã Bình Châu thuộc quận Xuyên Mộc, tỉnh mới Phước Tuy. Nhưng trước 1975 với khu rừng bảo tồn thiên nhiên bao quanh suối Nước Nóng rộng hơn 1,2 km2 lại thuộc phần đất tỉnh Bình Tuy. Năm 1928 do người Pháp phát hiện nguồn nước khoáng có giá trị đặc biệt về phục hồi sức khỏe, nhất là cảnh quan thiên nhiên, với tên gọi công trình Nghiên cứu Đông Dương của bác sĩ Sallet là “Mạch Chảy Cù Mi”, tức tên cũ vùng đất này. Sách Địa phương chí tỉnh Bình Tuy (VNCH - 1974) với trang các di tích, thắng cảnh địa phương ghi địa danh này là “Suối Nước Nóng Hiệp Hòa” thuộc xã Hiệp Hòa, quận Hàm Tân (Bình Tuy).
Đến năm 1995, quyết định của Chính phủ xác định đường ranh giới hành chính giữa hai tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu, căn cứ từ đỉnh núi Mây Tào đi theo nhánh phía tây của suối Tà Răng theo sông Đu Đủ, tiếp theo sông Cô Nhi (nay là Sông Chùa, xã Thắng Hải) chảy ra biển Đông. Như vậy khu vực Suối Nước Nóng nằm bên kia đường ranh mới, thuộc huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Mối quan hệ từ xa xưa qua huyền thoại Hòn Bà trong dân gian ở địa phương Bình Tuy khá phổ biến, nhân vật Bà hiện thân của nữ Thần Thiên Y và câu chuyện về cuộc tình trắc trở. Cơn giận của Bà đạp đổ chảo nước đang sôi đó là dấu vết Suối Nước Nóng (Bình Châu) và Ông, người chồng với nỗi ăn năn muộn màng, phiêu bạt lên tận non cao là ngọn Núi Ông (Tánh Linh)…
Bản hợp xướng từ những nẻo đường
Năm 1809, Pháp tiến hành xây dựng con đường thuộc địa số 1 phía nam gồm các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, Bình Thuận, về sau là đường quốc lộ 1A. Nhưng cách giải thích theo sách giáo khoa 12 (2009) thống nhất gọi là quốc lộ 1 xuyên suốt từ Lạng Sơn đến Cà Mau (*). Cũng từ đây các con đường, từ tiểu lộ ven biển với nhiều tên gọi quan báo/ quan lộ/ cái quan/ thiên lý… cùng hệ thống dịch trạm đã trả về quá khứ. Đường sơn lộ vùng núi do địa hình hiểm trở, buôn sách cheo leo nên chỉ phát triển cục bộ, qua vùng có dân cư. Nhưng đó là nền móng cho mạng lưới đường sá khu vực địa phương. Ở Bình Thuận, năm 1896 khi Pháp xây dựng đường thuộc địa số 1 nhưng không theo đoạn đường quan báo dọc biển phía nam Phan Thiết, tức đoạn từ dịch trạm Thuận Lý (Xóm Trạm) đến trạm Thuận Biên (Biên Hòa) mà thay thế bằng đoạn đường mới từ Phan Thiết thẳng đến Biên Hòa. Với gần 200 km nối dài quốc lộ 1A, đánh thức một vùng đất rừng núi heo hút và theo năm tháng đã chuyển mình với diện mạo mới.
Chính con đường quốc lộ 1 Bắc - Nam làm nên bản hợp xướng, hội tụ các nhánh đường địa phương, vùng miền và lần lượt từ con đường sắt cũ kỹ để nay thêm đường cao tốc xuyên Việt chạy song song. Phía nam miệt biển Bình Thuận có quốc lộ 55, các đường liên tỉnh, các huyện trở thành những “lộ trình du lịch” đến và đi, kết nối chuỗi địa danh nổi tiếng với cảnh quan kỳ thú của vùng biển. Nếu chọn hướng đi theo đường ven biển đẹp mênh mang, thanh bình để cảm nhận được không gian thơ mộng, quyến rũ, đó là cung đường mới mở những năm gần đây. Từ Vũng Tàu ngang qua Long Hải và đi ra Phước Hải, cửa Lộc An bi hùng với những con tàu không số. Rồi sẽ không hết bất ngờ trước cảnh trời, sóng biển của Hồ Tràm, Hồ Cốc, cánh rừng nguyên sinh Suối Nước Nóng Bình Châu… và đặt chân lên đất Bình Thuận, thông với quốc lộ 55 thẳng về thị xã La Gi. Cạnh đó là bờ biển làng Cù Mi với gần chục cây số, nhiều con suối len lỏi trong rừng ngập mặn, có lợi thế phát triển loại hình du lịch sinh thái đa dạng…
Người ta ví giao thông là huyết mạch của một vùng đất quả không sai. Đường đến đâu là làng mạc, cư dân phát triển theo đó và ngày càng hiện đại hơn. Bởi vậy con đường quan báo/ quan lộ thời triều Nguyễn cho nhu cầu giao thông liên lạc, đặt nhiều nhà trạm, cửa tấn mở ra lộ trình cho lưu dân khai phá, chinh phục vùng đất hoang vu, giàu nghĩa khí của phương nam. Rõ ràng khó có cùng khái niệm, thậm chí ngỡ ngàng với cái nhìn đơn giản của nhà văn Lỗ Tấn cách đây hơn một thế kỷ khi cho rằng: “Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường thôi”.
(*) Nhiều ý kiến khác nhau, gọi quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài 2.300km, thì phải có quốc lộ 1B, 1C. Nhưng theo sách giáo khoa lớp 12- nxb. GDVN và trong Atlat địa lý VN từ năm 2009, cũng như tại Quyết định 3937/QĐ-TCĐVN ngày 1/12/2015 thì không có quốc lộ 1A mà chỉ có quốc lộ 1.