Việc khó quá, bỏ qua được không? Bài 4: Sức mạnh của cộng đồng trách nhiệm

21/08/2024, 14:28

BTO- Điều đó thành công đến mức nào tùy thuộc vào sự gương mẫu của người đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong truyền động lực, trong cộng đồng trách nhiệm với cấp dưới giải quyết những vướng mắc, khó khăn và chịu trách nhiệm chính.

Không né tránh

Từ năm 2021 đến nay, với Bình Thuận là thời gian nhiều biến động nhất, khi ở tỉnh xảy ra việc thanh tra, kiểm tra các dự án kéo dài, một số cán bộ về hưu lẫn đang chức vào vòng tù tội. Chưa bàn chuyện đúng sai từng vụ việc, trên tất cả ai quan tâm đến tình hình phát triển của tỉnh cũng cảm nhận là Bình Thuận đã mất chi phí cơ hội quá nhiều. Tình hình đầu tư vào tỉnh dường như không có chút gì khởi sắc như tiềm năng vốn có.

Trong cảnh ấy, Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn chủ trì phối hợp với các Sở, ngành và địa phương đều đặn rà soát kiểm tra các dự án, áp dụng chặt chẽ các quy định để thu hồi dự án chậm triển khai không có lý do chính đáng. Nếu năm 2021, kiểm tra 50 dự án, qua đó thanh tra sở đã xử phạt 15 dự án với số tiền 525 triệu đồng và tham mưu UBND tỉnh thu hồi 10 dự án thì năm 2022, kiểm tra 90 dự án, xử phạt 60 dự án với số tiền 5,1 tỷ đồng và tham mưu UBND tỉnh thu hồi 12 dự án. Tương tự, năm 2023, kiểm tra 100 dự án, xử phạt 33 dự án với số tiền 2,76 tỷ đồng và tham mưu UBND tỉnh thu hồi 21 dự án và 8 tháng năm nay, kiểm tra 52 dự án, xử phạt 16 dự án với số tiền 1,36 tỷ đồng và tham mưu UBND tỉnh thu hồi 17 dự án, ra quyết định tạm ngừng 4 dự án…Song song quá trình ấy, vài doanh nghiệp đã khởi kiện về việc thu hồi dự án.

khu-do-thi-du-lich-bien-phan-thiet-anh-n.-lan-2-.jpg
Một góc đô thị biển Phan Thiết

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, không vì áp lực bị kiện mà việc rà soát, sàng lọc dự án để cải thiện chất lượng đầu tư dừng lại. Đó là nhiệm vụ phải làm, tất nhiên cán bộ công chức của sở cũng băn khoăn, nhất là trong bối cảnh mà bệnh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm đang lan ra không chỉ ở tỉnh. Tuy nhiên, hàng tháng, trong sinh hoạt Đảng, Đảng ủy, cấp ủy đều quán triệt, thúc đẩy thực hiện cải cách hành chính, trong đó có phân tích và tìm hướng thống nhất thực hiện việc kiểm tra rà soát và thu hồi dự án, mà càng về lúc này, tình hình càng căng hơn. Vì đây là 1 nội dung trong Kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành trong tháng 5/2024. Và Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao nhiệm vụ đến sở theo tinh thần “Kiên quyết thu hồi theo đúng quy định các dự án chậm triển khai hoặc không có năng lực triển khai”. Song song đó, đẩy mạnh các nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật; về tổ chức thực hiện để cải thiện môi trường đầu tư mà suy cho cùng đều xoay quanh “gốc” cán bộ.

dsc_0055.jpg
Một góc dự án Hamubay Phan Thiết

Cũng trong kế hoạch trên, trước kết quả kinh tế xã hội thu được và cả đánh giá tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy công việc, né tránh trách nhiệm chưa có cải thiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ, góp phần khắc phục hạn chế, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2023. Đồng thời qua đó cũng hướng đến đổi mới mô hình tăng trưởng thực chất hơn, nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm cuộc sống nhân dân. Và đòn bẩy của vấn đề vẫn là ở cái gốc cán bộ, như Kế hoạch nhấn mạnh: “Đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 14-KL/TW, ngày 29/9/2021 của Bộ Chính trị và Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đồng thời, quyết liệt thực hiện các giải pháp chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức, viên chức né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc”.

untitled_1.1.86.jpg
Nhiều dự án du lịch được đầu tư ven biển Hàm Thuận Nam

Riêng Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 280/CĐ-TTg, ngày 19/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương và Công điện số 968/CĐ-TTg, ngày 16/10/2023 về tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp; chấm dứt tình trạng quy định pháp luật đã rõ nhưng tham mưu lòng vòng, không rõ nội dung, quan điểm hoặc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm sang bộ phận khác, cơ quan khác, làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung, gây phiền hà, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

du-lich-bien-la-gi-anh-ngoc-lan-1-.jpg
du-lich-bien-la-gi-anh-ngoc-lan-2-.jpg

Đối diện và gỡ vướng

Điều đáng chú ý, từ năm 2021 đến nay cũng là thời gian, Kết luận 14 của Bộ Chính trị và Nghị định 73 của Chính phủ ra đời và đến nay, đã có thời gian để thấy kết quả. Tuy nhiên, thực tế diễn ra khiến Đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn. Như trong một kỳ họp Quốc hội gần đây, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn Bình Thuận đặt vấn đề: "Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã được nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn chưa có chuyển biến. Có phải chúng ta chưa có cơ chế xử lý, đánh giá cán bộ công chức hay chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Theo tôi là không phải, chúng ta đã có nhiều văn bản của Đảng và của Chính phủ về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và chúng ta đã có kết luận 14 của Trung ương, Nghị định 73 của Chính phủ về khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, vậy thì từ nguyên nhân nào. Tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có đánh giá một cách căn cơ, tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp thật sự hiệu quả, trong đó có việc khảo sát, đánh giá lại việc thực hiện Nghị định 73 từ khi ban hành cho đến nay có cơ quan, đơn vị, địa phương nào đã áp dụng thực hiện và đem lại hiệu quả, để từ đó nhân rộng. Còn nếu qua khảo sát, đánh giá vẫn còn vướng mắc các địa phương, đơn vị chưa áp dụng thì cần có giải pháp hữu hiệu khắc phục.”

Trong khi đó, tại kỳ họp HĐND tỉnh giữa năm 2024, các cuộc chất vấn những vấn đề chưa đem lại kết quả, thậm chí là tồn tại, mà suy cho cùng là liên quan đến trách nhiệm của cán bộ công chức viên chức cũng làm nóng nghị trường không kém. Nhưng chung quy vấn đề, đến lúc này thấy rất rõ là nỗi sợ xuất phát từ các vụ án có liên quan cán bộ tại tỉnh là có nhưng chỉ là một phần nào đó. Cái chính quyết định tạo ra hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm là văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo; nhiều quy định không khả thi và lạc hậu, tạo rủi ro cho người thực thi, cho doanh nghiệp. Vì thấy không an toàn nên kiến nghị, chờ sửa luật. Cũng vì thực tế, việc đi học tập cách làm trước đây giữa các tỉnh, thành trong phát triển kinh tế, xã hội thì thời gian qua chính những tỉnh, thành này đều bị kết luận sai sau thanh kiểm tra và hàng loạt cán bộ bị tù tội. Bên cạnh đó, cũng ghi nhận qua nhiều vụ việc qua giám sát của HĐND tỉnh như tình trạng trả hồ sơ cấp giấy chứng nhận vô tội vạ; lãnh đạo cấp xã chưa phân biệt được đất công, đất 5%...thể hiện năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức còn hạn chế.

Hơn thế, tại tỉnh còn có thêm những vấn đề kéo dài nhiều năm, tích tụ thành ‘nút thắt” mà theo phản ứng thông thường của người giải quyết việc cũ bị kéo dài, nảy sinh tư tưởng : “Khó quá có bỏ qua được không?” Như giải thích cho điều đó, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng chia sẻ rằng có những vấn đề hiện nay không trả lời được, chưa thực hiện được nhưng vì sự phát triển phải đối diện, phải gỡ từng bước. Ngay cả nếu hỏi Trung ương thì văn bản trả lời đều có kết câu cuối: “Thực hiện theo đúng quy định pháp luật”.

“Bí lắm, các đồng chí! Ngay cả Quốc hội khi thảo luận cũng có những vấn đề không thảo luận ra hết. Việc thực thi pháp luật hiện rất khó khăn” – Ông Đăng nói. Đồng thời dẫn chứng các ví dụ, trong đó có lý giải việc chậm trễ ra Quyết định khắc phục hành chính trên lĩnh vực đất đai rồi không ban hành nữa vì có nghị định mới thay thế Nghị định 91. Thực tế, người dân xây dựng nhà ở mà không chuyển mục đích sử dụng đất, không xin phép nên thành ra xây dựng trên đất nông nghiệp rồi bị xử phạt. Xong tỉnh lại ban hành quyết định khắc phục, cứ như để hợp thức hóa sai phạm đó. Có thể nói, đây là tồn tại trong quá trình chấp hành pháp luật không chỉ ở Bình Thuận. Nhưng trở ngại này sẽ từng bước khắc phục, khi Luật đất đai 2024 có hiệu lực và các nghị định sắp tới ban hành sẽ có những điều khoản gỡ vướng lâu nay.

z5752296346945_23e86c326484e292cdda602ff888d99c.jpg
z5752297001044_e46a3df594b500cd553409320b6c11ca.jpg

Quy trách nhiệm ai?

Song song đó, Nghị định 71 về giá đất ban hành cũng mở thoáng với các dự án được thuê đất trả tiền hàng năm là áp dụng phương pháp giá đất nhân với hệ số K. Còn các dự án khác đều phải tính giá đất cụ thể, trước theo 5 phương pháp định giá đất, giờ còn 4 phương pháp. Trong đó phương pháp thặng dư, dù thận trọng thế nào cũng như “cài bẫy trong tương lai” nên ngay cả các đơn vị tư vấn giá đất cũng đồng loạt thanh lý hợp đồng 0 đồng để không làm nữa đã diễn ra đầu năm nay. Dù nỗ lực, quyết tâm rất rõ của UBND tỉnh nhưng việc chậm trễ, kéo dài việc tính giá đất cụ thể vẫn diễn ra. Vậy quy trách nhiệm cho ai? Nhưng sau thời gian kiến nghị bao vướng mắc, đến thời điểm này, với các quy định mới ban hành thoáng hơn, các đơn vị tư vấn đã quay lại làm giá đất cụ thể cho các dự án tại tỉnh, mở ra tín hiệu vui.

Tương tự, chuyện chậm thi hành các án hành chính có liên quan đến kinh phí xung quanh tuyến đường 706 B, khu dân cư Hùng Vương… ở thành phố Phan Thiết cũng không thể quy trách nhiệm ai, dù tình huống này thể hiện rõ 2 phần của trách nhiệm là thực thị và chịu hậu quả? Nhưng phải ghi nhận rằng việc đưa ra các phương án giải quyết rồi loại trừ dần, sau khi có công văn hỏi các ngành chức năng ở tỉnh, ở Trung ương thì hy vọng giải pháp còn lại với sự thành lập sắp tới của Quỹ Phát triển đất Bình Thuận theo Nghị định 104/2024/NĐ- CP mới ban hành, là sự nỗ lực gỡ vướng của chính quyền hiện tại, không bỏ qua và cũng không dừng lại.

Tất nhiên, để thi hành còn cần rất nhiều công đoạn khác liên quan đến có nhà đầu tư vào dự án khu đô thị Hàm Tiến – Mũi Né, diện tích đất trong các bản án có nằm trong diện tích đầu tư trên không để quỹ cho ứng trước trả nợ?    

Gỡ những nút thắt có bao giờ nhanh? Qua đó, cho thấy để có thể kiến nghị được điều gì, ít nhất những người ở vị trí đó đã nghiên cứu các quy định, đã vận dụng thử vào thực tế, đã lật ngược lật xuôi vấn đề và tìm ra điểm chưa khớp nhau giữa các quy định về cùng một nội dung. 

Trong báo cáo chuyên đề về “Thực trạng và nhiệm vụ, giải pháp chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức” trên địa bàn tỉnh của Tỉnh ủy Bình Thuận ban hành cuối tháng 11/2023 cũng đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo 2 việc.

Đó là xây dựng quy định cụ thể về hành vi và các chế tài xử lý thực trạng “né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm” đối với cán bộ, công chức; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật (nhất là lĩnh vực đất đai, đầu tư...); ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản dưới luật, văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất để các cơ quan, đơn vị, địa phương áp dụng thực hiện.

Cũng trong báo cáo chuyên đề trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vạch ra những biểu hiện rất cụ thể, rất thực của tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức. Đồng thời đưa ra giải pháp đồng bộ trên các mặt như hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội ; kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm…

Nhưng với thực tế đã và đang diễn ra, có nghĩa các cấp ủy, tổ chức Đảng…đã triển khai đồng bộ các giải pháp của báo cáo chuyên đề trên và đã có kết quả thu về như hiện tại thì vấn đề quyết định lúc này vẫn là đả thông tư tưởng, đấu tranh loại bỏ sự nhụt chí, chùn bước, tạo sự mạnh mẽ, thống nhất của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Điều đó thành công đến mức nào tùy thuộc vào sự gương mẫu của người đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong truyền động lực, trong cộng đồng trách nhiệm với cấp dưới giải quyết những vướng mắc, khó khăn và chịu trách nhiệm chính. Có như thế thì sự chung sức ấy mới mạnh, mới có thể đi đường dài trong khơi dậy nhiệt huyết đưa Bình Thuận phát triển xứng tầm với tiềm năng, vị trí.

Bài 1: Bỏ thì thương, vương thì… có tội

Bài 2: Khi doanh nghiệp, người dân thắng kiện

Bài 3: Sàng lọc dự án để thu hút đầu tư chất lượng

BÍCH NGHỊ

Related articles
Việc khó quá, bỏ qua được không?
Bài 2: Khi doanh nghiệp, người dân thắng kiện
BTO-Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương cần phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các án hành chính đã có hiệu lực thi hành.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việc khó quá, bỏ qua được không? Bài 4: Sức mạnh của cộng đồng trách nhiệm