Tuy Phong: Khai thác du lịch hiệu quả, huyện sẽ “cất cánh”

24/02/2022, 16:32

Tuy Phong vùng đất thừa nắng, gió, có rừng, có biển… nhưng đồng bằng thì hẹp, khó cho việc mở rộng sản xuất và cơ giới hóa.

tuy-phong-1-.jpg

Hiểu rõ tiềm năng, lợi thế

Theo nhận định của chính quyền địa phương: “Quy mô của nền kinh tế Tuy Phong còn nhỏ; nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ; công nghiệp chế biến chế tạo phát triển chậm”. Để khai thác tiềm năng, lợi thế, địa phương này chú ý đúng mức đến phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - du lịch trong các năm qua, bên cạnh sản xuất nông nghiệp. Trên lĩnh vực du lịch, có năm Tuy Phong xây dựng kế hoạch đón trên dưới 1 triệu du khách. Riêng năm 2021, do dịch Covid -19, ước lượng khách đến tham quan du lịch đạt 650.000 lượt người, bằng 42,76% kế hoạch, giảm 11,55% so với năm 2020.

Điều này chứng tỏ rằng: Du lịch có chỗ đứng nhất định và quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện. Theo tài liệu, Tuy Phong quanh năm có gió và ở độ cao trên 80m, luôn ở mức khoảng hơn 6m/giây, thuận lợi cho việc lắp đặt các tua-bin điện gió và các nhà máy phong điện công suất lớn. Vì vậy, cách đây 9 năm, Nhà máy Phong điện 1 ra đời tại xã Bình Thạnh. Huyện còn có chùa Cổ Thạch, làng biển Bình Thạnh, bãi đá bảy màu… và điểm cuối của cung đường trekking dài 30 km, đẹp nhất miền Trung là xã Phan Dũng, cách trung tâm huyện 40 km.

tuy-phong-4-.jpg
Định hướng đột phá của huyện Tuy Phong gắn phát triển du lịch với nông nghiệp tham quan đặc sản địa phương.

Gần đây, một điểm du lịch mới của Tuy Phong được nhắc tới trên các phương tiện thông tin đại chúng là Khu bảo tồn biển Hòn Cau, một hòn đảo được các nhà khoa học đánh giá rất cao về giá trị sinh thái, có diện tích 12.500 ha, trong đó biển chiếm 12.360 ha. Đây là nơi có 234 loài san hô, 119 loài thân mềm, 32 loài da gai kích thước lớn. Có 34 loài thủy sinh vật nằm trong danh mục quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Vùng biển Tuy Phong nói chung và khu vực đảo Hòn Cau nói riêng còn là bãi đẻ của các loài rùa biển khi đến mùa sinh sản.

Phát triển du lịch…

Trong giai đoạn 2016 – 2020, UBND huyện đã tập trung giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án du lịch; khai thác các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng ở một số khu, điểm du lịch, nhất là Khu du lịch Bình Thạnh và các tuyến đường ven biển; tạo kết nối các điểm du lịch trong huyện với các điểm khác trong tỉnh. Đến nay, đã hình thành đường ven biển, kết nối các điểm du lịch thuộc huyện là: Bình Thạnh - Chí Công - Hòa Thắng – Phan Rí Cửa…Tại các điểm này đều có tiềm năng thu hút du khách nhờ vào sự hoang sơ, môi trường bán sa mạc trong lành, thức ăn ngon và bổ dưỡng…Huyện đang tạo điều kiện thuận lợi triển khai dự án đô thị Khu du lịch Bình Thạnh, đồng thời quy hoạch khu vực biển Hòa Thắng – Phan Rí Cửa, Khu du lịch Đồi Dương Hòa Minh. Một bước đi có tính cách tạo đột phá gần đây là gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch, qua việc nâng cao chất lượng táo Tuy Phong và sản phẩm du lịch mới là du lịch, tham quan tìm hiểu vườn nho ở xã Phước Thể; du lịch tìm hiểu điện gió... Gần đây, huyện tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó có việc thực hiện đề án: “Phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau”. Tích cực tác động UBND tỉnh tạo điều kiện, cấp phép hoạt động và quản lý tốt tuyến du lịch Phan Dũng - Tà Năng.

tuy-phong-2-.jpg
tuy-phong-3-.jpg
Khu bảo tồn biển Hòn Cau - địa điểm du lịch thu hút du khách.

…và đa dạng sản phẩm    

Nhìn tổng quát, Tuy phong đã và đang đa dạng sản phẩm du lịch. Hướng tới khai thác hiệu quả ngành du lịch, tạo nên doanh thu du lịch đóng góp vào sự phát triển của huyện nhà. Ông Nguyễn Trung Trực - Chủ tịch UBND huyện Tuy nhấn mạnh: Để đi đến thành công vẫn còn nhiều gian nan, cần vượt qua. Trước mắt, nâng cao chất lượng của Ban quản lý du lịch liên ngành Khu bảo tồn Hòn Cau để thực hiện đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng. Để cộng đồng cùng chung tay, điều cần làm là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của dân về bảo tồn biển, bảo tồn rùa biển, bảo vệ môi trường biển, cũng như các tác hại, nếu việc bảo vệ không được coi trọng, mọi người không chung tay. Người dân được tham vấn, ghi nhận các ý kiến đóng góp. Đề cao sự tham gia của dân trong hoạt động bảo tồn. Xây dựng kênh thông tin trong dân để nắm bắt, thu thập dữ liệu liên quan đến bảo tồn biển. Xây dựng nhóm tình nguyện viên để tổ chức truyền thông, dọn dẹp rác thải quanh Hòn Cau. Xây dựng các chế độ cho người có công trong bảo tồn và phát triển du lịch Hòn Cau...

Với tuyến đường trekking Tà Năng - Phan Dũng, cần có sự phối hợp tổ chức giữa 2 tỉnh là Lâm Đồng và Bình Thuận. Một hệ thống tổ chức thông suốt từ đầu đến cuối và cùng chia sẻ trách nhiệm. Theo đó, Tà Năng là điểm đón khách và Phan Dũng là điểm cuối hành trình. Muốn vậy, cần có đội ngũ phục vụ giàu kinh nghiệm, kiến thức về rừng, yêu nghề… làm việc thường xuyên tại các trạm hướng dẫn trên cung đường thuộc tỉnh Bình Thuận. Tại Phan Dũng, để nâng cao doanh thu du lịch, nên tổ chức tour tham quan, tìm hiểu thác Yavly, đời sống đồng bào dân tộc Raglai. “Việc này nằm trong khả năng của huyện, nếu được sự chấp thuận về chủ trương của tỉnh, cũng như sự bàn bạc với chính quyền và người dân Phan Dũng. Và lẽ tất nhiên, người dân phải có lợi trong việc đón tiếp khách tham quan, bán nông, thổ sản do đồng bào làm ra”, ông Trực nói thêm.

Ngoài ra, muốn du lịch Tuy Phong được nhiều người biết tới, khâu quảng bá du lịch là vấn đề quan trọng. Cần xây dựng một đội ngũ giàu kinh nghiệm về quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch. Muốn vậy, phải dành ra một nguồn kinh phí cần cho quảng bá bằng nhiều hình thức trực quan, như: lồng thông tin điểm đến vào các sản phẩm văn hóa, trên các phương tiện truyền thông. Quảng bá không chỉ thực hiện trong phạm vi trong tỉnh mà còn cần ở một số nơi đông du khách đến; trên các phương tiện đi lại. Cần xác định rằng: Hiệu quả do quảng bá không đến tức thời, cần có thời gian. Đầu tư luôn đi kèm với quảng bá và khi thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, du lịch Tuy Phong sẽ “cất cánh”, doanh thu du lịch sẽ tăng.

CÁT TƯỜNG

Related articles
Phát động tuần lễ áo dài
BTO- Kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910 – 8/3/2022) và 1982 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, tiến tới chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 diễn ra vào đầu tháng 3/2022, Hội LHPN tỉnh phát động đến cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tỉnh hưởng ứng tuần lễ áo dài.

(0) Comments
Focus
Báo Bình Thuận đoạt giải cuộc thi “Tín dụng Chính sách Xã hội – Ý Đảng Lòng Dân”
BTO-Ngày 26/12, Thời báo Ngân hàng đã phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức Lễ tổng kết Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách Xã hội – Ý Đảng Lòng Dân” tại Hà Nội.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuy Phong: Khai thác du lịch hiệu quả, huyện sẽ “cất cánh”