Chương trình OCOP thúc đẩy kinh tế nông thôn

21/05/2024, 05:04

Qua hơn 4 năm triển khai, chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn góp phần chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trở thành nguồn nội lực quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương

Xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) là vùng có khí hậu mát mẻ thích hợp phát triển nhiều loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ… Xã có Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đa Mi trồng cây ăn trái 60 ha, riêng sầu riêng khoảng 33,5 ha và Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ A Hùng trồng diện tích 40 ha. Tất cả diện tích sầu riêng được hai đơn vị canh tác đạt chuẩn VietGAP và được cấp mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu ra thị trường Trung Quốc. Trang trại A Hùng có sản phẩm “Sầu riêng cấp đông” được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020. Theo chia sẻ của đại diện công ty, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP tạo điều kiện cho sản phẩm tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh là cơ hội nâng giá trị sản phẩm, là động lực để doanh nghiệp tiếp tục phát triển, nghiên cứu và cho ra đời nhiều sản phẩm mới.

Sầu riêng trồng ở Đa Mi đạt chuẩn VietGAP.

Còn ở xã Thắng Hải (Hàm Tân), hiện diện tích nhãn xuồng cơm vàng khoảng 270 ha, được xem là thổ sản riêng của xã ven biển này. Thời gian qua, để duy trì và phát triển nghề trồng cây ăn trái nói chung và cây nhãn nói riêng chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho nông dân từ áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, đào giếng, xây hồ chứa nước, tăng cường sử dụng phân hữu cơ… Xã có Tổ hợp tác nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải tham gia chương trình OCOP và sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng của hợp tác xã đã được công nhận đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Trồng nhãn ở Thắng Hải

Với nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thời gian qua, các địa phương đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ chương trình OCOP như xây dựng hệ thống chuẩn hóa và kiểm tra chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm… nên chương trình đã thu hút được nhiều chủ thể tham gia và ngày càng có nhiều sản phẩm OCOP.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có 120 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó có 84 sản phẩm 3 sao, 34 sản phẩm 3 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Các sản phẩm OCOP của tỉnh đa dạng về chủng loại và hầu hết là những sản phẩm chủ lực, đặc trưng của các địa phương. Từ việc sản xuất sản phẩm OCOP đã góp phần làm thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân, hợp tác xã, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo sức bật cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Sản phẩm OCOP

Phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu

Trong năm 2024, kế hoạch đặt ra toàn tỉnh sẽ phát triển mới thêm 20 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Đồng thời, kiểm tra, hỗ trợ, tư vấn đánh giá lại các sản phẩm OCOP đã hết hiệu lực công nhận và nâng hạng các sản phẩm OCOP có tiềm năng, trong đó phấn đấu có 2 sản phẩm OCOP đủ điều kiện tham gia chấm điểm 5 sao cấp quốc gia. Cùng với đó, nâng tỷ lệ chủ thể OCOP là hợp tác xã lên 35%, củng cố và giữ vững tỷ lệ chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; phấn đấu có 1 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP gắn với chuỗi giá trị và xây dựng 1 dịch vụ du lịch cộng đồng và nâng cấp 1 điểm bán hàng OCOP hiện có và hỗ trợ thêm 2 điểm/trung tâm bán hàng OCOP cấp huyện. Đồng thời, tổ chức cho các chủ thể tham gia từ 3-5 hoạt động xúc tiến thương mại ngoài tỉnh nhằm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh, hướng đến xuất khẩu...

Điểm trưng bày bán sản phẩm OCOP

Tỉnh sẽ ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, tìm kiếm vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất; sử dụng lao động địa phương, đảm bảo gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đặc biệt, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, Organic, GMP, HACCP, ISO... Hạn chế tối đa sản phẩm tươi sống, sản phẩm thô chưa qua sơ chế biến, sản phẩm trùng lắp (nhiều chủ thể đăng ký một loại sản phẩm, nhưng chất lượng, mẫu mã bao bì thiếu cải tiến).

Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ nông sản để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác đúng quy định; xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc để dễ tiếp cận và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên đều phải có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhãn hàng hóa đúng quy định.

Để phát triển mới sản phẩm OCOP, UBND cấp huyện căn cứ tình hình thực tế hướng dẫn chủ thể thực hiện đầy đủ theo quy định các bước chu trình OCOP. Còn với các sản phẩm đã có sẽ hỗ trợ các chủ thể nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, xây dựng hồ sơ tham gia dự thi đánh giá, phân hạng các cấp. Riêng với các sản phẩm nâng cấp, thăng hạng từ 3 sao các địa phương sẽ rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch, lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh để hỗ trợ, hoàn thiện nâng cấp lên hạng sao cao hơn, đặc biệt là các sản phẩm tiềm năng 5 sao.

T.DUYÊN

Related articles
Tuần lễ triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận tại thành phố Hồ Chí Minh
BTO-Tuần lễ sẽ diễn ra từ ngày 22-28/4/2024 do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Thuận phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức tại Showroom Xuất khẩu số 92-96, đường Nguyễn Huệ, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

(0) Comments
Focus
Kính mời độc giả đón đọc báo in Bình Thuận hôm nay (23/12)
Tinh gọn bộ máy: Khó mấy cũng phải thực hiện cho được; Năm 2025: Phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao; Thị xã La Gi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: Ở đoạn cuối hành trình; IOC La Gi: “Bộ não số” cho đô thị thông minh; Ngành Công Thương: Nỗ lực vượt khó, hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm; Tham quan, trải nghiệm về đêm tháp Pô Sah Inư… là những bài viết đáng chú ý trong số báo in xuất bản ngày 23/12/2024. Mời quý độc giả đón đọc.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chương trình OCOP thúc đẩy kinh tế nông thôn