“Vậy thôi kết thúc cho nhanh/Một, hai, bước/Nhìn về phía trước/Một, hai, bước/Chuyện buồn ta lướt”… Tiếng nhạc sôi động kèm giọng của cậu con trai vang lên ở nhà trên khiến tôi phải dừng việc, định hình lại vài giây, rồi nhẹ nhàng đến gần, lén theo dõi. Cậu đang thực hiện theo các cử chỉ, động tác của ca sĩ và còn hát rất nhiệt tình. Tôi cố nghe xem đó có phải là giọng của ca sĩ X, ca sĩ Y mà tôi từng biết không. Nhưng hóa ra chẳng phải. Ngay cả âm nhạc, lời bài hát cũng lạ lắm. Tiết tấu nhanh, sôi động nên không biết có phải vì nghe lần đầu hay do ở xa mà chữ được chữ mất, chỉ đoạn cuối ca sĩ hát chậm lại thì rõ lời hơn. Đến mãi sau, con mới thấy bóng mẹ nép sau cánh cửa. Tiến lại gần, lân la mới biết là các ca sĩ trong chương trình “Anh trai Say Hi”, đang nổi đình đám trên truyền hình.
![tinh-dau-qua-chen.png](https://bbt.1cdn.vn/2025/02/06/tinh-dau-qua-chen.png)
Xã hội hiện đại và sự bùng nổ của mạng xã hội khiến con trẻ dễ dàng tiếp cận nhiều kiến thức, kèm theo các xu hướng mới, nhanh, tức thời hơn. Không riêng trong việc thưởng thức âm nhạc, mà kể cả thời trang, phong cách, thẩm mỹ, rồi các trào lưu (hot trend) đều nhanh chóng lan truyền, chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Ba mẹ, những thế hệ 8X như chúng tôi nếu không thường xuyên cập nhật, cởi mở sẽ coi đó là nhảm nhí, nông cạn, nửa vời… Đúng là mỗi thế hệ, mỗi lứa tuổi lại có cách nhìn nhận sự việc, vấn đề khác nhau, mà nói như tụi nhỏ bây giờ là không chung “tần số”.
Bởi thế, không ít lần tôi phải lân la trang này, địa chỉ kia để tìm đáp án cho một trào lưu, câu nói mà các con đang chia sẻ. Không hẳn là để biết, để giải tỏa những thắc mắc mà còn để đồng hành, định hướng cho con nhiều hơn. Điều này giúp xây dựng mối quan hệ gần gũi giữa mẹ và con cái, đồng thời tạo ra một môi trường an toàn để con cảm thấy được ủng hộ trong mọi quyết định.
Tôn trọng cũng chính là 1 trong 4 tiêu chí ứng xử chung của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành năm 2022. Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được xây dựng nhằm xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội. Đồng thời, nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc.