Thảo luận dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

11/06/2023, 16:02

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 10/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận ở tổ 14.

Tham gia ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), các đại biểu khẳng định, Luật Căn cước công dân năm 2014 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp.  Tuy nhiên bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần xem xét để sửa đổi, bổ sung.

Đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Căn cước  nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.

img_9349.jpeg
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQB tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông thảo luận.

Góp ý cụ thể tại điểm L, khoản 1, điều 19 về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông cho rằng, đối với nội dung về “nơi cư trú” thường xuyên thay đổi, trong thực tế có nhiều bất cập. Đại biểu thống nhất về chỗ ở cần phải có trong thẻ căn cước để các cơ quan chức năng quản lý, tuy nhiên cần thể hiện cho phù hợp. Do vậy đại biểu đề nghị nên sửa cụm từ “nơi cư trú” thành “nơi thường trú” nhằm thống nhất với quy định tại điều 11 của Luật Cư trú đã quy định.

Liên quan đến thời hạn cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước tại điều 27, dự thảo quy định thời hạn cấp trong 7 ngày làm việc, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng như thế là quá dài trong điều kiện đẩy mạnh số hóa và thực hiện của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Do vậy, đại biểu đề nghị xem xét, chỉ quy định 7 ngày đối với những trường hợp thông tin chưa rõ, đối với trường hợp thông tin đã rõ nên quy định cấp trong ngày để thuận tiện trong vấn đề giao dịch của công dân.

Liên quan đến các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân tại điều 25, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “cập nhật sinh trắc học” vào điểm b, khoản 1. Đồng thời đề nghị xem xét có điều khoản quy định cấp đổi thẻ căn cước công dân đối với những người trưởng thành can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ ở gương mặt... 

img_9350.jpeg
ĐBQH  Trần Hồng Nguyên phát biểu

Tham gia ý kiến về tên gọi của dự án luật dự kiến đổi từ “Luật Căn cước công dân” thành “Luật căn cước”, ĐBQH Trần Hồng Nguyên cho rằng cần cân nhắc bởi theo quy định của luật hiện hành, phạm vi điều chỉnh là toàn bộ công dân Việt Nam. Đến thời điểm này, đã cấp thẻ căn cước cho khoảng 80 triệu dân, lý do để sửa tên thành Luật Căn cước là do Chính phủ nhận thấy hiện nay có trên 31.000 trường hợp không cấp thẻ căn cước mà chỉ cấp giấy chứng nhận. Theo đại biểu, các trường hợp này không phổ biến nên vẫn có thể có quy định để điều chỉnh như trường hợp ngoại lệ. Do vậy, đại biểu Ban soạn thảo cân nhắc xem việc thay đổi như thế có nên hay không?.

Đối với quy định cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi, đại biểu bày tỏ băn khoăn vì các trường hợp này ít tham gia giao dịch dân sự và giao dịch cần sử dụng thẻ; khi thực hiện giao dịch đã có người giám hộ nên không cần thiết phải sử dụng thẻ căn cước...

T.HÀ

Related articles
Thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án Hồ Ka Pét
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng nay 25/5, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tại tổ. Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận tổ 14 cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La và tỉnh Hải Dương.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thảo luận dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi)