Đặc sản mùa tết…
- Alo, giá chả cá thát lát ở Tánh Linh bữa nay bao nhiêu một ký anh? -350.000 đồng/kg, “bao” ướp gia vị sẵn.
- Dạo này thát lát Tánh Linh tăng giá à?
- Đúng em, tăng mấy chục ngàn đồng/kg vì vào dịp Tết Nguyên đán nên thị trường tiêu thụ mạnh, hàng đặt nhiều.
- Còn “Gạo Tánh Linh” thì sao, chỗ Hợp tác xã nông nghiệp Đức Bình ấy? -Dạ cũng tăng theo thị trường nhưng mà giờ đặt mua lẻ không biết còn không vì hợp tác xã đã cung ứng theo chuỗi các đại lý theo đơn hàng trước rồi…
Đó là cuộc trao đổi giữa một đồng nghiệp của tôi với người cung cấp chả cá thát lát ở Tánh Linh. Vốn dĩ anh hỏi giá chả cá thát lát rồi “xọ” qua chuyện gạo bởi năm nào vào thời gian này anh cũng đặt hàng để cho con cháu về ăn Tết Nguyên đán. Câu chuyện bắt nguồn từ 3 năm trước, mình đi công tác Tánh Linh mua 2 kg chả cá thát lát dự định mấy ngày tết ăn cho đỡ ngán, ai ngờ khi bà con về, vợ mình phần thì đem chiên cuốn cải đắng chấm xì dầu, mù tạt, phần còn lại thì nấu lẩu với khổ qua bào mỏng. Thôi thì bà con ăn ngon lành rồi hỏi cá ở đâu mà ngon khác lạ, ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương cá thát lát miền Tây về nhiều nhưng không ngọt, dai và thơm như cá thát lát này. Tôi nói cá thát lát ở Tánh Linh người ta đánh bắt tự nhiên có, rồi nuôi theo quy trình khuyến nông cũng có nhưng cá Tánh Linh ngon là nhờ sống trong nguồn nước sạch sông La Ngà trong vắt, không bị ô nhiễm nên thịt chắc và thơm khác với cá thát lát ở nhiều vùng khác. Chưa hết câu chuyện chả cá thì anh lại nói đến gạo, gạo sạch trên thị trường khá nhiều nhưng “Gạo Tánh Linh” có chân đứng trên thị trường tốt là nhờ nằm trong chuỗi OCOP được tỉnh công nhận. Hơn thế, cùng 1 loại giống ST25 nhưng hạt gạo ở Tánh Linh thơm và ngon hơn các vùng khác chắc cũng nhờ nguồn nước đầu nguồn sông La Ngà…
Nông nghiệp chất lượng cao
Về Tánh Linh mùa này, nhiều nông dân ra đồng chuẩn bị cho vụ đông – xuân, nhìn khuôn mặt ai cũng phấn khởi. Bên bờ kênh 41 ở cánh đồng xã Măng Tố có khoảng 5 người đang ngồi nghỉ giải lao nói cười vui vẻ. Hóng chuyện, tôi hỏi anh Trần Xuân Thiên lúa năm nay ra sao? Lấy tay áo lau mồ hôi trên trán, anh cười bảo: Năm nay cả làng làm lúa “vui như hội” bởi giá lúa tăng cao. Năm trước giá chỉ 5.000 đồng/kg, lúc cao nhất là 6.000 đồng/kg nhưng năm nay giá vượt lên 9.000 đồng/kg, có thời điểm lên 10.000 đồng/kg. Cách đây chừng 1 tháng nhà nhà gặt lúa được mùa được giá nên rất phấn khởi. Ngồi cạnh anh Thiên là anh Trí nói với vào: “Dân làm lúa lần đầu tiên được ăn Tết Nguyên đán đầy đủ, hy vọng vụ đông xuân này, giá lúa giữ yên 9.000 - 10.000 đồng/kg thì nông dân sẽ có niềm vui nhân đôi…”.
Là một trong số ít huyện có diện tích cây lúa lớn nhất tỉnh, tuy vậy trước đây nền nông nghiệp Tánh Linh khá lạc hậu do thiếu hệ thống kênh mương dẫn nước cộng với chất lượng giống cũ. Nhận ra được vấn đề, huyện Tánh Linh đã vào cuộc cải tổ mạnh mẽ, xin vốn từ tỉnh đến Trung ương đầu tư hệ thống tưới tiêu. Mặt khác, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tăng nguồn thu nhập cho người dân.
Tôi đã nhiều lần ra đồng cùng nông dân Tánh Linh, có lần gặp ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Bình. Ông Đức là một trong những nông dân ở Tánh Linh chịu khó tìm tòi để có sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Sau nhiều ngày ông tìm về vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long học hỏi kỹ thuật làm lúa hữu cơ xuất khẩu theo công nghệ của các nước phát triển trên thế giới. Ông Đức đã nhờ Phòng Nông nghiệp – PTNT Tánh Linh trợ giúp, rồi HTX hình thành, năm 2016 đưa vào trồng lúa theo hướng hữu cơ. Trong một lần ngồi với tôi, ông cởi lòng tâm sự: “Ban đầu có rất nhiều khó khăn, từ “ăn dầm, nằm dề” ngoài ruộng đến hướng dẫn thực tế và chi tiết cho các thành viên HTX làm đúng quy trình lúa theo hướng hữu cơ. Có vụ tôi chủ quan, 1 người đã lén bón phân ngoài danh mục để tăng năng suất. Khi thấy ruộng lúa của thành viên này khác hẳn với các đám ruộng làm lúa theo hướng hữu cơ, tôi nghi ngờ hỏi chủ ruộng nhưng họ chối phăng. Đến lúc thu hoạch, “test” hạt gạo thì mọi chuyện rõ “mười mươi”. Lúa bị mua giá thấp và không đưa vào chuỗi cung ứng gạo sạch để giữ thương hiệu cho hạt “Gạo Tánh Linh”… Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ bình quân mỗi sào lợi nhuận cao hơn sản xuất lúa thường từ 1 – 2,5 triệu đồng/ha. Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tương đối khó khăn vì phải thay đổi cả một tập quán sản xuất của nông dân”. Tuy nhiên, chỉ sau vụ đầu tiên, thấy được lợi nhuận và thị trường tiêu thụ tốt nên nhiều người đã đăng ký làm…
Anh Mai Trí Mân – Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp – PTNT Tánh Linh cho biết, nhờ có “nền, móng” được xây dựng và vun đắp qua các thời kỳ nên đến nay, Tánh Linh đã tạo được đà cho phát triển nông nghiệp. Năm 2023, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của huyện được 35.623 ha, đạt 108,6% kế hoạch năm, tăng 4,3% so với năm 2022. Tổng sản lượng lương thực đạt 182.200 tấn, đạt 100% kế hoạch năm. Bên cạnh cây lúa, diện tích nuôi thủy sản trong ao, hồ khoảng 77 ha sản lượng ước đạt 230 tấn, nuôi lồng bè sản lượng ước đạt 65 tấn, khai thác mặt nước ao, hồ sông suối tự nhiên và mặt nước hồ Biển Lạc 240 tấn, trong đó cá thát lát được người nuôi mở rộng diện tích và tăng sản lượng bởi thị trường tiêu thụ đã được mở rộng vào các tỉnh phía Nam, nhất là TP. Hồ Chí Minh đặt hàng khá nhiều... Từ những cá nhân và cả hệ thống chính trị đằng đẵng nhiều năm trời theo đuổi với ước mơ giúp nông dân Tánh Linh có thu nhập cao, đến nay Tánh Linh đã có hàng ngàn ha lúa chất lượng cao, lúa xác nhận và ngày càng mở rộng diện tích. Nhiều sản phẩm OCOP như “Gạo Tánh Linh”, hạt điều Hoàng Phú, thỏ gác bếp, ớt khô, chả cá thát lát… đang được thị trường ưa chuộng. Bây giờ, nông nghiệp Tánh Linh đa sản phẩm...