Còn sức là còn làm

08/01/2025, 07:22

Vừa bước chân vào chợ, chị Lan (người bán hàng la gim) kéo tôi lại ra vẻ bí mật lắm. Chị nói cho em nghe chuyện này, có gì em bỏ qua cho chị nha. “Em về theo dõi bà (mẹ tôi), hình như bà bị bệnh hay sao á. Khoảng 1 giờ trưa, chị đi bán hàng về mà vẫn còn thấy bà đạp xe lòng vòng khắp xóm. Chỉ sợ bà đi lạc thì khổ”.

me-ninh-1-.jpg

Ở tuổi “xưa nay hiếm”

Tôi nói bà đi công việc đấy chị ạ. Sáng nay, em cũng đã cản không muốn cho đi vì thấy mẹ em cứ đạp xe mãi miết trên đường nên cũng lo lắm. Em nói, bây giờ có zalo, mẹ cứ gửi tin nhắn qua đó thông báo cho họ biết, chứ ai già rồi còn đạp xe lọc cọc xuống hết khu phố này đến khu phố kia, đi hết nhà này đến nhà khác.

Thế nhưng mẹ em không nghe. Bà nói, người ta già, lớn tuổi cả rồi, có ai biết zalo za liếc gì đâu mà nhắn. Đến tận nhà còn động viên họ đi khám được. Nhắn tin họ không biết mà bỏ lỡ cơ hội khám bệnh miễn phí thì uổng lắm. Chị nhìn tôi có vẻ nghi ngại, rồi chị nói: “Thì chị thấy bà cao tuổi rồi mà ngày nào cũng đạp xe trên đường như vậy, cứ ngỡ bà bị lẫn không à”. Hồ sơ ghi mẹ sinh năm 1947 (năm nay đã 77 tuổi) nhưng tuổi thật của mẹ lại sắp bước vào tuổi 80. Trước đây, bà ngoại kể rằng: “Năm 1945, cái năm Ất Dậu ấy, mẹ mi đã được 2 tuổi rồi. Tao còn nhớ, năm đó đói lắm, trong nhà không có lấy một hạt gạo, chỉ thường xuyên ăn củ chuối, cọng rau khoai ngoài vườn để cầm hơi.

Ngày mẹ mi bị bệnh, không có gì để ăn, cứ khóc nhèo nhèo cả ngày như con mèo hen. Thương con, tao phải qua nhà ông địa chủ ở đầu làng, xin giỗ cái cối xay kiếm được nắm gạo về nấu cháo cho mẹ mi ăn. Vì đi học trễ, nên tao khai sinh cho mẹ mi muộn tới 2 năm để bằng mấy đứa bạn trong lớp”.

Vào cái tuổi mà Bác Hồ từng nói “xưa nay hiếm” nhưng mẹ tôi vẫn đảm đương tới 2 trọng trách được phường giao. Đó là, Chủ nhiệm “Câu lạc bộ hưu trí” của phường Tân An, thị xã La Gi và Chi hội trưởng “Người cao tuổi” khu phố 8 của phường.

Nhiều người còn nói: “Nhất bà rồi đây! Có phải ai cũng được làm đâu? Phải tin tưởng lắm mới được cấp trên giao cho trọng trách”. Ai chẳng biết đó chỉ là câu nói đùa nhưng thấy mẹ cũng vui lắm. Sự thật thì ai cũng ngầm hiểu, cả 2 vị trí ấy không có chế độ gì mà công việc cũng khá nhiều nên chẳng ai muốn làm. Đã có không ít người được giao nhiệm vụ nhưng cũng đã tìm mọi cách từ chối khéo. Không ít lần, mẹ tôi cũng nói: “Nếu mà có lương hay một chút chế độ bồi dưỡng thì cũng chẳng đến lượt tôi. Có khi lúc đó, lại có người nói, già cả rồi còn làm được gì”.

me-ninh.jpg

Nhiệt tình với nhiệm vụ “hai không”

Năm 69 tuổi, mẹ đã được vận động nhận nhiệm vụ làm chủ nhiệm “Câu lạc bộ hưu trí” của phường (nhiệm kỳ 2014 - 2019). Một vị trí được gọi vui là “hai không” (không lương, không phụ cấp).

Câu lạc bộ hưu trí của phường lúc ấy, mới có 76 hội viên. Chỉ sau một thời gian ngắn, tổng số hội viên của “Câu lạc bộ hưu trí” đã lên đến 176 người và được phân bố vào 5 chi hội. Với vai trò là người Chủ nhiệm “Câu lạc bộ hưu trí”, bà đã tổ chức nhiều hoạt động phong trào, tạo ra sân chơi vui khỏe, bổ ích cho các hội viên một cách thiết thực.

Thấy mẹ tuổi cao nhưng ngày nào cũng phải đạp xe đi lại khá nhiều. Lúc thì lên phường báo cáo, khi đi liên hệ công việc, hay lấy giấy mời. Lúc lại về các khu phố để kết nạp hội viên, thu hội phí, vận động quyên góp, rồi đi thăm hỏi hội viên bị bệnh tật, ốm đau, hoặc qua đời. Chị em tôi đã động viên (thậm chí còn bắt ép): “Làm hết nhiệm kỳ này, mẹ phải xin nghỉ đi. Mẹ chỉ ở nhà xem phim, đọc sách cho khỏe chứ đi suốt ngày trên chiếc xe đạp, vừa mệt lại rất nguy hiểm. Tụi con sao yên tâm được”.

Thế nhưng, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời: “Còn sức thì còn làm, mẹ làm cho vui, cho khỏe. Ở nhà buồn khéo lại mệt hơn. Bao nhiêu người bằng tuổi mẹ, muốn được đi làm mà có được đâu? Sức khỏe họ yếu đang phải nằm một chỗ kia kìa. Mình may mắn, trời cho có sức khỏe thì cống hiến chút đỉnh vì cộng đồng cũng vui mà”.

Nói rồi, mẹ kể, khi thì đi thăm hỏi các ông bà ốm đau, bệnh tật, khi thì hiếu hỷ, tang gia, lấy chế độ nằm viện cho các hội viên, lập danh sách, thông tin để tổ chức lễ mừng thọ, hoặc đi trao quà từ thiện. Do quỹ thăm hỏi không có nhiều mà nhiều ông bà lại thường xuyên đau ốm. Mẹ tôi đã cùng một số hội viên đi vận động người thân quen ủng hộ thêm kinh phí, để thăm bệnh. Hoặc xin thêm những phần quà cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn lại sống đơn côi.

Nói về những việc làm của mẹ tôi, cô Nguyễn Thị Thanh Nga, Bí thư chi bộ khu phố 8, phường Tân An, thị xã La Gi cho biết: “Cô Nguyễn Thị Ninh phải nói là quá xuất sắc. Dù tuổi đã cao nhưng cô luôn nhiệt tình, năng nổ, trách nhiệm với công việc. Luôn là người tiên phong đứng đầu trong mọi công việc, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Cô là một người đảng viên gương mẫu”.

PHAN TUYẾT

Related articles
Dự án chăn nuôi bò sinh sản - tạo sinh kế bền vững cho người dân
Với hiệu quả của mô hình nuôi bò sinh sản mà một số dự án trước đây đã triển khai trên địa bàn tỉnh, những hộ dân tham gia dự án ở huyện Hàm Thuận Bắc sẽ có cơ hội thoát nghèo bền vững.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Còn sức là còn làm