Nhiều lĩnh vực khởi sắc
Năm 2024 năm gần cuối của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện (khóa IX), nhiệm kỳ 2020-2025, năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện, phấn đấu hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2020 - 2025. Nhìn lại có thể khẳng định rằng nền kinh tế của huyện duy trì tăng trưởng khá; thu nhập bình quân đầu người đạt 59,5 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 7 triệu đồng so với năm 2023; thu ngân sách nhà nước đã cán mốc 355 tỷ đồng, đạt 105,3% dự toán tỉnh giao và đạt 102,9% so với dự toán huyện giao (345.000 triệu đồng), tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm khởi khắc, đó là thương mại, dịch vụ phục hồi và có bước tăng trưởng tích cực, nhất là du lịch khi thu hút trên 1.650 lượt khách đến huyện, tăng hơn 13% và doanh thu từ dịch vụ du lịch tăng so với cùng kỳ năm 2023. Khác với trước đây, giờ du lịch Tuy Phong đã từng bước khai thác theo chiều sâu khi đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người Tuy Phong, trong đó tuyến đường tuyệt đẹp Tà Năng - Phan Dũng và thác Yavly đã trở thành những địa chỉ thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch, mở ra nhiều triển vọng mới cho vùng đất đại ngàn; cùng với đó Tuy Phong cũng phát huy sản phẩm nông nghiệp OCOP như vườn nho, táo… phục vụ phát triển du lịch.
Sản xuất nông nghiệp chuyển biến tích cực, đặc biệt là trồng trọt và chăn nuôi, chú trọng thực hiện phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao, trong đó diện tích gieo trồng 5.464 ha lúa, sản lượng đạt 35.726 tấn. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ khoa học như tưới phun, tưới nhỏ giọt, nhà lưới để nâng cao năng suất cây trồng và mang lại hiệu quả kinh tế; cùng với đó là các hợp tác xã nông nghiệp tích cực tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp từ việc cung cấp vật tư, phân bón, kỹ thuật công nghệ cao đến thu mua, tiêu thụ sản phẩm… tiếp tục đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững, là trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Lĩnh vực thủy sản giữ vững ổn định, tàu thuyền được tăng cường quản lý, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU; sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 60.000 tấn, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm 2023, riêng tôm giống đạt 22,5 tỷ post.
Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư trọng tâm, trọng điểm, nhất là các công trình giao thông kết nối vùng, liên vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đã giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% được tỉnh giao. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường có bước chuyển biến tích cực. Trong năm, huyện đã tập trung thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trong đó triển khai vốn xây dựng nông thôn mới trên 13,083 tỷ đồng, đạt 155 tiêu chí ở 9 xã xây dựng nông thôn mới. Điều đáng mừng là hạ tầng, thu nhập và đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ở nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới ngày càng khởi sắc hơn. Huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tuyên truyền cho người dân nắm được các nội dung của 3 chương trình MTQG; tuyên truyền về nội dung, cách triển khai 3 chương trình MTQG đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân; lựa chọn xây dựng các mô hình kinh tế giảm nghèo bền vững, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo giúp đỡ vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn huyện; giải quyết việc làm mới cho 2.200 lao động, đạt 110% chỉ tiêu năm 2024. Chất lượng giáo dục, đào tạo nâng lên, các chỉ tiêu về tuyển sinh, xây dựng trường đạt chuẩn... đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Nền tảng cho giai đoạn tiếp theo
Nếu như trước đây, công tác cải cách hành chính còn có những tồn tại thì năm 2024, Tuy Phong đã tập trung khắc phục, triển khai thực hiện 49/49 nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch được phê duyệt, tổng hồ sơ tiếp nhận 30.177, giải quyết đạt 95,58%; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và cải thiện các chỉ số PAR INDER, SIPAS, PAPI, PCI, duy trì ổn định việc giải quyết hồ sơ hành chính theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích; mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đạt 100%. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện tốt hơn. Các nhiệm vụ quốc phòng-an ninh được tăng cường, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, Tuy Phong cũng chú trọng xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong năm, các cấp ủy đã dành nhiều công sức củng cố, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, phát triển đảng viên; tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm…
Từ những kết quả đã đạt được trong năm 2024, là minh chứng trong việc khẳng định vai trò lãnh đạo của các tổ chức, sự đoàn kết, thống nhất cao giữa Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể chính trị với các tầng lớp nhân dân, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, xây dựng huyện ngày càng phát triển về mọi mặt. Đặc biệt, những thành tựu đó đã củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh, chỉ đạo của Đảng, chính quyền huyện trên con đường phát triển, là nền tảng và điều kiện quan trọng để huyện tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2025 - 2030 trong năm 2025.