Đặc biệt, đã hạn chế rất nhiều các vụ “xe điên”, xe mất lái do sử dụng rượu bia gây ra. Tại các bệnh viện cũng chứng kiến số nạn nhân TNGT liên quan đến nồng độ cồn đã giảm rõ rệt. Ngay cả các vụ đánh nhau gây thương tích, hay gây rối trật tự công cộng trên đường phố liên quan đến rượu bia, cũng đã giảm rõ rệt.
Nhưng hiệu quả lớn nhất là sự chuyển biến về ý thức của người tham gia giao thông. Giờ đây, trong các cuộc tiệc tùng của cơ quan, gia đình, bạn bè thân hữu, việc từ chối uống rượu bia vì lý do “còn phải lái xe” đã thành chuyện bình thường, là điều đương nhiên. Một nét văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe” đang hình thành và lan tỏa ra trong xã hội ta. Từ người dân đến cán bộ, công chức, chiến sĩ công an, quân đội… ai cũng đã nhớ rằng: khi lái xe thì không được uống rượu bia, vì luật pháp sẽ xử lý nghiêm, không chừa một ai.
Có được kết quả ấy là do lực lượng CSGT cả nước đã xác định chuyên đề trọng tâm, xuyên suốt là xử lý vi phạm nồng độ cồn, kiên quyết hình thành thói quen đã uống rượu bia không lái xe. Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 100/2019/NĐ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Nhất là trong năm 2022-2023, chưa bao giờ xử lý vi phạm nồng độ cồn lại mạnh mẽ, quyết liệt như hiện nay. Dịp Tết Quý Mão 2023, CSGT đã xử lý 7.726 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (tăng 598% so với tết năm 2022). Còn chỉ sau một tháng cao điểm xử lý vi phạm cồn độ cồn vừa qua, 6 tổ công tác của Cục CSGT đã xử lý hơn 5.000 trường hợp vi phạm. Ở Bình Thuận chỉ trong 2 tháng gần đây, CSGT đã xử lý hơn 1.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Cuối năm, tết nhất đến gần, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, để đảm bảo an toàn giao thông. Bởi vì tết nào cũng vậy, số vụ TNGT và đánh nhau gây thương tích vì rượu bia quá đà lại tăng vọt, khiến dư luận bức xúc.
Người dân bắt đầu hy vọng rằng việc xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ đạt kết quả tương tự như thực hiện bắt buộc đội mũ bảo hiểm 15 năm trước. 15 năm trước, trước khi quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy có hiệu lực vào tháng 12/2007, hiếm khi người ta nhìn thấy mũ bảo hiểm trên đường phố Việt Nam. Đến nay, gần như 100% người đi xe máy tự giác đội mũ bảo hiểm. Điều này có được nhờ việc thực thi luật nghiêm ngặt, cùng các chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn giao thông. Đối với một quốc gia mà xe máy là phương tiện giao thông chủ yếu, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm vấp phải rất nhiều trở ngại và ý kiến trái chiều. Nhưng thực tế chứng tỏ quy định đội mũ bảo hiểm từ khi thực hiện đã làm giảm hàng trăm ngàn ca chấn thương đầu, cứu sống hàng chục vạn người. Để đến bây giờ phản xạ tự nhiên của người dân khi ra đường là đội mũ bảo hiểm.
Kinh nghiệm tại một số quốc gia mà hành vi uống rượu bia khi lái xe đã giảm rất nhiều, nhờ tuyên truyền và xử phạt nghiêm, đó là nhà chức trách vẫn phải duy trì, thậm chí tăng cường tuyên truyền, xử lý vi phạm nồng độ cồn, vì họ biết rằng nếu giảm xử lý thì vi phạm sẽ tăng trở lại.