Vấn đề tài chính, bồi thường đất được nhiều người dân quan tâm

18/05/2023, 05:51

Trong đợt góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, nội dung tài chính về đất đai đã được hơn 1,3 triệu ý kiến cá nhân, tổ chức trong cả nước đóng góp; tương tự hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nhận hơn 1 triệu ý kiến. Nhiều đại biểu sở, ngành, lãnh đạo UBND cấp huyện, Phòng TN&MT đã quan tâm, chia sẻ 2 nội dung trên, qua hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức trong tuần này.

Giao đơn vị tư vấn định giá đất

Tại Điểm c Khoản 1 Điều 153 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định một trong các nguyên tắc xác định giá đất là: Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường quyền sử dụng đất (SDĐ) trong điều kiện bình thường. Khoản 2 Điều 153 nêu: “Giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường được xác định bằng bình quân của các mức giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng trên thị trường xuất hiện với tần suất nhiều nhất thông qua thống kê tại một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định, không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác”.

img_3337.jpg
 Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông: "Tài chính, bồi thường đất được nhiều người dân quan tâm trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi".

Thực trạng không chỉ tỉnh ta mà còn các tỉnh khác, không ít hợp đồng chuyển nhượng quyền SDĐ, người kê khai nộp thuế thu nhập từ chuyển quyền SDĐ đều thấp hơn nhiều so với giá chuyển nhượng thực tế. Giá kê khai nộp thuế thu nhập từ chuyển quyền SDĐ chỉ bằng hoặc cao hơn một chút so với bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành (bảng giá đất này chủ yếu để người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước, như thuế đất…). Đây là yếu tố góp phần thất thu ngân sách, khi các bên thực hiện chuyển nhượng đất đai. Nhiều năm nay, giá đất UBND cấp tỉnh ban hành cũng thấp hơn nhiều so với giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng trên thị trường.

img_3335.jpg
 Đại diện Cục thuế tỉnh góp ý về bồi thường, tính tiền thuê đất.

Đại diện lãnh đạo một số huyện đề xuất: “Kiến nghị Quốc hội khóa XV xem xét sửa đổi mức thu thuế thu nhập từ chuyển quyền SDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân làm sao vừa đảm bảo nguồn thu của ngân sách nhà nước, vừa phù hợp thực tiễn để hộ gia đình, cá nhân có thu nhập từ chuyển quyền SDĐ, kê khai nộp thuế đúng với giá đất đã chuyển nhượng trên thị trường”. Có như vậy, nguyên tắc định giá đất tại Điều 153 dự thảo Luật Đất đai ban hành mới có tính khả thi. Khi đó các đơn vị tư vấn định giá đất mới có thể thu thập được các mức giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng trên thị trường một cách chính thống từ cơ quan thuế, văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện, tỉnh.

“Để đưa bảng giá đất sát với giá thị trường cần cho phép thành lập cơ quan định giá đất độc lập, hỗ trợ xây dựng bảng giá đất, thẩm định lại kết quả xác định giá đất, điều chỉnh khi có biến động. Như vậy, giá đất mới bảo đảm được tính độc lập về chuyên môn, tính trung thực khách quan, bảo đảm giá đất phù hợp thị trường. Đây là cơ sở tính giá bồi thường khi thu hồi đất, tính tiền thuê đất đối với các chủ dự án UBND tỉnh cho thuê đất dài hạn”, đại diện Cục Thuế Bình Thuận cho hay.

Xem xét bồi thường về đất

Trong khi đó, ông Trần Hữu Minh Tùng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho rằng: “Điều 86: Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, thể hiện tại Khoản 2 việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Hiện nay, việc bồi thường bằng đất này chưa có hướng dẫn cụ thể, do đó đề nghị trong dự thảo hoặc trong nghị định hướng dẫn sau này phải có quy định chi tiết để áp dụng theo đúng nguyên tắc này. Chúng tôi đề nghị dự thảo Luật cần đưa ra tiêu chí như thế nào là “nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền” để áp dụng cho thống nhất, tránh tình trạng người dân cho rằng Nhà nước có đất nhưng không chịu bồi thường bằng đất hoặc ngược lại người dân không cần nhận đất mà chỉ cần nhận tiền thì áp dụng như thế nào cho đúng”.

Liên quan về bồi thường đất, ông Tùng nói thêm: “Chúng tôi đề nghị dự thảo Luật xem xét nếu dự án lớn, số lượng người phải tái định cư nhiều thì phù hợp, nhưng nếu quá cứng nhắc đối với dự án không có nhiều người cần nhận đất thì cần phải có quy định 1 chính sách hỗ trợ thêm cho phù hợp để khuyến khích người dân nhận tiền. Quy định này sẽ giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan chức năng, tạo sự thông thoáng, nhiều sự lựa chọn, sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án, đưa đất vào sử dụng”. Ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: “Chúng tôi sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp dự thảo Luật Đất đai sửa đổi để trình Quốc hội khóa XV xem xét kỳ họp tới”.

T. KHOA

Related articles
Mở rộng thị trường tiêu thụ cho thanh long Bình Thuận
Thanh long Bình Thuận được xem là sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong lẫn ngoài nước. Tuy nhiên gần đây, tình hình xuất khẩu hàng hóa của địa phương, trong đó có nhóm hàng nông sản (chủ lực là trái thanh long) cũng gặp không ít khó khăn. Vì vậy địa phương sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long với dự báo đạt sản lượng khoảng 663.000 tấn trong năm 2023.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vấn đề tài chính, bồi thường đất được nhiều người dân quan tâm