Cơ sở khám chữa bệnh tra cứu BHYT từ căn cước công dân

24/05/2023, 07:57

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 (gọi tắt Đề án 06).

Theo đó, một trong những mục tiêu cụ thể là bảo đảm từng bước thay thế giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đến nay về cơ bản, tại nhiều địa phương người dân đều có thể sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp thay cho thẻ BHYT để khám chữa bệnh BHYT. Vì vậy, nếu đã được cấp thẻ CCCD gắn chíp, người bệnh chỉ cần mang theo CCCD và không cần đem thẻ BHYT giấy đi cùng khi đến khám, chữa bệnh mà vẫn được giải quyết hưởng quyền lợi BHYT. Tại Bình Thuận, nhiều người dân đã được tích hợp thông tin về BHYT trong dữ liệu CCCD. Khi đi khám, chữa bệnh, người bệnh xuất trình CCCD gắn chíp cho nhân viên y tế để quét mã QR code kiểm tra thông tin và làm thủ tục khám, chữa bệnh theo đúng quy trình. Ngoài việc cho phép sử dụng CCCD gắn chíp thì tài khoản định danh điện tử (VNeID) cũng có thể thay cho thẻ BHYT giấy.

Người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử cá nhân tại Công an

Để được tích hợp thông tin BHYT trên ứng dụng VNeID, người dân phải đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 tại công an xã, phường, thị trấn hoặc công an nơi cấp thẻ CCCD. Khi đi, người dân mang theo thẻ CCCD gắn chíp và thẻ BHYT để phía công an cập nhật thông tin. Việc đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 tại cơ quan công an xã, phường, thị trấn hoặc công an nơi cấp thẻ CCCD khá dễ dàng, nhanh chóng.

Bà Ngô Liên, ngụ tại KP5, phường Phú Thủy chia sẻ: “Trong tháng 5/2023 Công an phường Phú Thủy (Phan Thiết) đã gửi thông báo lịch tiếp nhận hồ sơ cấp CCCD và tích hợp tài khoản định danh điện tử đến từng hộ gia đình. Hiện Công an phường đã trang bị 2 máy lăn tay phục vụ công tác tích hợp định danh điện tử nên làm rất nhanh, gọn lẹ, thủ tục đơn giản. Vì vậy, số người đến tích hợp tài khoản định danh điện tử đạt tỷ lệ khá cao. Gia đình tôi chọn điểm tích hợp tài khoản định danh điện tử tại Công an tỉnh (đường Mậu Thân) nên hồ sơ được giải quyết trong vòng 45 phút và khoảng 7 ngày sau thì Cục Cảnh sát QLHC về TTXH thông báo là hồ sơ được phê duyệt…”. Nhờ việc triển khai đồng bộ tại nhiều điểm từ tỉnh đến các xã, phường nên đến giữa tháng 5/2023, toàn tỉnh đã có 779.440 người tham gia BHXH, BHYT xác thực ĐDCN/CCCD đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên tổng số 1.018.343 người tham gia BHXH, BHYT, đạt tỷ lệ 77%. Số lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD đạt 114.718 lượt, trong đó có 88.244 lượt tra cứu thành công tại 131/132 cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Đề án 06 tại Bình Thuận vẫn còn nhiều vướng mắc. Đó là: Trong quá trình triển khai thực hiện xác thực dữ liệu dân cư có một số trường hợp không xác thực, chưa đồng bộ được bao gồm cả trẻ em đã được cấp số định danh cá nhân và người tham gia đã được cấp CCCD. Nguyên nhân là do thông tin định danh cá nhân của người tham gia BHXH, BHYT và cơ sở dữ liệu CCCD chưa đồng nhất nên gây khó khăn trong việc đồng bộ dữ liệu; có nhiều trường hợp CCCD được cấp nhưng bị sai cấu trúc giới tính, cấu trúc về năm sinh hoặc người đã được cấp CCCD sau đó lại cải chính thông tin họ tên, ngày tháng, năm sinh…nhưng chưa cập nhật kịp thời dẫn đến khó khăn trong việc xác thực tự động; chưa có dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mặc dù người lao động đã được cấp CCCD/ĐDCN. Việc thu thập thông tin số ĐDCN/CCCD chưa được các đơn vị sử dụng lao động, đơn vị quản lý người tham gia BHYT hỗ trợ kịp thời...

Để tiếp tục chuyển đổi số theo Đề án 06, ngành BHXH đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an cung cấp dữ liệu phục vụ làm sạch thông tin công dân trong triển khai đề án; nhất là xử lý kịp thời các trường hợp lỗi khi cập nhật thông tin CCCD/ĐDCN của người tham gia để đảm bảo chất lượng đồng bộ với cơ sở dữ liệu về dân cư.

N.HOÀNG

Related articles
Mua bán, thu gom sổ bảo hiểm xã hội là hành vi trục lợi bất chính
Sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) được xem là của để dành của người lao động khi về già. Tuy nhiên, lợi dụng tình hình nhiều người lao động bị mất việc làm sau dịch Covid-19, hoạt động mua bán, cầm cố sổ BHXH vẫn tiếp tục tái diễn thông qua các hội, nhóm trên mạng xã hội facebook.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ sở khám chữa bệnh tra cứu BHYT từ căn cước công dân