Ông Ngô Minh Trang - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn phát biểu tại lớp tập huấn
Đợt tập huấn này, các chủ thể là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đã được giới thiệu các nội dung về triển khai chu trình OCOP và hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm theo Quyết định số 148/QĐ-TTg/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một bước quan trọng giúp các chủ thể hiểu được kế hoạch và nội dung chương trình, hình dung được quy trình và nắm được tiêu chí và các nguyên tắc của chương trình, qua đó có cơ sở xây dựng ý tưởng sản phẩm.
Báo cáo viên giới thiệu các nội dung
Báo cáo viên đã dành phần lớn thời gian hướng dẫn nội dung xây dựng và triển khai phương án/dự án sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm và viết câu chuyện sản phẩm. Các chủ thể được hỗ trợ và hướng dẫn cách phát triển sản phẩm của mình từ việc xây dựng kế hoạch sản xuất đến việc tạo ra câu chuyện về sản phẩm. Đồng thời, hiểu được yêu cầu của Bộ tiêu chí về: nguồn nguyên liệu; sử dụng lao động địa phương; đào tạo/tập huấn về tay nghề; mở rộng quy mô sản xuất; tiêu chuẩn chất lượng; bao bì, nhãn mác sản phẩm; phát triển liên kết và mở rộng kênh phân phối...
Thông qua tập huấn các chủ thể được cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết về tiêu chuẩn và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm từ đó tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.
Được biết, qua hơn 4 năm triển khai Chương trình OCOP, toàn tỉnh đã có 128 sản phẩm của 82 chủ thể đạt sao OCOP gồm: 94 sản phẩm 3 sao, 32 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và 1 phần mềm số hóa triển khai chương trình hỗ trợ hội đồng OCOP các cấp chấm điểm sản phẩm.