Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận – Dấu ấn một thời hoa lửa

24/04/2025, 05:17

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bình Thuận là một trong những địa phương anh dũng, kiên cường, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cách mạng miền Nam. Trên mảnh đất Sa Lôn – nơi từng là căn cứ địa quan trọng của Tỉnh ủy Bình Thuận – đã ghi dấu bao chiến công oanh liệt, sự hy sinh cao cả và những quyết sách lịch sử của một thời “gan không núng, chí không mòn”.

Tại nơi ấy, Văn phòng Tỉnh ủy không chỉ là cơ quan tham mưu, giúp việc, mà còn là một “tổng hành dinh” thực thụ, nơi khơi nguồn sức mạnh đoàn kết, khẳng định vai trò trung tâm tổ chức và bảo vệ sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng bộ tỉnh trong suốt những năm tháng khốc liệt nhất.

Những chặng đường lịch sử

Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, cấp trên chỉ định thành lập Ban Cán sự Đảng cực Nam Trung bộ – tiền thân của Liên tỉnh 3 gồm Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa – đồng chí Trần Lê giữ cương vị Bí thư Ban Cán sự kiêm Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận. Cơ quan Tỉnh ủy khi ấy đóng tại Suối Đá Mài (Núi Ông, Tánh Linh), rồi chuyển dần qua Rừng Ngang (khu Lê Hồng Phong), đến A Ra – Sa Lôn – nơi trở thành địa điểm đóng quân lâu dài nhất trong kháng chiến. Bộ máy Văn phòng thuở đầu tuy nhỏ gọn, nhưng hoạt động hết sức linh hoạt. Mỗi người vừa là cán bộ hành chính, vừa là chiến sĩ sẵn sàng cầm súng, tải lương thực, bảo vệ cơ quan trong mọi tình huống hiểm nguy.

1.-khu-di-tich-can-cu-tinh-uy-binh-thuan-trong-khang-chien-chong-my-huyen-ham-thuan-bac-tinh-binh-thuan.jpg
Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ.

Giai đoạn 1961–1964 đánh dấu nhiều biến động: Cơ quan lần lượt di dời về vùng Mắc Cở, rồi Đèo Nam – gần đồng bằng, gần dân hơn, thuận tiện chỉ đạo. Tháng 4/1967, tổ chức hành chính được tái cấu trúc: tỉnh Bắc Bình ra đời từ huyện Hòa Đa, Tuy Phong, Phan Lý và một phần Tuyên Đức. Tỉnh lỵ đặt tại vùng núi Ga Lăng. Song, đến tháng 8/1968, Bắc Bình giải thể, nhập lại với Bình Thuận, trụ sở cơ quan chuyển về Đèo Gió lạnh (Hàm Thuận). Song song, tỉnh Bình Tuy cũng được thành lập gồm các huyện Hàm Tân, Hoài Đức, Tánh Linh, với Văn phòng đặt tại đầu nguồn sông Phan – núi Ông.

Đầu thập niên 1970, căn cứ Nam Sơn được hình thành – nơi 3 tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng cùng đặt cơ quan chỉ huy. Đây là giai đoạn gắn bó chặt chẽ giữa các bộ phận như tổ chức, tuyên huấn, dân vận – cùng hoạt động dưới một mái nhà chung: Văn phòng Tỉnh ủy. Cũng từ đây, 2 tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy tổ chức Đại hội chính trị, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời – một thắng lợi chính trị có ý nghĩa to lớn trong công cuộc đấu tranh ở miền Nam.

Sau lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969), đến tháng 7/1970, Bình Thuận và Bình Tuy tiến hành Đại hội Đảng bộ đầu tiên trong thời kỳ chống Mỹ. Đây là dấu mốc quan trọng trong củng cố niềm tin và tổ chức Đảng tại địa phương. Từ năm 1974 đến ngày giải phóng 1975, cơ quan Tỉnh ủy Bình Thuận chủ động di dời nhiều lần, luôn bám sát chiến trường và nhân dân. Địa điểm đóng quân cuối cùng là tại cây số 36 Tỉnh lộ 8 (nay là quốc lộ 28) – tiền đề cho việc tiếp quản thị xã Phan Thiết vào ngày 19/4/1975. Cùng thời điểm ấy, Bình Tuy dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy tại căn cứ Núi Lớp đã chỉ huy chiến dịch giải phóng toàn bộ tỉnh trong vòng 3 tháng đầu năm 1975, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch mùa Xuân lịch sử.

sl4.jpg
Các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh dự Lễ khánh thành Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ.

Khi Văn phòng là tuyến đầu thầm lặng

Không chỉ làm nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp và tổ chức phục vụ, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận còn là một lực lượng trực tiếp chiến đấu và góp phần vào các thắng lợi lớn nhỏ trên khắp chiến trường. Thời kháng chiến, “giải quyết cái ăn” là nhiệm vụ sống còn. Không có hậu cần thì không có tổ chức. Bộ phận hậu cần, quản trị, cấp dưỡng không chỉ lo nấu ăn mà còn trực tiếp trồng trọt, vận chuyển lương thực, chia khẩu phần theo quy định nghiêm ngặt – thể hiện tinh thần kỷ luật và đoàn kết. Bên cạnh đó, Văn phòng còn tổ chức bộ phận liên lạc, cơ yếu, điện đài – là “mạch máu” truyền tin của toàn Tỉnh ủy. Các chiến sĩ cơ yếu, điện đài luôn xem việc giữ an toàn tài liệu, máy móc còn quan trọng hơn cả tính mạng. Ngoài ra, Văn phòng còn tổ chức phục vụ chu đáo các kỳ đại hội, hội nghị của Tỉnh ủy: Từ dựng hội trường dã chiến, đào bếp Hoàng Cầm, lo chỗ ăn ở, đào hầm tránh bom pháo cho đại biểu, đến chuẩn bị nội dung, tổng hợp tình hình, thậm chí tổ chức săn bắn để cải thiện bữa ăn… Tất cả đều nhằm đảm bảo hội nghị thành công trong bí mật và an toàn tuyệt đối.

Không dừng lại, Văn phòng Tỉnh ủy còn cử nhiều cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu nhiều chiến dịch lớn: Từ tiêu diệt chi khu Hoài Đức – Bắc Ruộng đến phá khu dinh điền, đưa đồng bào dân tộc trở về căn cứ. Nhiều cán bộ Văn phòng khi ấy chỉ mới 17, đôi mươi, chưa biết yêu là gì nhưng đã sẵn sàng hy sinh. Có người đi công tác rồi không trở lại. Có người mang thương tật đến cuối đời. Toàn Văn phòng có gần 80 liệt sĩ, trong đó có 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang: Lê Văn Bảng và Nguyễn Hội. Hàng chục bà mẹ của họ được tôn vinh là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Tiếp nối truyền thống trong thời bình

Sau ngày giải phóng, nhiều cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy được Đảng phân công đảm nhận các vị trí quan trọng: Từ huyện, thị đến sở, ngành, có người làm chuyên gia quốc tế tại Campuchia, có người đi công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Dù ở bất kỳ vị trí nào, họ vẫn tiếp tục cống hiến: Có người làm công tác xã hội, hội cựu chiến binh, hội khuyến học, hội từ thiện… Có người tuổi cao sức yếu vẫn là đảng viên mẫu mực ở tổ dân phố, chi bộ, thôn xóm, làm trụ cột phong trào quần chúng ở cơ sở. Hơn 80 liệt sĩ đã ngã xuống trong kháng chiến và từ ngày đất nước thống nhất đến nay, thêm hơn 55 đồng chí cán bộ Văn phòng năm xưa cũng đã từ trần, nhiều người trong số đó từng góp công tìm lại khu căn cứ Sa Lôn lịch sử – nhưng nay không còn dịp trở lại. Nhắc tên họ là để nhắc đến một thế hệ “ăn lá bép, uống nước suối, nằm đất rừng” nhưng chưa bao giờ lùi bước. Là để tri ân, để thắp sáng ký ức, làm ngọn đèn dẫn đường cho hôm nay và mai sau.

Dù không ở tuyến đầu chiến đấu, Văn phòng Tỉnh ủy vẫn là “bệ phóng” cho những quyết sách quan trọng, là nơi gìn giữ mạch máu chỉ đạo, là nơi hội tụ tinh thần gan dạ, trí tuệ và nghĩa tình của cả một thế hệ. Giữa thời đại mới, khi đất nước chuyển mình mạnh mẽ, thì những giá trị truyền thống ấy vẫn là cội nguồn sức mạnh.

THU HÀ - VIỆT HÙNG

Related articles
Căn cứ Tỉnh ủy Bình Tuy – Dấu ấn lịch sử trong kháng chiến chống đế quốc
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, ác liệt, sự ra đời và hoạt động của Tỉnh ủy Bình Tuy là một minh chứng sống động cho tinh thần kiên cường, ý chí quật cường của Đảng bộ, quân và dân Bình Thuận. Căn cứ Tỉnh ủy Bình Tuy không chỉ là nơi ghi dấu những quyết sách chiến lược trong cuộc kháng chiến mà còn là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước và truyền thống cách mạng của quê hương Bình Thuận.

(0) Comments
Focus
Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận – Dấu ấn một thời hoa lửa
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bình Thuận là một trong những địa phương anh dũng, kiên cường, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cách mạng miền Nam. Trên mảnh đất Sa Lôn – nơi từng là căn cứ địa quan trọng của Tỉnh ủy Bình Thuận – đã ghi dấu bao chiến công oanh liệt, sự hy sinh cao cả và những quyết sách lịch sử của một thời “gan không núng, chí không mòn”.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận – Dấu ấn một thời hoa lửa