Dấu ấn làng biển
Nếu đình làng là nơi thờ tự Thần hoàng bổn cảnh và các vị tiền hiền, hậu hiền có công với làng, thì dinh vạn là nơi thờ Thần Nam Hải phò trợ nghề biển. Trải qua hàng trăm năm với bao biến đổi, thăng trầm, nhưng những ngôi vạn vẫn hiện hữu như một chứng tích sinh động cho bề dày văn hóa lịch sử.


Không biết tự bao giờ, những câu chuyện ly kỳ về ngư dân gặp nạn trên biển được cá voi cứu giúp cứ lan truyền trong dân gian. Cũng từ rất lâu, ngư dân các làng chài ven biển luôn tin rằng, cá voi - thần Nam Hải sẽ giúp đỡ và phù hộ cho họ luôn bình an, tôm, cá đầy khoang trong mỗi chuyến vươn khơi. Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Ban quản lý Vạn Nam Nghĩa và các vị lão ngư phường Đức Thắng cũ và nay là phường Lạc Đạo tự hào: Vạn Nam Nghĩa được khởi dựng vào đời vua Thành Thái năm thứ 12 (1900) để thờ thần Nam Hải (cá voi) của cư dân vùng biển. Ngoài ra, di tích còn thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền có công trong việc quy tụ dân cư, khẩn hoang đất đai, lập làng, dựng Vạn ngày trước. Thuở sơ khai, Vạn Nam Nghĩa được tạo dựng đơn sơ bằng mái tranh vách đất để có nơi thờ phụng thần Nam Hải và sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, cầu mong cho cuộc sống nơi vùng đất mới được an cư, lạc nghiệp. Khi đời sống kinh tế của người dân đi vào ổn định và ngày càng sung túc hơn, ngư dân trong Vạn đã đồng tâm hiệp lực góp công sức và tiền của để xây dựng lại ngôi Vạn bề thế, khang trang hơn theo lối kiến trúc dân gian truyền thống.


Trải qua những thăng trầm lịch sử, sự tác động của thiên nhiên nhưng đến nay Vạn Nam Nghĩa vẫn còn bảo lưu các giá trị như thuở mới tạo lập ban đầu, từ kiểu dáng, kết cấu, vật liệu kiến trúc, chức năng thờ phụng và tổ chức các lễ nghi, lễ hội theo tập tục truyền thống. Bên cạnh đó, di tích lưu giữ nhiều hiện vật quý gắn liền với quá trình tạo lập và tồn tại của Vạn, tiêu biểu là các bao lam, khám thờ, hương án, đại hồng chung, chiêng, trống, chân đèn, lư hương, đặc biệt là các tư liệu Hán Nôm như xà cò, câu đối, hoành phi, bài vị… chứa đựng giá trị về lịch sử, văn hóa về vùng đất và con người nơi đây.
Hàng năm tại Vạn Nam Nghĩa diễn ra 2 kỳ tế lễ chính: Lễ hội Cầu ngư chính mùa được tổ chức vào ngày 19 - 20 tháng 6 âm lịch và Lễ hội Cầu ngư mãn mùa vào ngày 19 - 20 tháng 8 âm lịch.


Giữ gìn văn hóa ngư phủ
Thờ cúng thần Nam Hải khởi nguồn từ tục thờ cá của người Việt và được củng cố dưới triều nhà Nguyễn. Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm: Đối với ngư dân, biển là nguồn sống. Bởi vậy, trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng luôn gắn liền với biển. Việc phụng thờ, tổ chức Lễ hội Cầu ngư hàng năm tại Vạn Nam Nghĩa góp phần lưu giữ các giá trị văn hóa với nhiều nghi thức và nghệ thuật diễn xướng dân gian của cư dân vùng biển, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của ngư dân địa phương từ bao đời nay. Thông qua việc gìn giữ, thực hành các nghi lễ trong lễ hội, các thế hệ tiếp nối biết trân trọng, gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp mà ông cha ngày trước đã dày công vun đắp.


Khi hay tin Vạn Nam Nghĩa được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh, ngư dân địa phương rất vui mừng. Ông Nguyễn Văn Mười (khu phố 7, phường Lạc Đạo) chia sẻ: Sự kiện này khẳng định giá trị lưu giữ tín ngưỡng dân gian mang nét đẹp văn hóa của ngư dân, thể hiện ý thức đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền có công lập nghề, lập làng trên mảnh đất này. Đây cũng là lời nhắc nhở thế hệ con cháu phải biết bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị tinh thần của cha ông ta thuở trước.
Như vậy trong số 9 di tích lịch sử văn hóa của TP. Phan Thiết được công nhận di tích cấp tỉnh thì có 2 vạn nghề cá của ngư dân làng chài. Riêng Vạn Thủy Tú (Ðức Thắng) đã được công nhận di tích cấp quốc gia. Điều đó cho thấy ngư dân luôn có ý thức giữ gìn tôn tạo các tín ngưỡng gắn với biển. Cùng với Vạn Thạch Long (Mũi Né), Vạn Nam Nghĩa không chỉ thể hiện nét văn hóa dân gian đặc sắc, mang tính địa phương mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc.
Ông Nguyễn Nam Long - Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết mong rằng bà con ngư dân tiếp tục đầu tư, giữ gìn để di tích xứng tầm với bằng xếp hạng. Đồng thời huy động các nguồn lực để tôn tạo vạn ngày càng khang trang, đảm bảo an ninh, an toàn.