Ứng phó, khắc phục các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh

22/06/2023, 05:42

Như chúng ta đã biết, tình hình thiên tai, sự cố diễn biến bất thường xảy ra trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh không theo quy luật, rất phức tạp và ngày càng cực đoan trước sự tác động của biến đổi khí hậu gây nhiều thiệt hại, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đã được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện đạt kết quả quan trọng, tuy nhiên, tình hình mưa bão hiện nay còn diễn biến bất thường, một số đoạn bờ biển, đường giao thông bị sạt lở, một số địa bàn có nguy cơ ngập lụt khi mưa lớn… đòi hỏi phải có phương án xử lý, ứng phó.

dsc_8377.jpg
Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý. Ảnh: Đ.Hòa

Thiên tai, hạn hán thường xuyên xảy ra

Tỉnh Bình Thuận chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết diễn biến phức tạp cùng với sự khác thường của các loại hình thiên tai khác như: Hạn hán, nhiệt độ tăng, lượng mưa thay đổi, lốc xoáy, mưa đá, lũ. Bên cạnh đó còn bị ảnh hưởng của sóng biển xâm thực và thay đổi dòng chảy của các con sông làm sạt lở nghiêm trọng bờ biển và bờ sông, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, đời sống của người dân và gây thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Các loại thiên tai bao gồm: áp thấp nhiệt đới, bão, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn, sạt lở, sụt lún do mưa lũ, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, lụt, nước dâng, lũ quét… Mùa mưa bão năm trước trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa to kèm gió lốc xoáy, sét đánh ở huyện Đức Linh và Tánh Linh, làm chết người, tốc mái nhà cửa, sản xuất nông nghiệp bị đình trệ. Bên cạnh đó còn xảy ra mưa lớn làm sạt lở đất cát tại 2 xã Hồng Phong và Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, gây ách tắc giao thông tuyến đường ĐT 716, xảy ra mưa to gây ngập úng nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc, sạt lở đất đá gây ách tắc giao thông tuyến quốc lộ 28B Lương Sơn - Đại Ninh. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Tánh Linh còn xảy ra mưa to, làm ngập lụt 50 căn nhà tại xã Bắc Ruộng, tốc mái 4 công trình phụ, làm ngập hơn 370 ha sản xuất nông nghiệp, sạt lở gây hư hỏng nhiều công trình cơ sở hạ tầng. Theo thống kê, trong năm 2022, toàn tỉnh có 4 người chết do thiên tai, hơn 200 căn nhà bị ngập, sập, tốc mái, hư hỏng, gần 4.500 ha diện tích nông nghiệp bị thiệt hại… Tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh trên 33,48 tỷ đồng. Ngay đầu mùa mưa bão năm nay, do ảnh hưởng của thiên tai sét đánh chết 1 người ở huyện Hàm Thuận Bắc, 5 nhà bị tốc mái, hư hỏng do mưa kèm theo dông, lốc xoáy.

Chủ động ứng phó

Thời gian qua, các cấp chính quyền trong tỉnh đã theo dõi sát tình hình, tập trung chỉ đạo quyết liệt, trách nhiệm, triển khai các biện pháp phòng thủ dân sự, ứng phó, khắc phục các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh kịp thời. Các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng quân đội, công an, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên trách, kiêm nhiệm đã phối hợp triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn. Đã huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện tham gia ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn. Qua đó đã góp phần giảm thiểu thiệt hại, nhất là thiệt hại về người, không để người dân bị thiếu đói, khát, bùng phát dịch bệnh, đồng thời nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống sau thiên tai, dịch bệnh. Ở các địa phương đã vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp tiêu úng khi có mưa lớn kéo dài cho các loại cây trồng lâu năm và cây trồng ngắn ngày. Đồng thời cảnh báo cho nhân dân biết các vùng, khu vực ở vùng hạ du hồ chứa thường xuyên bị ngập lụt khi xả lũ để chủ động phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng do ngập lụt. Song song, thực hiện phương án di dời người, tài sản 2 bên tuyến thoát lũ ở hạ du hồ chứa nhằm bảo đảm an toàn khi thực hiện kế hoạch điều tiết nước qua tràn. Các địa phương còn chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa dông kèm lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh, huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống…

Để tiếp tục chủ động ứng phó, khắc phục các thảm họa, sự cố, thiên tai trong mùa mưa bão năm nay đòi hỏi các ngành, địa phương tiếp tục chủ động dự báo, tình hình biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai bất thường. Cần tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác phòng thủ dân sự. Phát huy vai trò, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và nhân dân trong ứng phó, khắc phục các thảm họa, sự cố, thiên tai. Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tham mưu, đáp ứng yêu cầu ứng phó kịp thời, chính xác, hiệu quả…

PHAN LIÊN

Related articles

Kiểm tra, đánh giá Đề án “Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và Chi hội trưởng Phụ nữ ”
Chiều 20/6, Đoàn công tác Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam do bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó Ban Tổ chức Trung ương Hội LHPN Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Hội LHPN tỉnh về kiểm tra đánh giá việc tổ chức thực hiện Đề án “Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và Chi hội trưởng Phụ nữ giai đoạn 2019 - 2025” tại tỉnh Bình Thuận (gọi tắt đề án).

(0) Comments
Focus
Cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi để tạo động lực cho người lao động
BTO-Sáng nay 23/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tham gia ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Luật; đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng phó, khắc phục các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh