Chương trình phối hợp nhằm góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thông qua việc cung cấp cho ngư dân số điện thoại khẩn cấp và phối hợp thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với ngư dân. Tham gia khắc phục hậu quả thiên tai và sự cố môi trường trên biển. Bảo vệ ngư dân khi ngư dân đánh bắt hải sản trên các vùng biển, khi bị các tàu lạ đâm va, lấy ngư lưới cụ, đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ lương thực, thực phẩm, nước uống, dầu nhớt... cho tàu cá của ngư dân ngoài biển khi gặp khó khăn. Bình Thuận được biết là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển với gần 70.000 lao động làm việc trong các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu và dịch vụ thủy sản. Toàn tỉnh hiện có 35 xã, phường, thị trấn ven biển thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố, có huyện đảo Phú Quý là địa bàn quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh và của cả nước. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 7.865 tàu cá các loại, sản lượng khai thác hải sản năm 2023 đạt 231.328 tấn. Ngành thủy sản của tỉnh đóng góp khoảng 30% giá trị tăng thêm của khu vực nông lâm thủy sản và đóng góp khoảng 8% GRDP của toàn tỉnh. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 250,2 triệu USD, chiếm 32,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá toàn tỉnh. Kết quả trên cho thấy, sự quan tâm của trung ương và chính quyền địa phương với những chính sách hỗ trợ để ngư dân tỉnh nhà tiếp tục vươn khơi, bám biển, đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với ngư dân tỉnh nhà trong khái thác hải sản bởi nguồn lợi hải sản ngày càng suy giảm, cạn kiệt, ngư trường bị thu hẹp, trong khi đó, tình hình tranh chấp trên biển Đông diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác xa bờ cũng như tâm lý của một bộ phận ngư dân. Để hỗ trợ ngư dân tiếp tục bám biển, vươn khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đồng thời, hạn chế vi phạm quy định khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, thời gian qua mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, giúp ngư dân yên tâm hơn, tiếp tục bám biển, vươn khơi, góp phần giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Theo đó, ngư dân đã được tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, phổ biến Luật biển Việt Nam, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng chống ma túy, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Công ước Liên hợp Quốc về Luật biển năm 1982... Thông qua công tác tuyên truyền đã vận động nhân dân tham gia tố giác, báo tin về tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển. Đặc biệt là, lực lượng Cảnh sát biển đã đồng hành cùng với ngư dân Bình Thuận để ngư dân không vi phạm đánh bắt hải sản vùng biển nước ngoài như: Báo cáo viên của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã thông tin đến ngư dân Bình thuận những quy định của pháp luật trong phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Không những thế, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 còn thường xuyên tổ chức thăm, tặng quà cho gia đình chính sách, nhân dân, ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân trên địa bàn tỉnh, tổ chức cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”, khám bệnh, cấp thuộc miễn phí cho các gia đình chính sách, ngư dân nghèo, tặng tủ thuốc cho chủ tàu thuyền ở địa phương. Những hoạt động trên nhằm tăng cường sự gắn kết giữa cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Việc phối hợp thực hiện, chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” cũng đã khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, cách làm có hiệu quả, đã được cấp ủy, chính quyền các xã, huyện đảo hưởng ứng và ủng hộ cao. Chương trình đã từng bước nâng cao nhận thức của nhân dân, ngư dân ở các xã, huyện đảo về tình hình biển, đảo và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc của mỗi ngư dân khi hoạt động trên biển. đây cũng là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, có sức lan tỏa sâu rộng, thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của cán bộ, chiến sỹ cảnh sát biển nói chung, cán bộ, chiến sỹ Vùng Cảnh sát biển 3 nói riêng đối với ngư dân. Những việc làm ý nghĩa của lực lượng CSB đã góp phần nêu cao tinh thần trách nhiệm của ngư dân trong việc vươn khơi bám biển, cùng chung sức giữ vững chủ quyền an ninh biển, đảo của Tổ quốc.