Tranh tài tại Hội thi Bánh dân gian năm 2024 có 36 đơn vị, với 125 thí sinh dự thi 56 món bánh dân gian các loại, đến từ các tỉnh, thành: Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Đồng Nai, Bình Thuận, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ, trong đó phần thi của Bình Thuận do 2 đầu bếp Mai Văn Linh và Nguyễn Thị Thanh Tuyền thực hiện.
Nguyên liệu chế biến bánh hòn làm từ bột nếp, bột năng, dừa bào xứ Rạng (Phan Thiết) ăn kèm muối đậu phộng; bánh quai vạc làm từ gạo, bột năng và tôm biển Bình Thuận làm nhân, khi dùng ăn kèm với nước mắm ớt được chế biến từ nước mắm ngon Phan Thiết. Bên cạnh thuyết minh giới thiệu về 2 loại bánh độc đáo của Phan Thiết - Bình Thuận, bánh hòn và bánh quai vạc sau khi chế biến xong được trang trí bắt mắt giữa mô hình sông Cà Ty, tháp nước cùng chiếc cầu Trần Hưng Đạo và Lê Hồng Phong làm từ rau củ quả. Điểm xuyến thêm là những loại bánh đặc trưng khác của địa phương như: bánh cốm, bánh rế, bánh tráng dừa mạch nha…
Theo đánh giá của Ban giám khảo, 2 loại bánh của Bình Thuận có hương vị “vừa miệng”, rất dễ phù hợp với khẩu vị của nhiều đối tượng thưởng thức, thể hiện rõ sự hài hòa (màu sắc, hình thể, hương vị…) của những nguyên liệu ăn kèm từng loại bánh, cách trang trí đẹp, ý nghĩa, đặc biệt là cách pha chế món nước chấm ăn kèm bánh quai vạc. Đồng thời, phần thuyết trình giới thiệu về du lịch Phan Thiết - Bình Thuận, về ý nghĩa tên gọi, xuất xứ và cách chế biến 2 loại bánh dân gian của địa phương cũng làm hài lòng Ban Giám khảo.
Ngoài giải A cho nghệ nhân xuất sắc, Du lịch Bình Thuận do Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh tổ chức còn được nhận bằng khen của thành phố Cần Thơ vì có thành tích xuất sắc trong tham gia Hội thi Bánh dân gian và chương trình biểu diễn cách làm các loại bánh dân gian Bình Thuận trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ XI năm 2024, diễn ra tại thành phố Cần Thơ từ ngày 17 - 21/4.