Trữ măng chờ tết

05/11/2021, 10:34

BT- Khi những cơn mưa cuối mùa ngớt lại, nhiều người dân vùng cao huyện Hàm Thuận Bắc lại tranh thủ lên rừng hái măng rừng đợt cuối trước khi chuyển mùa khô. Năm nào cũng vậy, thời điểm này đồng bào bắt đầu phơi, trữ măng, một phần để gia đình ăn, làm quà tặng, phần còn lại bán vào dịp Tết Nguyên đán để thêm thu nhập.

Chúng tôi có dịp lên các xã vùng cao Đông Giang, La Dạ (Hàm Thuận Bắc) vào thời điểm cuối mùa mưa năm 2021. Dọc tuyến đường tỉnh lộ 714, trước những ngôi nhà đơn sơ của các hộ dân là hình ảnh những tấm tre đan trải dài bên mép đường, phơi những miếng măng tươi đã luộc chín, vàng ươm dưới nắng. Suốt mấy tháng qua, người dân địa phương vừa chăm chỉ trồng bắp, trồng lúa và chăn nuôi, vừa tranh thủ lên rừng đi hái măng. Đang vào mùa mưa, cánh rừng bao quanh xã miền núi Đông Giang, La Dạ phủ một màu xanh ngát. Mưa nhiều cũng là dịp để bà con tìm được đa dạng, dồi dào các loại măng le, tre, lồ ô đang phát triển tươi tốt ở vùng đất này.

Trong số nhiều hộ đồng bào thường vào rừng hái măng, có anh K Văn Thảo là một trong những hộ nông dân trồng bắp tại xã Đông Giang. Từ đầu mùa mưa đến nay, vào những ngày không bận việc đồng áng, anh Thảo cùng nhiều đồng bào khác vào rừng hái măng. Họ đi từ sáng sớm đến khoảng 4 giờ chiều là ra tới bìa rừng, đã có thương lái chờ sẵn để mua sản phẩm với giá 5.000 đồng/kg. Vào cao điểm mùa mưa, mỗi người sẽ thu được từ 40 - 50 kg măng tươi/ngày. Măng sau đó được các thương lái lột vỏ, luộc vàng và bỏ mối tại các địa phương lân cận, hoặc bán lại cho người dân trong xã để cắt lát phơi khô.

Có mặt tại khu vực ngã ba cây xăng, thôn 3, xã Đông Giang, chúng tôi gặp bà Tư đang tỉ mỉ lật từng lát măng để phơi cho kịp nắng. Bà Tư chia sẻ, năm nào vào dịp này gia đình cũng thu mua măng tươi của các hộ dân đi thu hoạch trên rừng về, phơi cho con cháu ăn dịp tết. Nếu có nhiều hơn sẽ bán tại sạp tạp hóa cho khách. Tuy nhiên, năm nay thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến việc phơi măng. Cứ khoảng 10 kg măng tươi mới phơi được 1 kg măng khô, ít nhất 3 – 4 nắng mới ra thành phẩm.

Bà Nguyễn Thị Tới, chủ quán tạp hóa ở gần đó cho biết, bà là người thu mua măng khô thành phẩm để bán tết. Năm nay giá măng tươi rẻ hơn năm ngoái khoảng 1.000 đồng/kg, nhưng giá bán măng khô lại cao hơn (do thời tiết ảnh hưởng đến phơi măng). Thời điểm này giá 1 kg măng khô từ 150.000 - 180.000 đồng/kg, nếu để đến dịp tết sẽ trên 200.000 đồng/kg.

Măng rừng khô là loại thực phẩm quen thuộc, khó thể thiếu của người dân trong tỉnh và địa phương khác trong cả nước. Măng khô được chế biến thành nhiều món ăn ngon, nhất là món măng kho thịt đặc trưng của người Việt trong mỗi dịp tết đến xuân về. Hiện nay, mặt hàng măng khô thường được bán tại các khu chợ, quán tạp hóa từ miền núi đến đồng bằng quanh năm. Tuy nhiên, vào mỗi dịp gần Tết Nguyên đán, nhiều người tiêu dùng phải tìm bằng được loại măng rừng có xuất xứ từ vùng cao huyện Hàm Thuận Bắc, hay huyện miền núi Tánh Linh để thưởng thức hay làm quà tặng. Bởi lẽ, đã nhiều năm qua thương hiệu và chất lượng măng rừng đến từ những vùng núi này được đánh giá thơm ngon, chất lượng và có nét đặc trưng riêng.

Còn 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2022, mùa khai thác măng rừng mùa mưa cũng chuẩn bị kết thúc. Đây là thời điểm người dân vùng cao đang tranh thủ phơi măng, trữ hàng để phục vụ thị trường dịp tết, với hy vọng thị trường mặt hàng này sẽ sôi động hơn, trước bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài. 

                             K.Hằng


Related articles

(0) Comments
Focus
Cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi để tạo động lực cho người lao động
BTO-Sáng nay 23/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tham gia ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Luật; đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trữ măng chờ tết