Cần khơi thông suối thoát lũ hồ Tà Mon

14/02/2025, 05:18

Năm 1993 đưa vào khai thác và sử dụng hồ Tà Mon. Suối Tà Mon là dòng chảy thoát lũ từ đập tràn, chảy ra cửa sông Phan có chiều dài ước chừng hơn 2.000 m kề bên khu dân cư thôn Tà Mon, thôn Lập Phước và vùng đất sản xuất nông nghiệp ven suối. Thời gian ấy, mặc dù dòng suối uốn lượn cong queo nhưng lòng suối khá thông thoáng. Khi đập Tà Mon xả tràn trong cao điểm mùa mưa, nước lũ dâng cao ngập khu vực hạ du và lũ rút nhanh trong vài tiếng đồng hồ.

Vùng hạ du suối Tà Mon đất phù sa bồi đắp màu mỡ, là thế mạnh phát triển trồng cây ăn trái. Nông dân trồng xoài, mít, thanh long… lập thành miệt vườn xinh tươi trù phú. Nguồn nước hồ xanh trên núi đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nông nghiệp, gia tăng diện tích canh tác, phát triển đời sống kinh tế nông thôn. Khu dân cư thôn miền cao xây dựng nhiều nhà đẹp bề thế trên mặt tiền hương lộ. Vườn thanh long trên đất cao kề bên kênh mương kiên cố. Vườn thanh long trên đất đồi chung quanh lòng hồ Tà Mon là địa lợi hưởng lợi nguồn nước cần thiết và đầy đủ.

ta-mon.jpg
Đất nông nghiệp bỏ hoang.

Thoát lũ, lũ không thoát

Thời điểm “huy hoàng” của hoạt động phát triển nông nghiệp vùng hạ du suối Tà Mon đã lùi về quá khứ, trở thành kỷ niệm đáng nhớ của đời người nông dân. Đến nay, suối Tà Mon đã bị ách nghẽn dòng chảy khi thoát lũ gây nước dâng ngập nặng, vườn cây ăn trái bị chết, do những nguyên nhân: Cây dại mọc dưới lòng suối, quá nhiều lùm cây, gò đống, rác thải. Dòng suối vòng vèo có nhiều cua ngoặt bị bồi lấp. Nơi vị trí ngã ba suối Tà Mon đổ ra sông Phan (thôn Lập Phước), thoát lũ hồ Tà Mon bị dòng chảy sông Phan cũng đang xả lũ chặn lại.

Cần phải khảo sát điều tra thực tế hiện trạng, flycam chụp không ảnh, đề ra biện pháp khắc phục hiện trạng đất nông nghiệp bị thiệt hại từ thực trạng thoát lũ mà lũ không thoát, ách tắc dòng chảy khi hồ đập xả lũ. Mùa mưa hàng năm có nhiều lần ngập lụt khi cao trình mực nước hồ Tà Mon báo động nguy hiểm phải mở cống xả đập tràn.

Mong các cấp, các ngành thấu hiểu nỗi buồn của người nông dân sinh sống trong vùng ngập lũ mùa mưa. Khổ đau, bất lực, buồn rầu, giận ghét dòng lũ đục ngầu dâng cao phá hoại cây trồng trên đất vườn. Cây thanh long thối gốc chết gục. Cây xoài, cây mít trốc gốc, ngắc ngoải rồi cũng chết. Vườn cây ăn trái là tài sản của nông dân ven suối Tà Mon lần lượt bị chết đứng do mỗi lần lũ dâng ngập hơn mười hai tiếng đồng hồ. Đất nông nghiệp bị bỏ hoang hóa, xót xa mảng màu xám hoang liêu. Nhân dân trong vùng bị lũ dâng, sản xuất nông nghiệp yếu kém. Họ tìm phương cách đổi nghề, làm dịch vụ, công nhân.

Thống kê chưa đầy đủ, nông hộ sinh sống trong vùng hạ du xả lũ hồ Tà Mon có đất nông nghiệp (còn nhiều nông hộ sinh sống ven suối thôn Tà Mon và thôn Lập Phước) bị lũ dâng ngập vườn, gây chết cây ăn trái, không thể canh tác, phải bỏ hoang từ khoảng năm hoặc sáu năm qua. Thôn Tà Mon, tổ 4 có 4 hộ; tổ 6 có 6 hộ, tổ 8 ít hơn với 2 hộ.

Niềm hy vọng khơi thông dòng suối thoát lũ

Trước thời điểm năm 2001 chưa có hồ Sông Phan, nông hộ vùng ngập lũ ở hạ du hồ Tà Mon xây tường bao ngăn lũ để bảo vệ nhà ở và cây trồng như hộ Trần Cương, Nguyễn Hòa, Nguyễn Văn Viện, Nguyễn Thị Đào… chi phí hàng trăm triệu đồng mua vật liệu gạch, cát, xi măng, cốt sắt và thuê công thợ xây. Từ năm 2001 hồ Sông Phan được khai thác và sử dụng, cường độ lũ dâng ngập cao hơn, dày hơn và “bành trướng” diện tích đất nông nghiệp bị thiệt hại do lũ dâng ngập. Tất cả tường bao đều bị lũ phá sập. Nông dân buồn rầu, bất lực nhìn đất vườn hoang tàn.

Nông dân thiết tha yêu cầu các ngành chức năng quan tâm cứu giúp bằng công việc cụ thể: Nạo vét, san ủi thông thoáng tuyến thoát lũ là suối Tà Mon. Cưa cắt phát hoang lùm cây dại dưới lòng suối. Dọn rác thải, đốt tiêu hủy vật cản hữu cơ. Dòng suối phải được điều hướng tương đối thẳng. Uốn nắn những khúc cua. Hoặc cần thiết phải phóng ngang qua đất nông nghiệp nơi cua ngặt cánh chỏ.

Việc thoát lũ trong cao điểm mùa mưa cần phối hợp chặt chẽ của Ban Quản lý hồ Tà Mon và Ban Quản lý hồ Sông Phan, tránh việc hai bên cùng một thời gian xả lũ gây ách tắc ngập nặng vùng hạ du hồ Tà Mon. Chúng tôi rất mong các ngành nông nghiệp và thủy lợi, các cấp chính quyền địa phương khảo sát điều tra thực địa, đề ra kế hoạch, khơi thông dòng suối, thoát lũ hiệu quả, phục hồi sản xuất nông nghiệp vùng hạ du hồ Tà Mon.

NGUYỄN BÁ KHƯƠNG

Related articles
Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi):
Cân nhắc quy định liên quan đến phân cấp cho chính quyền địa phương
BTO-Sáng nay 13/2, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

(1) Comments
Focus
Khẩn trương triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm chống IUU
UBND tỉnh vừa nhận được Công văn số 992/BNN-TS ngày 12/2/2025 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 5. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT - Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh, các cơ quan có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển khẩn trương rà soát, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần khơi thông suối thoát lũ hồ Tà Mon