Tìm lại dấu xưa vùng đất Hamu Lithit…

21/01/2022, 06:19

BT- Lịch sử đã ghi lại, trên con đường khai phá phương Nam, vùng đất được mang tên Bình Thuận hình thành từ năm 1697, đời chúa Nguyễn Phúc Chu. Bấy giờ chúa mới đặt dinh Bình Thuận, vùng ven biển có 4 đạo là: Phan Rang, Phố Hài, Phan Thiết và Ma Ly. Chúng tôi có nhiều lần điền dã cố tìm hiểu vùng đất mà người Chăm xưa gọi là Hamu Lithit (ruộng gần biển) để khi người Việt vào khai phá thì trở thành địa danh Phan Thiết.

rung-ngap-man.jpg
Rừng ngập mặn Phú Hài. Ảnh Đỗ Hữu Tuấn

Qua tư liệu lịch sử, được biết trước đó cư dân Chăm đã rời xa biển (?) tập trung về ở vùng Ma Lâm làm ruộng (Hamu Akam - Ruộng cây Mã tiền), lấy nước sông Quao (Kronquao), đầu nguồn Cà Tót (Catel) trồng lúa, trồng bông dệt vải… Từ vùng đất đồi động cao với 3 ngọn tháp Chăm bên cửa Pajai (Phố Hài), thủ phủ của người Chăm xưa ở nam Bình Thuận nhìn xuống bên kia sông là vùng đất thấp; nơi ngã ba sông Cầu Ké hợp lưu sông Cái (nay thuộc địa bàn phường Thanh Hải) ra tới biển có một địa danh dân gian gọi từ xưa cho tới nay là bãi “Cột Thẻ” (trong dân gian truyền lại tại đây có cắm một cây cột gỗ rất to, trên thân cột có treo một cái thẻ cũng bằng gỗ khắc mấy chữ Hán quy định ranh giới giữa 2 đạo Phố Hài – Phan Thiết, nay không còn song dân gian đã quen gọi nơi này là bãi “Cột Thẻ”).

Nhánh sông cầu Ké bắt nguồn là con suối Lạng từ núi Ông chảy xuống, về đến Cây Ké bên trên đình làng Phú Hội chảy vào bàu sen trước đình làng rồi uốn khúc quanh co chảy qua Phú Hội, Đại Nẫm, Xuân Phong, xuống cầu Sắt (tỉnh lộ 8), rồi cầu Sở Muối (quốc lộ 1) xuống cầu Ké (gọi là cầu Ké vì bên bờ sông có nhiều cây Ké cổ thụ), hợp lưu với sông Cái ra cửa Phú Hài (tại xóm Cầu Sắt nay thuộc khu phố 4, phường Xuân An có một khu mộ cải táng tập trung và nằm rải rác trong vườn đất, tổng cộng các phần mộ vô danh này có khoảng 365 cái. Theo nhiều người dân ở đây và các nhà nghiên cứu thì đây là khu mộ của các chiến sĩ vô danh trong cuộc chiến tranh giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh (1776 – 1789), theo đó cho thấy vào thời điểm này đã đi được bằng xuồng ghe từ cửa Phố Hài lên vùng trên này. Nhánh sông ở dưới hạ lưu chảy giữa một vùng bãi bồi láng nước mênh mông với màu xanh cây bần, cây mắm, đến khi cư dân Việt vào khai phá thành đồng muối (Phan Thiết - Trinh Tường) bên này sông và bên kia sông (Phú Hài cùng xóm Láng Lại An hạ); phải chăng vùng đất hạ lưu sông Cái và sông Cầu Ké chính là vùng mà người Chăm xưa gọi là Hamu Lithit (?).

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara trong bài “Văn hóa biển của người Chăm” cho biết: “Yếu tố văn hóa biển hiện diện trong các ẩm thực dâng cúng cho thần linh và bữa cơm thường ngày của người Chăm. Trong một số lễ tục người ta quy định bắt buộc phải có các món ăn được chế biến có nguồn gốc từ biển. Ở lễ Rija Harei, Rija Dadep của tộc họ có các món cá khô, khô cá đuối dành riêng để dâng cho các Patra của tộc họ. Đặc biệt, trong lễ Ngap Yang Puis, Payak do các chức sắc Kadhar, Pajuw hành lễ bắt buộc phải có cá khô nướng, khô cá nhám (Ikan Yuw) dâng cho thần linh và tổ tiên”. Đối chiếu với tục cúng đất, cúng ruộng (ruộng lúa và ruộng muối) của người Việt, chúng tôi thấy đều phải có lễ vật là khô cá nhám và khô cá đuối, chắc chắn đó là sự tiếp biến văn hóa trên vùng đất mới mà người Việt đến sinh cơ lập nghiệp; đặc biệt trong tâm thức cư dân Việt, gạo và muối là sản vật thiêng liêng do trời đất ban tặng, cho nên trong cuộc cúng đất đai, cô bác… phải có chén gạo muối (đến hiện đại ngày nay vẫn còn giữ lễ). Còn đối với nghề làm nước mắm truyền thống, các nhà nghiên cứu đều thống nhất có nguồn gốc từ ngư dân Champa, chủ nhân của vùng đất giàu tài nguyên hải sản này. Khi đánh bắt quá nhiều cá tôm họ đã biết bảo quản bằng phơi khô, sử dụng muối ủ chượp (từ chượp cũng từ tiếng Chăm mà ra) trong các chum vại, khi người Việt vào mới tiếp thu cách làm này chuyền sang làm nước mắm trong các thùng gỗ có sức chứa tới 5 - 10 tấn cá.

Tư liệu lịch sử địa phương cho biết người Việt và người Hoa vào cửa Phố Hài trước, sau đó mới vào Phan Thiết. Ngư dân vào lập vạn, không rõ năm, song đối chiếu với năm 1725 cộng đồng thương nhân người Hoa lập Thiên Hậu cung thì vạn phải có trước, còn trong Phan Thiết năm 1762 mới lập vạn Thủy Tú và năm 1770 người Hoa mới lập Quan đế miếu. Thuở ban đầu ngư dân vào cửa Phố Hài khai cơ lập nghiệp là ngư dân Quảng Bình (có ý kiến cho rằng Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kỉnh đưa người quê quán ông là Quảng Bình vào trước), lập vạn và giữ tên là vạn Phú Bình cho tới nay (tư liệu điền dã, những ngư dân gốc Chăm ở Quảng Bình rất giỏi đi biển, tiếng Chăm gọi là dân “bồ lô”, đến những năm 1960 chúng tôi vẫn còn nghe gọi những người Quảng Bình đi biển là dân “bồ lô”). Tiếp sau là ngư dân Nam - Ngãi - Bình - Phú, rồi nông dân, thợ thủ công, thầy đồ nho theo ghe vào lập cơ nghiệp mới. Từ đây, một số nông dân đi về hướng Lại An, Phú Long…Đó là hướng đi theo dòng sông chính (sông Cái), còn một hướng theo nhánh sông cầu Ké lên trên cầu Sở Muối, cầu Bến Lội, đọc lại lịch sử vùng trên này thì được biết tiền hiền làng Đại Nẫm là họ Phạm, gốc người Bình Định, lúc đầu các hộ vào ở cửa biển Phú Hài rồi đi về hướng tây trên này lập nghiệp. Một số người gốc Quảng Nam thì khai thác ngay vùng đất có tên từ xa xưa của cư dân Chăm là (Bà) Sa Động, vỡ ruộng cát trồng khoai và đồng ngập mặn có tên là hói Bà Vạn làm muối, trên động cát có một cây cám cổ thụ và đi xuống ruộng muối có con dốc mọc nhiều cây trâm nên đặt tên cho vùng này là xóm động Cây Cám – dốc Cây Trâm (nay thuộc phường Phú Thủy). Xưa có câu hát: “Ai về Cây Cám ăn khoai/Đi lên Đại Nẫm ăn xoài chín cây” hoặc “Khoai lang chấm muối khoai bùi/Lấy chồng Đại Nẫm biết mùi bưởi thơm”…

Từ thời chúa Nguyễn đến triều đình Huế và sau này thực dân Pháp đều coi muối là mặt hàng chiến lược. Chính từ thuở ban đầu hạt muối đã góp phần lớn làm nên diện mạo Phan Thiết, bởi từ muối mới làm nên cá khô, nước mắm… xuất đi các nơi và xuất khẩu của Phan Thiết, đồng thời chính muối cũng là một mặt hàng xuất khẩu. Năm 1851, vua Tự Đức chuẩn cho dân Bình Thuận lập các Hộ (ngành nghề sản xuất kinh doanh sinh nhiều lợi do nhà vua cho phép, quản lý, thu thuế) theo lời xin của Kinh lược sứ Phan Thanh Giản (Đại Nam thực lục chính biên), Phan Thiết có các Hộ: Hộ Bạch đàm (đệm trắng) thường dùng làm buồm ghe (đệm buồm), bao bì đựng muối và hải sản khô (bao đệm)…; Hộ ghe bầu (tiếp thu từ ghe “prau” của người Chăm có nguồn gốc từ Mã Lai), có trọng tải lớn chở được 10.000 - 20.000 tĩn nước mắm; Hộ nước mắm, chế biến nước mắm (hàm hộ) và hải sản khô; Hộ muối, làm ruộng muối; có thể nói sự phát triển ban đầu của Phan Thiết là từ cá và muối mà ra.

Từ thị xã 100 năm (ngày 20/10/1898, vua Thành Thái xuống Dụ đặt Phan Thiết là thị xã), ngày 25/8/1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/1999/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận và được nâng cấp lên đô thị loại II. Từ đây các công trình lớn mọc lên làm thay đổi diện mạo đô thị Phan Thiết, lớn nhất là công trình san lấp cánh đồng muối và ao hồ hàng trăm ha xây dựng khu dân cư Hùng Vương, khu dân cư Đông Xuân An, trung tâm thương mại Bắc Phan Thiết, khu chế biến hải sản Phú Hài… với 2 trục đại lộ Hùng Vương – Tôn Đức Thắng và nhiều tuyến đường ngang dọc. Có thể nói cánh đồng muối đã có vai trò lịch sử trên 100 năm qua từ buổi ban đầu nhân dân khai phá làm nên hạt muối góp phần tạo nên một thương hiệu nước mắm Phan Thiết nổi tiếng, ngày nay chuyển mình cho một Phan Thiết đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phần cuối khu Hùng Vương còn lại 32 ha nằm giữa 3 phường: Phú Thủy, Thanh Hải và Phú Hài trước đây khu vực này là đất nuôi tôm, làm ruộng muối nhưng hiện tại lùm bụi phát triển tự nhiên như sú, bần, cây mắm… như “nhớ lại thuở ban đầu” tạo nên một cánh rừng ngập mặn với mảng xanh được xem là lá phổi xanh của thành phố, các loại cây trong rừng trở thành nguồn cung cấp thức ăn và là nơi trú ngụ cho nhiều loài thủy sinh, cá… Không chỉ thế “đất lành chim bay về đậu”, nhiều đàn chim, cò về trú ngụ, tìm thức ăn tạo nên cảnh quan vô cùng thơ mộng, hữu tình cho những người yêu quý thiên nhiên và là nơi hấp dẫn cho những nghệ sĩ đến săn ảnh. Do đó, tỉnh đã quyết định giữ lại toàn bộ diện tích này làm công viên cây xanh, chỉnh trang 2 bên bờ sông tạo nên 1 khu sinh thái đẹp giữa lòng thành phố.

Qua đó, các kiến trúc sư Công ty Infinitive Architecture (TP.HCM) đã phối hợp với các kỹ sư, kiến trúc sư của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh bắt tay vào thiết kế, lên ý tưởng độc đáo cho khu rừng ngập mặn duy nhất còn sót lại của thành phố biển. Vào cuối tháng 10/2021, Dự án Công viên sinh thái rừng ngập mặn Phú Hài – Phan Thiết được xướng tên danh dự trong Giải Kiến trúc cảnh quan 2021 của Architecture MasterPrize (AMP). Đây là giải thưởng quốc tế trong lĩnh vực kiến trúc, được thành lập bởi Farmani Group (Mỹ) với hàng ngàn dự án tham gia từ 65 nước.

*

Tháng chạp lại về, tháng của giỗ chạp, người người sửa sang mồ mả tổ tiên ông bà chuẩn bị đón tết. Một năm vất vả lo toan với mùa dịch giã, rồi cũng qua đi. Đứng trên ngọn đồi cao Phú Hài giáp với Phú Long giữa vùng đất cằn khô được sử dụng làm nghĩa trang Phan Thiết với lớp lớp là mả xây được ốp gạch men láng bóng thay cho những nấm mộ đất xa xưa, chợt thấy ấm lòng vui với cuộc sống hôm nay ngày thêm phát triển. Từ trên cao nhìn về hướng nam với cửa biển Phú Hài tới bãi biển Đồi Dương xa xa một màu biển biếc, với trung tâm thành phố được mở rộng về hướng bắc nhà cửa tầng cao mọc lên trên vùng đất mà xưa kia từ Hamu Lithit đến nhấp nhô nước bạc của cánh đồng muối trắng. Con sông Cái uốn lượn giữa xóm làng xanh mới, xa xa ngọn núi Tà Dôn sừng sững nhô lên như một chứng nhân với màu xanh cũ tự thuở xa xưa, xa tít nữa là rặng núi Ông của cuối dãy Trường Sơn gợi lên biết bao điều mến yêu quê hương, đất nước.

GHI CHÉP: VÕ NGỌC VĂN

Related articles
Đọc báo xuân... ngày tết
BT- Trong tất bật cuối năm, không gian của tết bắt đầu len lỏi đâu đó ở từng ngóc ngách. Đi ngang một sạp báo cũ, báo xuân như một bức tranh nhiều màu sắc đập vào mắt. Thói quen gợi lên những nỗi nhớ.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm lại dấu xưa vùng đất Hamu Lithit…