Ưu tiên xây dựng hồ La Ngà 3: Không chỉ giải đúng bài toán “chi phí cơ hội”

02/11/2021, 06:48

Bài 3: Vì sao hồ La Ngà 3 là duy nhất và cấp thiết?

Bài 4: 3 tác động - 7 hiệu ích

 BT- Dù mất một số diện tích đất rừng, di dời dân xã La Ngâu, suy giảm dòng chảy… nhưng so với lợi ích lâu dài, bền vững mà hồ La Ngà 3 mang lại về kinh tế - xã hội cho 3 tỉnh trong nhiều thập niên tới là không đáng kể, nhất là những hạn chế trên được dự đoán trước cùng giải pháp kèm theo.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong khảo sát tại điểm dự kiến xây dựng khu tái định cư của Dự án hồ La Ngà 3.

Giảm thiểu tác động

Như bất cứ dự án nào, hồ chứa nước La Ngà 3 khi triển khai cũng tạo ra những tác động xung quanh, chỉ khác ở mức độ lớn hơn, phạm vi ảnh hưởng rộng hơn, do đây là cuộc chuyển nước giữa 2 lưu vực sông La Ngà và sông Đồng Nai. Tại nơi xây công trình đầu mối, hệ thống kênh bao… sẽ làm ngập 1.970 ha chủ yếu là đất nông nghiệp, một phần đất rừng thuộc 3 xã La Ngâu, Đồng Kho, Đức Bình thuộc huyện Tánh Linh, một ít thuộc xã La Dạ của huyện Hàm Thuận Bắc, xã Mỹ Thạnh của huyện Hàm Thuận Nam. Có khoảng 600 hộ với khoảng 2.700 người ở 3 thôn xã La Ngâu là phải di dời…

Tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do Tư vấn HEC.2 lập xong năm 2020 đã tính phương án di dời dân xã La Ngâu đến 2 địa điểm đều thuộc địa bàn xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc. Nhưng khu vực Đan Quách nằm về phía nam xã La Dạ, giáp ranh với xã La Ngâu dọc theo quốc lộ 55, cách nơi ở cũ khoảng 4 - 5 km được  chọn là phù hợp nhất làm khu tái định cư, định canh gồm 3 thôn cho bà con người K’ho.

Theo đó, khu tái định cư sẽ được đầu tư hệ thống giao thông với 4 trục đường bằng bê tông nối với tỉnh lộ 22 và nội bộ với tổng chiều dài đường 13.5 km. Với hệ thống điện, hiện đã có đường dây 35 KV chạy qua nên sẽ đầu tư 4 km đường dây 35 kV; 2,5 km đường dây 0,4 KV,  3 trạm biến áp công suất 250 KVA. Riêng nước sinh hoạt, sẽ bố trí một nhà máy nước tập trung cấp cho toàn bộ dân cư. Đồng thời cũng đầu tư đồng bộ khu trung tâm xã theo tiêu chuẩn xã nông thôn mới, trong đó mỗi thôn sẽ xây dựng 1 nhà văn hóa, 1 khu tâm linh.

Còn các hộ dân được cấp đất ở trung bình 400m2/hộ cùng 600m2 đất vườn liền kề (không san ủi) để làm chuồng trại chăn nuôi, trồng rau màu, cây bóng mát… Bên cạnh, mỗi hộ được cấp bình quân 1.09ha đất nông nghiệp với tổng diện tích 845,26 ha cùng với đất lâm nghiệp gần 7.400 ha. Vì chỉ cách nơi ở cũ 4-5 km, vì xã La Dạ, Hàm Thuận Bắc cũng là xã miền núi nên điều kiện sinh hoạt lẫn sản xuất nông nghiệp có sự tương đồng, do đó chuyện hy vọng nơi ở mới sẽ hơn hoặc bằng nơi cũ có cơ sở.

Đó là hướng giải quyết với tác động từ hạ du sông La Ngà, còn với hạ du sông Đồng Nai, theo tính toán đến năm 2030 xâm nhập mặn vào sâu hơn so với trung bình hiện trạng xa nhất là 2,1km. Tuy nhiên, không ảnh hưởng gì đến các vị trí cấp nước trên sông Đồng Nai, Sài Gòn. Trong khi đó, tác động của chuyển nước hồ La Ngà 3 sẽ làm giảm khoảng 6,25 triệu KWh của thủy điện Trị An mỗi năm, tương đương 0,37% sản lượng điện.

Để giảm thiểu con số trên, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đưa ra  3 giải pháp để tăng lượng nước bổ sung về cho hồ Trị An.  Đó là phát triển diện tích rừng đầu nguồn, với tỷ lệ che phủ rừng vùng Tây Nguyên là 49,2% thì dòng chảy kiệt sẽ tăng thêm từ 1 - 1,5%. Đồng thời, áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước đạt 20% thì có thể tiết kiệm được từ 150 - 200 triệu m3 nước tưới nữa. Đây là điều không khó thực hiện, vì vùng nam Bình Thuận bao năm nay vốn thiếu nước nên người dân đã áp dụng nhiều cách tiết kiệm nước trong sản xuất. Ngoài ra, còn nhờ vào việc phối hợp quy trình vận hành liên hồ chứa nhằm giảm lượng xả thừa trong mùa lũ, tăng điện lượng và dòng chảy mùa kiệt sau đập. Trường hợp hạn hán vượt tần suất thiết kế thì cần chủ động cắt giảm diện tích cấp nước tưới của hồ La Ngà 3 nhằm hỗ trợ xả đẩy mặn cho hạ du sông Đồng Nai. 

Những con số biết nói

Trong khi thủy điện Trị An có chịu tác động theo hướng suy giảm lượng nước thì Tổ hợp nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi được hưởng lợi vượt trội khi hồ La Ngà 3 hình thành. Vì lúc này, chức năng điều tiết nước về hạ du sông La Ngà và về hồ Trị An sẽ do hồ La Ngà 3 đảm nhiệm nên Tổ hợp nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi sẽ được vận hành với mục tiêu tối đa hóa lượng điện phát ra, tức chạy phủ đỉnh trong biểu đồ phát điện của hệ thống. Qua đó, còn được hưởng mức giá điện cao hơn nhờ mua bán điện tự do với giá điện theo thị trường nên được hưởng lợi ích phát điện tăng khoảng 74,23 tỷ đồng/năm. Ở khía cạnh khác, chính sự xuất hiện của hồ La Ngà 3 sẽ có thể xây dựng thêm 2 nhà máy thủy điện La Ngà 3, thủy điện Ka Pét tạo lợi ích phát điện hàng năm là 155,4 tỷ đồng. Đồng thời có thể tận dụng cả 1.000 ha mặt nước hồ phát triển điện năng lượng mặt trời với điện lượng hàng trăm triệu KWh/năm.

Hồ thủy điện Hàm Thuận. Ảnh: Ngọc Lân

Đáng chú ý hơn, đó là hiệu ích gia tăng về nông nghiệp, song song với khắc phục vấn đề hạn hán trong khu vực, khi có hơn 77.600 ha đất sản xuất được tưới từ hồ La Ngà 3, tạo ra tổng lợi nhuận gia tăng được 1.819,8 tỷ đồng/năm. Bên cạnh, với nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt và công nghiệp 600.000 m3/ngày tương đương với 219 triệu m3 nước mỗi năm, phục vụ cho khoảng 1,5 triệu dân đô thị, hồ La Ngà 3 tạo ra hiệu ích cấp nước với 394 tỷ đồng/năm. Chưa hết, từ khu vực hồ chứa nước với diện tích khoảng 400 ha phù hợp để nuôi trồng thủy sản nước ngọt sẽ có con số ước tính thu về đến 51,2 tỷ đồng/năm.

Song song với hiệu ích này là hiệu ích gia tăng về du lịch, với con số tính toán trong điều kiện chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế, hồ La Ngà 3 tạo ra giá trị  285,5 tỷ đồng cho phát triển du lịch. Riêng về hiệu ích gia tăng về môi trường thì khó định lượng được nhưng ai cũng có thể hình dung với lượng nước dồi dào quanh năm, thảm thực vật xung quanh vùng hồ được cải thiện, góp phần cải thiện tiểu vùng khí hậu, tạo cảnh quan đẹp cho du lịch nghỉ mát và nuôi trồng thủy sản. Và hơn thế, hồ La Ngà 3 còn có 1 hiệu ích khác khó có thể đong đếm hết là cắt giảm lũ cho vùng hạ du, tạo môi trường tốt, an toàn trong sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Thủy lợi 7 thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, nhận định trong 8 tỉnh, thành từ Đà Nẵng vào Bình Thuận mà đơn vị quản lý thì chỉ còn Bình Thuận vẫn còn tình trạng khô hạn. Trong khi phía Bắc tỉnh vốn có tiếng hạn gay gắt thì giờ đã giải hạn nhờ có hồ Sông Lũy, còn phía nam tỉnh thì đang trông chờ hồ La Ngà 3 mới mong bứt phá phát triển. Đây là hồ thủy lợi lớn nhất nhì trong vùng Đông Nam bộ nên khi hình thành, không chỉ vùng nam Bình Thuận mà một số huyện, thị ở 2 tỉnh khác là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được hưởng lợi.

Hệ thống công trình quy hoạch thuộc hệ thống hồ La Ngà 3 bao gồm 65 công trình, trong đó: 16 hồ chứa, 2 đập dâng, 5 trạm bơm, 1 công trình Tuynel, 1 đường ống dẫn nước, 13 tuyến kênh chuyển nước (chưa bao gồm kênh Biển Lạc - Hàm Tân) và 27 kênh tưới mới. Tổng kinh phí dự án là 5.781 tỷ đồng được cân đối từ vốn ngân sách nhà nước giai đoạn sau năm 2020 (ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA), vốn chương trình mục tiêu và các nguồn vốn.

Bích Nghị


Related articles

(0) Comments
Focus
Binh Thuan: Speciality of the Cham Cuisine brought into Tourism services
BTO - The Cham community in Binh Thuan boasts a distinctive culinary culture, especially the cuisine featured in their festivals besides their cultural heritage, which encompasses both tangible and intangible culture. The food served during Cham festivals is not about luxurious and expensive dishes; rather, it reflects simplicity and rustic charm.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ưu tiên xây dựng hồ La Ngà 3: Không chỉ giải đúng bài toán “chi phí cơ hội”