Việt Nam có bản đồ công nghệ thông tin truyền thông

09/10/2023, 15:21

Bản đồ công nghệ thông tin và truyền thông là công cụ hỗ trợ quản lý, dự báo, giúp đưa ra quyết định khi nghiên cứu phát triển công nghệ.

Bộ bản đồ được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại hội nghị giao ban quý III/2023 sáng 9/10. Đây cũng là Bộ đầu tiên nghiên cứu và cho ra mắt bản đồ công nghệ cho lĩnh vực quản lý của mình.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Lĩnh vực thông tin và truyền thông đang có những thay đổi mang tính cách mạng. Chính công nghệ số đã tạo ra sự thay đổi này. Tương lai bây giờ không còn nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Và chúng ta phải sáng tạo ra tương lai mới của mình dựa trên công nghệ số”.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TTTT) cho biết: “Nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng hiệu quả công nghệ số tiên tiến, làm chủ công nghệ số, sáng tạo ra các sản phẩm dịch vụ Make in Việt Nam, từ đó thay đổi Việt Nam và chinh phục thế giới, đã trở thành mệnh lệnh, thôi thúc ngành thông tin và truyền thông dấn thân vào thế giới công nghệ số. Tuy nhiên, thế giới công nghệ số luôn sáng tạo và đặt ra cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp 3 câu hỏi có tính sống còn: Các xu hướng lớn nào ảnh hưởng tới ứng dụng công nghệ số trong năm nay? Các công nghệ số nào có tiềm năng cân bằng giữa giá trị và rủi ro? Các công nghệ số mới nổi nào nên thận trọng khi triển khai?”

“Để trả lời 3 câu hỏi trên và dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bản đồ công nghệ đã được xây dựng cho 8 lĩnh vực của Bộ. Đây là công cụ hỗ trợ quản lý, dự báo, dẫn dắt, quyết định lựa chọn chấp nhận, ứng dụng, đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ một cách tối ưu, đạt hiệu quả cao nhất”, ông Nguyễn Khắc Lịch cho biết.

Về phương pháp xây dựng, Bản đồ công nghệ lĩnh vực thông tin và truyền thông được xây dựng dựa trên các chiến lược đã được phê duyệt; tham khảo các báo cáo chuyên đề về xu hướng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ trên thế giới; các tài liệu của của một số tổ chức uy tín trên thế giới về cách thức, phương pháp xây dựng bản đồ công nghệ, lấy ý kiến các chuyên gia trong nước.

bnadoso091023.png

Mô hình bản đồ công nghệ số thông tin và truyền thông.

Mỗi bản đồ công nghệ gồm một tài liệu mô tả, đánh giá chi tiết từng công nghệ và một trang đồ họa (bản đồ) thể hiện các thông tin ngắn gọn về các công nghệ có tác động đáng kể đến lĩnh vực, với 4 loại thông tin là: mức độ trưởng thành của công nghệ, mức độ ảnh hưởng của công nghệ, các giai đoạn của sự kỳ vọng của công nghệ theo thời gian.

Bản đồ công nghệ chính phủ số gồm 32 công nghệ số được thể hiện theo hình ra đa. Bản đồ công nghệ sẽ được các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng làm công cụ hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, lập chiến lược mang tính dẫn dắt, xây dựng các kế hoạch triển khai từ ngắn hạn đến trung và dài hạn phù hợp với sự phát triển của công nghệ gắn với chiến lược phát triển ngành và lĩnh vực; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trong việc đưa ra quyết định về ứng dụng, triển khai công nghệ mới, tránh đầu tư quá sớm hoặc quá muộn khi công nghệ đã lỗi thời.

Ông Nguyễn Khắc Lịch cho biết: “Sau 3 tháng nghiên cứu, 11 đơn vị của Bộ đã xây dựng được phiên bản đầu tiên của 8 bản đồ công nghệ cho lĩnh vực Thông tin và Truyền thông gồm: Viễn thông; Bưu chính; Báo chí; Xuất bản; Chính phủ số; An toàn thông tin; Đại học số; Công nghệ số”.

H LAN (TỔNG HỢP)

Related articles
Đề nghị bổ sung 8 dự án đường cao tốc vào danh mục công trình trọng điểm quốc gia
Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung danh mục dự án và thành viên Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam có bản đồ công nghệ thông tin truyền thông