Căn cước công dân vẫn “trôi nổi” trên mạng xã hội

20/06/2023, 05:13

Ngoài căn cước công dân (CCCD) của người đánh mất được người nhặt được đăng trên mạng xã hội để tìm trả cho người đánh mất thì rất nhiều tổ chức, đối tượng cho vay tín dụng "đen", công khai CCCD của con nợ lên để tìm đòi nợ.

Bài viết này chủ yếu đề cập đến CCCD của người vay tiền "nóng" từ các đối tượng cho vay tín dụng "đen" trực tiếp hoặc gián tiếp trên mạng. Đây là "con đường" đưa CCCD lên mạng xã hội vô tội vạ nhiều nhất.

anh-moi.jpg
Nhiều CCCD vẫn "trôi nổi" trên mạng xã hội.

Một dẫn chứng cụ thể: Ngọc Thu, một người làm nghề buôn bán ở Phan Thiết xin giấu tên và địa chỉ, vì kẹt tiền làm ăn nên đã tìm đến một người cho vay tiền trả góp trên mạng. Người này kết bạn với Thu qua Zalo dưới tên P.Q, yêu cầu Thu phải nói rõ địa chỉ nhà ở và cung cấp CCCD. Khi hoàn thành thủ tục ban đầu, Q nhắn tin hẹn Thu đến một địa điểm đưa tiền. “Em vay 10 triệu đồng, trừ tiền phí Q đưa cho em 8 triệu đồng trả trong vòng 25 ngày, mỗi ngày phải trả 500.000 đồng/ngày. Khi đến ngày trả cứ gửi qua tài khoản của Q, nếu không trả đúng hẹn Q nhắn tin hoặc gọi điện đòi…”, Thu nói. Những ngày qua vì buôn bán thua lỗ, không có tiền trả nợ Thu đang bị Q ráo riết gọi điện đòi với lời nhắn hù dọa: Nếu không trả, Q sẽ công khai hình ảnh Thu lên mạng xã hội để mọi người biết. "Không trả họ làm thật, nhiều người đã bị họ đăng hình ảnh và CCCD lên mạng rồi", Thu lo lắng chia sẻ kèm theo bằng chứng.

Thu không phải là trường hợp duy nhất là con nợ của “dịch vụ” cho vay tín dụng "đen" với lãi suất cao. Bởi ngoài những vụ bị công an bắt xử lý thời gian qua thì vấn nạn cho vay này vẫn còn đang âm ỉ trong dân. Nên mới có chuyện người vay không có khả năng trả, bỏ trốn khỏi địa phương vì sợ người cho vay hoặc xã hội đen đến nhà tìm… Chính vì vậy, những đối tượng cho vay đăng cả hình ảnh và CCCD của con nợ lên mạng xã hội, nơi có hội nhóm chuyên cho vay qua mạng của chúng, chia sẻ tìm kiếm.

CCCD là một loại giấy tờ quan trọng, chứa nhiều thông tin cá nhân bao gồm thông tin về tên, năm sinh, ảnh cá nhân, dữ liệu sinh trắc học cơ bản… cần phải giữ kín. Nhưng nhiều người biến nó thành vật thế chấp để nhận khoản tiền từ một người không quen biết vốn đã không nên lại còn bị công khai trên mạng xã hội. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin của mình vì chỉ cần dựa vào mã QR hoặc thông tin in trên thẻ CCCD là biết rõ thông tin cá nhân. Từ những thông tin đó, tội phạm công nghệ cao cũng như các đối tượng xấu có thể dễ dàng lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân không nên đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD lên mạng xã hội, tránh nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân. Hiện CCCD vẫn đang “trôi nổi” trên mạng xã hội, cần ngành chức năng quan tâm. Đặc biệt các xã, phường thường xuyên lồng ghép trong các cuộc hội, họp tuyên truyền cho người dân hạn chế vay tiền qua mạng bằng CCCD. Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an thông tin tại kỳ họp thứ V, Quốc hội thảo luận tổ về Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) mới đây rằng, sẽ có quy định để không ai có quyền giữ thẻ CCCD, trường hợp có khách lưu trú thì khách sạn cũng không có quyền giữ thẻ này. Đây là thông tin để người dân nâng cao nhận thức về tính bảo mật CCCD, góp phần hạn chế việc sử dụng CCCD làm vật cầm cố cho vay tín dụng.

Công an khuyến cáo khi mất CCCD, công dân cần trình báo lên cơ quan chức năng để báo mất và làm lại giấy tờ. Trong trường hợp bị lừa lấy thông tin CCCD để đi vay tiền thì người dân cần nhanh chóng liên hệ đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ nhanh nhất. Còn trường hợp bị các đối tượng khác lợi dụng lấy CCCD để đi đăng ký mở tài khoản ngân hàng hay đăng ký thuê bao trả sau thì người dân cũng cần nhanh chóng liên hệ đến ngân hàng, nhà mạng để được hỗ trợ…

NINH CHINH

Related articles
Cơ sở khám chữa bệnh tra cứu BHYT từ căn cước công dân
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 (gọi tắt Đề án 06).

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Căn cước công dân vẫn “trôi nổi” trên mạng xã hội